Ngăn chặn nguy cơ rủi ro từ sớm, từ xa

Ngọc Quang 23/10/2023 08:00

Cùng với sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài, đặc biệt là các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM.

Ông Chu Thắng Trung.

Ở góc độ quản lý, theo ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công thương), cùng với hoạt động xuất khẩu tăng thì hàng hóa của Việt Nam sẽ va chạm, xung đột nhiều ở thị trường nước ngoài. Không chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như sản phẩm gỗ, cá tra, tôm, da giày, dệt may, thép… mà các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ hơn như mật ong, giá để đồ bằng thép, túi mua hàng bằng giấy… cũng đối diện với việc bị điều tra PVTM.

Ông Trung cũng cho rằng, thường thì sự quan tâm của doanh nghiệp (DN) với biện pháp PVTM không nhiều như các vấn đề khác; nhiều DN chỉ quan tâm và có phản ứng khi hàng hóa của họ là đối tượng bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM. Tuy nhiên, theo ông Thắng, hiện phản ứng của DN đã khác so với thời điểm trước. Trước đây, khi DN là đối tượng bị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM họ thường e ngại trong việc phản ứng, ứng phó hay cung cấp thông tin để bảo vệ quyền lợi của mình. Đến nay đã có sự chủ động hơn, không còn quá thụ động và đó là điều cần thiết.

“Chúng ta phải xác định PVTM là xu thế tất yếu trong phát triển thương mại quốc tế và thực tế cũng có những nguy cơ rủi ro nhất định. Vì vậy, DN cần trang bị hiểu biết về các thị trường nhập khẩu để có thể tự đánh giá nguy cơ có thể trở thành đối tượng bị điều tra áp dụng biện pháp bảo vệ thương mại của nước ngoài hay không. Từ đó DN có thể hạn chế rủi ro bằng những sự chuẩn bị trước” - ông Trung nói và cho rằng, DN cần thường xuyên trao đổi, hợp tác, phối hợp với nhau và với Hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước để khi các vụ việc xảy ra thì có được sự hỗ trợ tốt nhất có thể.

Bà Trang Thu Hà.

Ở góc độ DN, bà Trang Thu Hà - Chánh văn phòng Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, trong 10 năm trở lại đây, ngành thép Việt Nam cũng có những bước phát triển vượt bậc, với tăng trưởng bình quân 10%/năm; xuất khẩu gia tăng. Bà Hà cho rằng, việc sản phẩm thép bị điều tra PVTM xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về nguyên nhân khách quan đó là chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu gia tăng không chỉ với ngành thép mà với tất cả các ngành. Tuy nhiên, do thép là đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất nội địa nên nhìn chung chính sách của đa số các nước đều cố gắng bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển ngành sản xuất thép trong nước. Bên cạnh đó, việc Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương, thế hệ mới và mở cửa thị trường, nhiều mặt hàng trong đó có sắt thép sẽ có mức thuế về 0%, dẫn tới các nước tìm các biện pháp khác (ngoài thuế nhập khẩu) nhằm hỗ trợ ngành sản xuất nội địa của mình.

Về nguyên nhân chủ quan, theo bà Hà, sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam có giá thành tương đối cạnh tranh do chi phí nhân công rẻ, các DN đang dần tự sản xuất nguyên liệu đầu vào thép cán nóng… dẫn đến số lượng và chất lượng thép của Việt Nam tăng lên. Mặc dù trong những năm trước đây sản phẩm thép của Việt Nam đã bị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam tiếp tục tăng, sản phẩm thép của Việt Nam tiếp tục tạo uy tín trên nhiều thị trường khác nhau, làm gia tăng nguy cơ bị áp dụng biện pháp PVTM.

“Tới nay, hiểu biết của DN về PVTM đã được củng cố. Các DN đã dần chủ động khi đối diện với các sự việc như chuẩn bị sẵn nhân lực, cũng như hệ thống tài chính sổ sách kế toán, tiếp cận với các đối tác để tạo niềm tin và tích cực phối hợp cung cấp thông tin khi cơ quan điều tra của nước sở tại đề nghị. Tuy nhiên, cái thiếu nhất của các DN, nhất là DN nhỏ là sự hiểu biết của những DN này để sắp xếp nhân lực tham gia vào các vụ việc thì rất khó khăn khi tiếp cận đủ thông tin cũng như thời gian diễn ra vụ việc” - bà Hà nói và cho rằng, với những DN lớn có tiềm lực, có các phòng ban, nhân lực, tài chính để theo đuổi vụ kiện thì thuận lợi hơn. Nhưng cũng vẫn mất nhiều thời gian, không chỉ 1 đến 5 năm mà có thể kéo rất dài.

Theo giới chuyên gia luật, tài chính thì việc chủ động từ phía doanh nghiệp tìm hiểu kĩ quy định pháp luật bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước và thuế quan nhập khẩu của thị trường quốc tế là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội ngành hàng cũng cần chủ động phối hợp với doanh nghiệp để ngăn chặn những rắc rối pháp lý ngay từ đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn nguy cơ rủi ro từ sớm, từ xa