Xã hội

Xử lý nghiêm hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội

Lan Hương 22/04/2024 09:51

Tính từ năm 2018 đến hết 31/12/2023, toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã gửi 417 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang cơ quan điều tra.

Theo cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, riêng năm 2023, toàn ngành phát sinh 26 hồ sơ kiến nghị khởi tố, trong đó 17 hồ sơ theo Điều 214, có 1 hồ sơ theo Điều 215, và 8 hồ sơ theo Điều 216. Tính đến nay, 15 hồ sơ đã được khởi tố, trong đó có 8 bản án đã có hiệu lực pháp luật với số tiền cá nhân, tổ chức phải thi hành án cho cơ quan BHXH là trên 2,69 tỷ đồng. Số tiền cơ quan BHXH đã thu hồi được từ thi hành án đạt hơn 2,38 tỷ đồng (chiếm 88,5% số tiền phải thi hành án).

Từ thực tế tại địa phương, Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai Phạm Minh Thành cho biết, đến nay, đơn vị đã gửi 39 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang cơ quan Công an. Trong đó có 8 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 216, Bộ Luật hình sự về tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; 29 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 214, Bộ Luật hình sự về tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; 2 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 215, Bộ Luật hình sự về tội gian lận bảo hiểm y tế. Kết quả, đến nay có 3 hồ sơ được cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố theo Điều 214, Bộ Luật hình sự.

“Tính đến giữa tháng 3/2024, tổng số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là hơn 808 tỷ đồng. Chính vì vậy, sớm có giải pháp đặc trị với hành vi trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là mong mỏi của người lao động mà còn là mong muốn rất lớn từ ngành BHXH” - ông Thành chia sẻ.

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng, giúp người lao động được ghi nhận thời gian tham gia BHXH và hưởng các chế độ BHXH theo quy định, góp phần giải quyết một phần khó khăn, vướng mắc thực tế nhiều năm qua, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này đã chỉnh lý bổ sung quy định cơ chế có tính chất “đặc thù” để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động bỏ trốn, không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động.

Trước đề xuất này từ Ban soạn thảo, ông Thành cho rằng, thực trạng người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, điển hình là trường hợp Công ty TNHH Texwell Vina ở Trảng Bom năm 2018. “Vụ việc đã để lại rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho cả người lao động và các cơ quan có liên quan. Do vậy, BHXH tỉnh Đồng Nai tán thành bổ sung một điều quy định về cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động” - ông Thành bày tỏ quan điểm.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai Nông Văn Dũng cũng cho rằng, việc bổ sung thêm quy định về hành vi trốn đóng BHXH là cần thiết, tuy nhiên trốn đóng BHXH không được giải thích từ ngữ mà lại liệt kê dưới dạng hành vi như dự thảo Luật sẽ khó đảm bảo tính rõ ràng khi đưa vào áp dụng; do đó đề xuất nên có một khoản giải thích làm rõ “trốn đóng BHXH” là gì?

Nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động, ngăn ngừa và xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, BHXH Việt Nam cho rằng, cần thiết nghiên cứu xây dựng cụ thể các quy định liên quan đến chậm đóng, trốn đóng trong dự thảo Luật BHXH, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; đồng thời có hướng dẫn cách thu thập hồ sơ tài liệu đảm bảo điều kiện cần và đủ trước khi gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố đến Cơ quan điều tra, nhằm đáp ứng đầy đủ điều kiện chuyển hóa hồ sơ, tài liệu thành chứng cứ phục vụ công tác điều tra, khởi tố đối với tội danh trốn đóng theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý nghiêm hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO