Một số ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất huy động, trong bối cảnh tiền gửi về ngân hàng có xu hướng chững lại.
Lãi suất ngân hàng nào đang cao nhất?
Ngân hàng Vietcombank đã điều chỉnh tăng 0,2 điểm % đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng, lên mức tương đương với 3 ngân hàng thương mại nhà nước còn lại (VietinBank, BIDV, Agribank), sau khi duy trì mặt bằng thấp hơn suốt từ đầu năm đến đầu tuần trước (ngày 21/6).
Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại “Big 4” đều là 3,1%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 3,4%/năm; 6 tháng là 4%/năm. Đối với kỳ hạn 12 tháng, VietinBank, Agribank, BIDV đều niêm yết 5,6%/năm, trong khi Vietcombank thấp hơn một chút ở mức 5,5%/năm.
Với kỳ hạn 24 tháng, Vietcombank niêm yết mức 5,3%/năm trong khi 3 ngân hàng còn lại đều ở mức 5,6%/năm.
Trước đó, ngân hàng SHB cũng đã điều chỉnh tăng thêm từ 0,1 - 0,3 điểm % so với trước đó. Ngân hàng chủ yếu điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn dài 12 tháng từ 5,8%/năm; kỳ hạn 24 tháng tăng lên 6,55%/năm; kỳ hạn 6 tháng lên cao nhất 5,75%/năm; ở kỳ hạn 36 tháng lãi suất 6,4%/năm.
Hiện nay trên thị trường, mức lãi suất tiền gửi cao nhất thuộc về OCB với lãi suất niêm yết ở mức 8,2%/năm, ACB với mức 7,4%/năm… Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất đặc biệt này, người gửi tiền phải đáp ứng các điều kiện về số tiền gửi từ 200, 300 hoặc 500 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn gửi từ 12-13 tháng.
Một số ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi trong bối cảnh dòng vốn đang chảy mạnh vào chứng khoán và bất động sản, trong khi đó dòng tiền vào ngân hàng chững lại.
Cụ thể theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 21/6/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,48% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,59%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,13% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,35%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,47% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 2,45%).
Ngân hàng đang cần thanh khoản?
Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, hệ thống ngân hàng bắt đầu ghi nhận dấu hiệu cần thanh khoản. Điều này được nhìn nhận khi lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng lên mức trên 1%/năm và duy trì đến nay. Tín dụng tăng trong khi tiền huy động giảm. Chỉ trong 4 hoặc 5 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng tư nhân đã sử dụng hết hạn mức tín dụng ban đầu do NHNN giao đầu năm 2021.
Do vậy các ngân hàng sẽ phải tính đến phương án điều chỉnh lãi suất để hút tiền gửi cư dân.
Trong một báo cáo mới nhất của trung tâm nghiên cứu SSI Research, bộ phận nghiên cứu của trung tâm này giữ nguyên quan điểm lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng khoảng 0,5 điểm %, trong khi lãi suất cho vay vẫn sẽ ổn định trong nửa cuối năm 2021.
Công ty Chứng khoán VPS nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 khiến nhiều người phải ở nhà nên có thời gian tập trung vào chứng khoán. Dòng tiền đổ vào thị trường này không ngừng tăng, trong đó có một phần từ dòng tiền nhàn rỗi khi lãi suất huy động ổn định ở mức thấp. Cùng với lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại, lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng nhích lên, khiến lãi suất huy động rục rịch tăng.
Để giữ chân khách hàng trong bối cảnh dòng tiền nhàn rỗi có xu hướng chảy qua một số kênh đầu tư khác, nhiều ngân hàng đã phải tăng lãi suất huy động. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, tăng lãi suất không phải là xu hướng mà chỉ là động thái cục bộ ở một số ngân hàng. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất vẫn ổn định và chỉ có khả năng tăng nhẹ vào cuối năm, nếu tín dụng tăng.