Lợi dụng nhu cầu vay tiền của người dân trong thời điểm cuối năm, các đối tượng lừa đảo đã làm giả hợp đồng vay tiền của ngân hàng, yêu cầu khách hàng chuyển tiền phí hồ sơ, phí hợp đồng…
Hợp đồng giả y như thật
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa phát đi cảnh báo các hiện tượng lừa đảo dịp cận Tết Nguyên đán 2021. Theo OCB, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn giả mạo hợp đồng vay tiền của ngân hàng với lãi suất thấp cùng thông tin về ban lãnh đạo ngân hàng đứng tên trên hợp đồng vay. Từ đó, lợi dụng lòng tin của khách hàng để thực hiện hành vi lừa đảo như thu phí làm hồ sơ hoặc phí nhận hợp đồng vay… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu OCB.
Cụ thể, các đối tượng này đã tìm kiếm khách hàng có nhu cầu vay qua kênh Facebook, mạng xã hội của các ngân hàng, công ty tài chính… Sau đó, từng bước tiếp cận, tư vấn, chào mời và thực hiện hành vi lừa đảo.
OCB cho biết hồ sơ giả mạo được mô phỏng các điều khoản theo mẫu hợp đồng vay tại OCB. Tuy nhiên, thông tin về người đứng tên đại diện của ngân hàng đều sai lệch. Khách hàng sau khi cung cấp các thông tin sẽ được yêu cầu thanh toán theo dạng COD (giao hàng thu tiền) thông qua người giao hàng, bưu điện với chi phí từ 1,5 - 2,5 triệu đồng để nhận hợp đồng vay.
Trước đó không lâu, chính ngân hàng này cũng đã tiếp nhận thông tin từ khách hàng thông báo việc một số đối tượng xưng là nhân viên OCB, thông báo khách hàng được duyệt mở thẻ tín dụng với hạn mức cao, miễn lãi phí trong 3 năm, yêu cầu người nhận trả phí phát hành thẻ với số tiền từ 300.000đ – 400.000đ để nhận thẻ sử dụng.
Các đối tượng này sử dụng các thiết bị viễn thông, lập nên các website tương tự với các trang web của ngân hàng, gửi thư điện tử gắn với tên thương hiệu OCB, gọi điện thoại, gửi tin nhắn, email tự xưng là nhân viên ngân hàng để tiếp thị và hướng dẫn khách hàng thực hiện các bước để được nhận thẻ tín dụng. Sau khi nhận tiền, các số điện thoại đã liên hệ đều mất tín hiệu.
Trong khi đó đại diện Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) liệt kê 4 thủ đoạn lừa đảo gồm: Thứ nhất là làm giả thẻ tín dụng ngân hàng, chuyển phát theo đường bưu điện đến địa chỉ khách hàng và gọi điện, yêu cầu đóng phí bảo hiểm thẻ (thực tế thẻ tín dụng này không thể sử dụng được).
Thứ hai là giả danh nhân viên ngân hàng, gọi điện thông báo khách hàng được giải ngân một khoản vay, yêu cầu khách hàng ra bưu điện đóng tiền bảo hiểm khoản vay và nhận bưu phẩm gồm thẻ và một quà tặng gắn logo ngân hàng sau đó ra ngân hàng để rút tiền từ thẻ ATM đó (thực tế thẻ ATM này không thể sử dụng được).
Thứ ba là giả danh nhân viên ngân hàng mời khách hàng vay, sau đó gửi một mã ID cho khách hàng qua đường bưu điện, yêu cầu nộp cho một khoản tiền cho nhân viên bưu điện để kích hoạt mã ID, nhưng thực tế “mã ID” này không có giá trị. Và thứ tư là giả danh các đối tác lớn của ngân hàng, mời chào khách hàng tham dự hội thảo, liên tục làm phiền khách hàng với các thông tin, sản phẩm liên kết.
“Thực tế, VPBank không bao giờ yêu cầu khách hàng nhận thẻ hay nộp bất kỳ loại thẻ nào tại các bưu cục. VPBank cũng không bao giờ cung cấp thông tin của khách hàng cho bất kỳ đối tác liên kết nào. Thông tin của khách hàng luôn là tài sản tuyệt mật và luôn được đảm bảo chính xác, an toàn tại VPBank” - đại diện Ngân hàng này khẳng định.
Nâng cao cảnh giác
Không phải chỉ ngân hàng nhỏ, ngay cả ngân hang lớn như Vietcombank cũng không thoát khỏi “tầm ngắm” của các đối tượng lừa đảo. Theo đó, Vietcombank cho biết thời gian gần đây tiếp tục ghi nhận các vụ việc rủi ro liên quan đến tiết lộ thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng điện tử như tên đăng nhập; Mật khẩu truy cập dịch vụ VCB-iB@nking (Internet banking); Mật khẩu truy cập email cá nhân; Mã xác nhận giao dịch một lần (OTP), Mã kích hoạt Vietcombank SmartOTP… dẫn đến việc tài khoản của khách hàng bị kẻ gian lợi dụng, gây thiệt hại cho khách hàng.
Chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, các chiêu thức giả mạo, lừa đảo không mới vì đã được nhiều ngân hàng, cơ quan điều tra cảnh báo từ lâu, thế nhưng vẫn có nhiều người bị sập bẫy.Vì vậy, người dùng phải nâng cao cảnh giác, đặc biệt với những cuộc điện thoại lạ tự xưng người của ngân hàng hay công an. Còn với việc thẻ tín dụng cũng phải bảo quản kỹ, không cung cấp thông tin và thanh toán qua các đường link, trang web lạ.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng không bao giờ yêu cầu người dùng cung cấp mật mã truy cập, mã OTP, mật khẩu Internet Banking qua điện thoại… Tương tự, cơ quan điều tra cũng không bao giờ yêu cầu đối tượng đang bị điều tra làm theo các yêu cầu như chuyển tiền, cung cấp thông tin qua điện thoại. Nếu nhận được những yêu cầu này nghĩa là có kẻ gian đang tìm cách lừa đảo.