Sáng 29/3, tại Trường Tiểu học Sài Sơn B, Ủy ban Nhân dân huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã công bố quyết định thanh tra liên ngành liên quan đến các nội dung cô Nguyễn Thị Tuất tố bị nhà trường vùi dập.
Nội dung làm việc là thanh tra toàn diện tất cả sự việc mà cô Tuất phản ánh cũng như dư luận quan tâm.
Ông Hoàng Nguyên Ưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, ngày 27/3, UBND huyện đã họp với các ngành liên quan và thống nhất thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra, xác minh, làm rõ nội dung đơn thư phản ánh và báo chí nêu về việc cô Nguyễn Thị Tuất - giáo viên Trường Tiểu học Sài Sơn B tố cáo mình bị trù dập.
Cũng theo ông Ưng, sự việc liên quan đến Trường Tiểu học Sài Sơn B, trước đó đã có đơn thư phản ánh về và UBND huyện đã tổ chức và làm việc với các bên liên quan để giải quyết. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn có những thông tin trái chiều về sự việc. Do vậy, UBND huyện quyết định lập đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra lại toàn bộ các nội dung liên quan. Có mặt tại lễ công bố quyết định thanh tra, cô Nguyễn Thị Tuất cho rằng, cô hoàn toàn đồng tình với quyết định thanh tra lại toàn bộ sự việc.
Trước đó, cô Nguyễn Thị Tuất tố cáo, mình bị nhà trường trù dập, học sinh quậy phá, hành hung cô giáo trong giờ học. Cô đã viết đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng, nêu nhiều vấn đề bức xúc trong quá trình dạy học không được giải quyết. Trong đơn, cô khẳng định, bản thân từng có 6 năm liền là chiến sĩ thi đua từ năm học 2012 đến năm 2018, nhiều phụ huynh mong muốn được gửi gắm con em từ khi cô còn rất trẻ nhưng sau này, cô luôn bị nhà trường tìm cách để hạ thấp chất lượng giảng dạy.
Từ giáo viên chủ nhiệm, cô bị phân sang dạy Lịch sử- Địa lý lớp 5, bộ môn vốn không phải thế mạnh của cô. Cô cũng cho rằng, cô bị kích động, cứ đến giờ dạy của cô học sinh sẽ quậy phá, không học bài, thậm chí có hành vi hành hung cô giáo. Sự việc đã được báo cáo lên Phòng GDĐT huyện Quốc Oai. UBND huyện Quốc Oai cũng đã từng thanh tra làm việc với các bên liên quan như: Nhà trường, cô Nguyễn Thị Tuất, giáo viên chủ nhiệm lớp 5… và đã có văn bản trả lời liên quan đến vụ việc của cô giáo Nguyễn Thị Tuất.
Tại buổi làm việc sáng 29/3 ông Ưng cho biết, sau khi có kết luận, Đoàn thanh tra sẽ thông tin tới dư luận và báo chí.
Câu chuyện liên quan đến cô giáo Tuất, nếu nhìn ở góc độ văn hóa học đường quả thật đó là một chuyện không vui. Văn hóa ứng xử thật khó đo đếm bằng cân, bằng lạng, nhưng rõ ràng việc một cô giáo phải viết đơn gửi đến cơ quan chức năng thì ít nhiều phải xem lại môi trường giáo dục nơi đó. Trước tình cảnh của cô Tuất, nhiều câu hỏi được đặt ra, học sinh hỗn láo tập thể với cô giáo quá sức tưởng tượng, vậy vai trò của đồng nghiệp, đoàn thể ở đâu? Không riêng gì trường hợp cô Tuất, đi dạy học mà gặp học sinh vô kỷ luật thì với giáo viên, hẳn không có nỗi bất hạnh nào hơn thế.
Nhiều lập luận cho rằng ngày nay thầy trò phải là bình đẳng. Nhưng bình đẳng cũng phải có giới hạn nhất định. Bình đẳng đến độ cô nói trò không nghe, làm việc riêng trong giờ học, cãi lại cô giáo… thì phải coi đó là chuyện bất bình thường trong môi trường giáo dục.
Đáng buồn hơn là sự im lặng của các tổ chức đoàn thể, giáo viên trong trường trước hành vi chưa đẹp của học trò tiểu học với người lớn, cụ thể là với cô giáo.
Trong khi chờ kết luận thanh tra lại, việc giáo dục lối ứng xử cho các em học sinh mới là điều quan trọng. Bởi lẽ văn hóa ứng xử học đường yêu cầu học sinh phải trung thực, cầu tiến, giản dị, khiêm tốn; đối với thầy cô giáo phải kính trọng, biết ơn; đối với bạn bè phải đoàn kết, thân ái, phải biết kính trên, nhường dưới. Môi trường giáo dục lành mạnh là điều kiện tiên quyết để đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân tốt có tài đức vẹn toàn. Nếu môi trường giáo dục thiếu đi nét đẹp của văn hoá ứng xử thì không thể làm được chức năng truyền tải những giá trị kiến thức nhân văn cho thế hệ trẻ.
Ngoài việc học kiến thức ở trường mỗi ngày, việc xây dựng văn hóa ứng xử học đường là để tạo ra những nét đẹp trong quan hệ thầy cô và bè bạn. Làm ngơ với hành vi của nhứng đứa trẻ khi chúng hỗn hào với người lớn tuổi hơn mình - dù người đó là ai đi nữa, vô hình trung đó cũng là sự tiếp tay cho những hành vi lệch chuẩn.