Ngày 30/7, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Công an phối hợp tổ chức hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người. Chương trình được tổ chức trực tuyến trên fanpage Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Lợi dụng mạng xã hội để lừa bán nạn nhân
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng đến nay con số các vụ việc mua bán người vẫn còn cao, nhất là tại các địa bàn vùng biên giới. Thông tin từ Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng 6 tháng đầu năm 2021, các đơn vị bộ đội biên phòng đã triển khai 48 kế hoạch nghiệp vụ, phát hiện, bắt giữ 21 vụ với 18 đối tượng phạm tội mua bán người; giải cứu, tiếp nhận 34 nạn nhân (tăng 5 vụ, 15 đối tượng, 16 nạn nhân so với cùng kỳ năm trước).
Số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm của Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người cho thấy, đã tiếp nhận 1.020 cuộc gọi, giảm 266 cuộc so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 854 cuộc gọi cung cấp thông tin chung về hoạt động của đường dây nóng và phòng chống mua bán người, 147 cuộc gọi tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân, 19 ca chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ nạn nhân.
Chia sẻ về công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người, Đại tá Tô Cao Lanh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, tại Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 bình quân mỗi năm phát hiện 240 vụ mua bán người với 340 đối tượng và lừa bán khoảng 500 nạn nhân.
Thời gian gần đây do ảnh hưởng dịch Covid-19 các tuyến biên giới đã được siết chặt và giám sát hơn nên số vụ mua bán người giảm so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2021 đã phát hiện 29 vụ với 43 đối tượng và lừa bán 56 nạn nhân.
Tuy tội phạm buôn người có xu hướng giảm nhưng theo Đại tá Lanh diễn biến của tội phạm mua bán người vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao vì các đối tượng hoạt động tinh vi, có tổ chức giữa người mua người bán xuyên quốc gia.
“Tội phạm mua bán người thường lợi dụng sự phát triển mạng xã hội đưa ra các chiêu thức như kết bạn nhận đồng hương giới thiệu việc làm ra nước ngoài, giúp môi giới lấy chồng nước ngoài…Thậm chí có đối tượng giả danh là bộ đội, công an hứa hẹn yêu đương sau đó lừa bán ra nước ngoài. Những đối tượng này thường hoạt động mạnh ở những tỉnh có đường biên giới”, Đại tá Tô Cao Lanh cho biết.
Cần những giải pháp đồng bộ
Từ thực trạng trên, các đại biểu cho rằng, để đẩy lùi được tội phạm mua bán người cần có cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương, địa phương cùng với đó cần xây dựng cơ chế pháp lý hoàn thiện, và công tác tái hoà nhập cho các nạn nhân cần phải quan tâm đúng mức.
Chia sẻ về những khó khăn của những nạn nhân mua bán người khi được giải cứu tái hòa nhập với cộng đồng, Đại tá Phan Thăng Long, Phó cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng cho biết, đa phần nạn nhân khi được giải cứu đều rơi vào tình trạng bất ổn về tâm lý vì họ đã bị hành hạ, gây thương tích đặc biệt có đối tượng bị xâm hại. Trong số đó có không ít nạn nhân việc xác định danh tính gặp nhiều khó khăn vì bị mất giấy tờ. Nhiều người bị mua bán từ nhỏ không còn nhớ người thân, nơi mình sinh ra.
Từ những khó khăn này, theo Đại tá Long, để công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người đạt hiệu quả, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Bên cạnh những giải pháp đấu tranh và xử lý ngành chức năng cần sự vào cuộc của các ngành, địa phương, xã hội trong việc tuyên truyền để người dân nhận diện được hành vi, tội phạm của tội phạm mua bán người.
Khi người dân được nâng cao ý thức sẽ tự mình tự chủ, tránh được những cám dỗ từ tội phạm mua bán người. Bên cạnh đó cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực để giúp nạn nhân bị mua bán người tái hòa nhập với cộng đồng.
“Nhiều nạn nhân rơi vào tình cảnh bị trầm cảm vì sang chấn tâm lý nên khi về với cộng đồng, họ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Trong khi đó nhiều nạn nhân còn gặp phải sự kỳ thị của chính gia đình mình và xã hội”, Đại tá Long cho biết.
Trên thực tế, vấn đề tạo việc làm cho các nạn nhân không hề đơn giản, vướng mắc ngay trong trình độ nhận thức của cán bộ địa phương và cả sự thiếu cởi mở của nhiều doanh nghiệp. Do đó, để nâng cao hơn nữa hiệu quả cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế pháp lý, về tố tụng và thực thi pháp luật, về các hoạt động hợp tác quốc tế, về bảo vệ nạn nhân hồi hương, tái hoà nhập cộng đồng và truyền thông phòng ngừa buôn bán phụ nữ, trẻ em nâng cao năng lực cho cán bộ tuyên truyền cơ sở, gắn công tác truyền thông với các chương trình hỗ trợ vốn, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo trong đó ưu tiên các nhóm phụ nữ, trẻ em nguy cơ, thiệt thòi...