Công an quận 12 (TPHCM) vừa ra quyết định tạm giữ Trương Vương Hiếu, người chủ mưu thuê người tạt sơn, chất bẩn vào nhà con nợ. Đây không phải lần đầu xảy ra tình trạng các chủ nợ “dùng biện pháp mạnh” bằng việc hủy hoại tài sản, đe dọa tới sức khỏe, tính mạng người khác để đòi nợ.
Đáng nói, tình trạng này không chỉ diễn ra tại những thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, mà còn có ở nhiều tại các địa phương khác trong cả nước.
Đòi nợ kiểu xã hội đen là hành vi đòi nợ trái pháp luật, có tính chất côn đồ, hung hãn, xâm phạm vào các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đòi nợ, làm con nợ sợ hãi hay xấu hổ nhằm buộc người bị đòi nợ phải trả nợ. Phần lớn những vụ đòi nợ kiểu xã hội đen bằng việc tạt sơn, chất bẩn, lớn tiếng chửi bới, đánh đập con nợ đều xuất phát từ các ổ nhóm cho vay nặng lãi. Các ổ nhóm này dám cho nạn nhân vay một số tiền khá lớn (có thể lên tới vài chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng) mà không cần bất cứ tài sản thế chấp nào, không chỉ vì lợi nhuận lãi cao lên tới 120%/năm, mà bởi chúng “tự tin” nạn nhân sẽ không thể “xù nợ”.
Sự “tự tin” của các ổ nhóm cho vay nặng lãi xuất phát từ việc chúng “nuôi một dàn đầu gấu” chỉ chuyên đi đe dọa con nợ nếu họ chậm trả gốc và lãi. Sự hăm dọa của các đối tượng này thì thiên hình vạn trạng, chúng có thể trộn sơn, mắm tôm và một số chất bẩn khác tới tạt vào nhà con nợ để đe nẹt, cũng có thể chúng kéo một nhóm đến nhà nạn nhân chửi bới, lăng mạ, thậm chí ra tay đánh đập con nợ cho tới khi họ trả tiền.
Như vậy sẽ có người đặt câu hỏi: Vậy thì lực lượng chức năng làm gì trong khi các đối tượng cho vay nặng lãi hành hung, hủy hoại tài sản của nạn nhân? Câu hỏi này rất hay! Về mặt lý thuyết, tất cả các hành vi tạt sơn, chất bẩn, hay chửi bới, xúc phạm danh dự và đánh người đều đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Song, trên thực tế không nhiều đối tượng bị xử lý bởi hành vi mất nhân tính này.
Khi các đối tượng tạt sơn, tạt chất bẩn, lăng mạ, đánh đập con nợ, thử hỏi các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng công an tại địa phương có biết không? Dĩ nhiên là biết, bởi nhiều nạn nhân cũng đã tới cơ quan công an trình báo, hoặc thông qua công tác nắm tình hình của cảnh sát khu vực cũng có thể biết. Song, vì sao các ổ nhóm cho vay nặng lãi vẫn dám nhiều lần tạt sơn, chất bẩn, chửi bới, đánh đập con nợ mà khó bị xử lý?
Câu hỏi này có lẽ chỉ có cơ quan chức năng mới có thể trả lời. Cũng có lẽ do nhiều lần thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật mà không bị xử lý đã khiến các đối tượng cho vay nặng lãi tăng thêm sự “tự tin”, dẫn tới ngày càng ngang nhiên, lộng hành. Không chỉ gọi điện đe dọa con nợ và người thân của họ, chúng còn kéo đám đông tới tận nhà nạn nhân để chửi bới, đánh đập ầm ĩ mà không có bất cứ sự can thiệp nào.
Bài viết không có ý định chứng minh các ổ nhóm cho vay nặng lãi sở dĩ dám lộng hành, ngang nhiên vi phạm pháp luật là do được một số người thi hành công vụ bảo kê, làm ngơ. Song, việc các đối tượng này chậm bị lực lượng chức năng kịp thời xử lý, răn đe là thực tế diễn ra ở nhiều địa phương. Có lẽ đây chính là nguyên nhân dẫn tới sự lộng hành của các ổ nhóm cho vay nặng lãi, dẫn tới khó dẹp bỏ tín dụng đen.