Hiện nay tại các tỉnh, thành phố đều đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế do phó chủ tịch hoặc chủ tịch UBND tỉnh đứng ra làm trưởng ban chỉ đạo. Cùng với đó là sự vào cuộc của các ban, ngành. Tuy nhiên câu chuyện làm sao hạn chế được hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn chưa có hồi kết.
Hệ lụy xấu từ thực trạng nợ BHXH
Theo BHXH Việt Nam, mặc dù tỷ lệ số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp so với số tiền phải thu giảm dần qua từng năm, tuy nhiên vẫn còn ở mức cao. Cụ thể tổng số tiền chậm đóng BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp (DN) bình quân giai đoạn 2016-2022 là khoảng trên 10.000 tỷ đồng/năm. Điều đáng lo ngại là tình trạng chậm, đóng, nợ BHXH không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động tại những công ty đó mà còn tạo tâm lý tiêu cực cho những lao động khác.
Nói về nguyên nhân khiến số lao động đăng ký hưởng trợ cấp một lần gia tăng, BHXH Việt Nam cho rằng, bên cạnh lý do về kinh tế thì vẫn có một bộ phận lao động có tâm lý rút BHXH 1 lần vì lo sợ bị DN bùng, nợ tiền BHXH.
Ông Phạm Minh Thành - Giám đốc BHXH Đồng Nai cho biết, giai đoạn từ tháng 1/2016 đến tháng 3/2024, số người nhận BHXH một lần ở Đồng Nai lên đến 378.000 người, bình quân mỗi năm có trên 47.000 người nhận BHXH một lần. Trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã có 15.700 người lao động nhận BHXH một lần. Số người hưởng trợ cấp BHXH một lần trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng hàng năm, năm sau cao hơn năm trước.
Được biết, đa số lao động đề nghị giải quyết trợ cấp BHXH một lần có thời gian tham gia đóng BHXH ngắn, bình quân 4,54 năm đối với nam và 4,28 năm đối với nữ. Người nhận trợ cấp là nữ cao hơn nam, tính chung giai đoạn 2016-2023, tỷ lệ rời hệ thống BHXH của nữ là 55,6%, của nam là 44,4% do ngành nghề hoạt động của các DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sử dụng nhiều lao động nữ (giầy da, may mặc, dệt nhuộm, chế biến gỗ thủ công…). Số người nhận BHXH một lần làm việc trong DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ cao nhất (68,3%).
“Điều đáng lo ngại là, số người nhận BHXH một lần thuộc nhóm độ tuổi từ trên 30 tuổi đến đủ 40 tuổi là cao nhất, với gần 146.000 người, chiếm tỷ lệ 39,3%. Ở độ tuổi này, sau khi nhận trợ cấp BHXH một lần, nếu tiếp tục tham gia BHXH thì tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ thấp, đồng nghĩa lương hưu sẽ không cao, người lao động rơi vào “bẫy” lương hưu thấp dẫn tới không đủ sống” - ông Thành cho hay.
Ông Đỗ Ngọc Thọ - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) thừa nhận, tình trạng DN nợ BHXH luôn là vấn đề nhức nhối. Hiện cơ quan BHXH cũng đã tập trung một số giải pháp quan trọng như: Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách các DN chậm đóng, với thời gian kéo dài và số tiền lớn; tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất các DN. Đồng thời, chuyển sang cơ quan điều tra xem xét, khởi tố đối với các trường hợp có thời gian nợ kéo dài với số tiền lớn, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người lao động.
Xử lý nghiêm chính sách đóng vai trò quyết định
Trước thực tế trên, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội đã bổ sung thêm quy định tăng chế tài mức phạt, lãi chậm đóng, trốn đóng là 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế). Ngoài ra, còn quy định công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; làm rõ các hành vi chậm đóng trốn đóng, để sau này tạo thuận tiện cho xử lý hành chính cũng như xử lí hình sự.
Giải pháp nữa cũng được tính đến là hoãn xuất cảnh ra nước ngoài đối với các chủ DN chậm đóng; không cho đấu thầu các dự án, công trình có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư... Thậm chí, chế tài cao nhất là xử lí hình sự. Những giải pháp này theo ông Đỗ Ngọc Thọ, sẽ là những giải pháp rất mạnh để hạn chế tình trạng chậm đóng bảo hiểm. Còn rất khó để không còn DN chậm đóng. Bởi tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, có DN hoạt động thành công, nhưng cũng có đơn vị thất bại, phá sản, phải giải thể. Đây là thực tế cần chấp nhận.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, nhiều khi DN sẵn sàng nộp phạt sau đó vẫn tiếp tục nợ. Bởi số tiền nợ BHXH khá lớn, khi nộp phạt và nợ được thì đơn vị vẫn có thể sử dụng khoản vốn này để đầu tư cho các hoạt động khác. Điều này cho thấy việc xây dựng chế tài thực thi đủ sức răn đe là vấn đề lớn, trong đó rất cần một hệ thống xử phạt về kinh tế đủ mạnh. Từ đó, bản thân DN sẽ phải tính toán lại lợi ích, và nhận thấy cần tuân thủ hơn là vi phạm.
Cùng với giải pháp hạn chế chậm, nợ đóng BHXH, theo lãnh đạo BHXH tỉnh Đồng Nai, vấn đề cốt lõi để hạn chế rút BHXH 1 lần là phải đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động và cần có các cơ chế chính sách hỗ trợ khi người lao động mất việc tạm thời để ổn định cho họ. Chẳng hạn như, ngân hàng chính sách cho vay với mức lãi suất thấp, tránh tình trạng người lao động đi cầm cố sổ BHXH như trong thời gian vừa qua hay những người lợi dụng thu gom sổ với mức giá trị rất thấp so với giá trị thực của sổ; có chính sách hỗ trợ thẻ BHYT trong giai đoạn người lao động vừa mất việc làm nhưng chưa hưởng thất nghiệp hay khi bảo lưu sổ, người lao động có thời gian tham gia BHXH dài (5 năm, 10 năm, 15 năm) là điều kiện xem xét hỗ trợ mua nhà ở xã hội, để người lao động “an cư, lạc nghiệp”.