Ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát (Ngân hàng Nhà nước) cảnh báo về khả năng nợ xấu sẽ tăng trong năm nay, dù các ngân hàng trong thời gian qua áp dụng rất nhiều biện pháp như cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, điều chỉnh thời hạn trả nợ.
Nợ xấu là thách thức lớn nhất
Kinh tế trưởng BIDV, ông Cấn Văn Lực, cho rằng nợ xấu là thách thức lớn nhất trong năm 2020 cũng như vài năm tới của các ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Nợ xấu tăng nhưng ngân hàng vẫn phải đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo áp lực không hề nhỏ cho ngân hàng. Chưa kể, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro làm “bào mòn” lợi nhuận.
Theo tính toán của ông Lực, lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2020 sẽ giảm 20 - 25% so với kế hoạch ban đầu.
Ông Nguyễn Quốc Hùng-Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) đánh giá, trong bối cảnh khách hàng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, các ngân hàng cũng đang chịu hậu quả nặng nề khi doanh nghiệp không trả được nợ, tiềm ẩn nợ xấu gia tăng và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Trên thực tế, diễn biến nợ xấu có xu hướng đi lên tại các ngân hàng, thậm chí còn được dự báo có thể trở nên bi đát hơn trong thời gian tới.
Theo các kịch bản nợ xấu mà NHNN xây dựng trong đợt dịch Covid-19 lần một, tỷ lệ nợ xấu có thể tăng từ 3% vào cuối năm 2020 lên 3,7% tùy theo diễn biến của dịch bệnh và thậm chí có thể còn cao hơn.
Không chỉ là câu chuyện của riêng ngân hàng
Thời điểm này, nhiều ngân hàng cũng đã công bố báo cáo tài chính quý 2. Theo đó, nợ xấu tiếp tục gia tăng tại nhiều ngân hàng, bất kể lớn bé. Có thể nói, ngân hàng chưa kịp hồi phục vì cú giáng Covid-19 hồi đầu năm thì nay lại lao đao vì dịch tái xuất hiện và bùng phát.
Ở khối ngân hàng có gốc nhà nước, với Vietcombank, tổng nợ xấu đã tăng 11% so với đầu năm nay, khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,79% lên 0,83%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 58% và nợ nghi ngờ tăng 56%.
Ở khối ngân hàng tầm trung, chẳng hạn tại Sacombank, cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu cũng ở mức 2,15%.
Còn tại ngân hàng ACB, tổng nợ xấu tại ngày 30/6 tăng 32% so với đầu năm, lên mức 1.918 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn tăng 48% (348 tỷ đồng) và nợ nghi ngờ tăng 64% (510 tỷ đồng), khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,54% lên 0,68%.
Dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ lên hoạt động kinh doanh của các ngân hàng khiến nợ xấu tăng, cho dù các ngân hàng đã tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch khi NHNN ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các ngân hàng cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng. Nói cách khác là ngân hàng được phép cho khách hàng kéo dài thời gian trả nợ đến hết tháng 9/2020. Tuy nhiên khi dịch tái bùng phát, doanh nghiệp lại bị bồi thêm đòn mạnh, kinh doanh cầm cự. Điều này khiến cho hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng ngay tức thì. Doanh nghiệp không có tiền trả nợ thì ngân hàng cũng sẽ dính chàm nợ xấu.
Các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, nợ xấu là vấn đề của cả nền kinh tế, không phải chỉ là câu chuyện sống còn của hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, ngoài chính sách hỗ trợ khách hàng của các ngân hàng, thì cần có các chính sách hỗ trợ toàn diện hơn nữa cho hệ thống doanh nghiệp.
Trong thông tin phát đi ngày 10/8, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng khẳng định, tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) có nợ xấu cao có biện pháp hiệu quả xử lý nợ xấu và ngăn chặn nợ xấu phát sinh. NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn, hỗ trợ TCTD xử lý, phát mại tài sản bảo đảm, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống các TCTD. Làm tốt công tác quản lý, chấn chỉnh, củng cố hoạt động quỹ tín dụng nhân dân...
Đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” kết hợp với đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến kết quả thực hiện mục tiêu của Đề án. Trên cơ sở đó, xây dựng Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.