Trong những ngày đầu tháng 9, nhiều ngân hàng tầm trung và nhỏ điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Trong bối cảnh các kênh đầu tư tạm ấn nút “tạm dừng”, vậy người dân sẽ lựa chọn nơi “trú ẩn” nào?
Làn sóng giảm lãi suất được kéo dài, mở rộng
Nếu quan sát trên thị trường ngân hàng cho thấy, việc giảm lãi suất chi trả cho người gửi tiền đã được các ngân hàng thực hiện từ cuối tháng 8. Và làn sóng giảm lãi suất này tiếp tục kéo dài sang tháng 9, lan rộng ra nhiều ngân hàng hơn, kể cả các ngân hàng tầm trung và ngân hàng lớn.
Bài viết này chỉ đưa ra mức lãi suất ở các kỳ hạn dài trên 12 tháng để dễ so sánh, vì bối cảnh hiện nay nhiều người dân đang hướng tới gửi tiền kỳ hạn dài.
Chẳng hạn hiện nay, đối với kỳ hạn 12 tháng tại Techcombank cũng giảm xuống dưới 5,0%/năm. Theo đó, với số tiền gửi dưới 1 tỷ, lãi suất chỉ còn 4,6%/năm, trên 3 tỷ chỉ còn 4,9%/năm. Đối với khách hàng ưu tiên, lãi suất tối đa cho kỳ hạn này cao nhất cũng chỉ là 5,2%/năm.
Đáng nói, với các kỳ hạn dài (trên 18 tháng) mức lãi suất cao nhất được áp dụng cho khách hàng thường chỉ dao động từ 4,95 – 5,5%/năm tùy số tiền gửi; với khách hàng ưu tiên lãi suất không quá 5,6%/năm.
Trong khi đó tại Vietcombank, Vietinbank, BIDV, lãi suất cao nhất được áp dụng cho các kỳ hạn dài chỉ dao động quanh 6,0 – 6,1%/năm.
Còn tại các ngân hàng như HDBank, các kỳ hạn 12, 13, 15, 18 tháng mức lãi suất phổ thông dao động quanh 6,6 – 6,7%/năm; kỳ hạn 24 – 36 tháng là 6,3%/năm. Riêng kỳ hạn 12 và 13 tháng với số tiền gửi trên 100 tỷ đồng được áp dụng lãi suất lần lượt là 7,4 và 7,5%/năm.
Theo các chuyên gia, các ngân hàng hạ mạnh lãi suất, vì thanh khoản đang dư thừa. Hiện nay tín dụng vẫn tăng rất chậm do các doanh nghiệp vẫn chưa có nhu cầu vốn để phục hổi sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, quy định lùi thời hạn siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn cũng khiến nhu cầu vốn trung và dài hạn không còn quá cấp thiết với các ngân hàng trong thời điểm này. Chưa kể các ngân hàng cũng đang phải sử dụng lợi nhuận để cơ cấu, gia hạn lại nợ cho doanh nghiệp. Vì vậy ngân hàng không muốn chi quá nhiều cho khoản đầu vào.
Tiết kiệm vẫn là kênh hấp dẫn
Có thể nói thị trường tài chính, trong đó có cả ngân hàng tương lai gần vẫn khá tiêu cực do ảnh hưởng của dịch bệnh chưa có hồi kết. Do đó, chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh cho rằng, đối với những người muốn an toàn, gửi tiết kiệm là kênh đầu tư tốt nhất.
Thật vậy, không chỉ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các chuyên gia cho rằng, kinh tế toàn cầu năm 2020 đứng trước nhiều thử thách, như cuộc chiến Mỹ - Trung, bầu cử Tổng thống Mỹ…Với những bất trắc này, người dân sẽ phải phân vân giữa các kênh đầu tư vàng và trái phiếu Chính phủ hay gửi tiết kiệm?
Ở thị trường vàng, thời gian vừa qua đã có những biến động khôn lường. Tương tự, các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ thời gian gần đây liên tục nóng lên, khối lượng đăng ký đấu thầu tăng mạnh và cao gấp nhiều lần lượng trái phiếu chào bán.
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trong các kênh đầu tư, chứng khoán, bất động sản đang đứng trước nhiều rủi ro. Cụ thể, thị trường bất động sản thanh khoản không cao, một phần do tín dụng bị siết chặt. Đặc biệt, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19. Phân khúc bất động sản công nghiệp cũng sẽ trầm lắng vì dịch bệnh, do doanh nghiệp thận trọng khi đầu tư sản xuất. Vì vậy, ông Hiếu cho rằng, gửi tiền tiết kiệm vẫn là kênh sinh lợi an toàn cho nhiều khoản tiền nhàn rỗi.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nhận định có 3 lý do khiến gửi tiết kiệm vẫn hấp dẫn trong giai đoạn này. Đó là lãi suất tiền gửi tuy giảm nhưng nếu khách hàng chọn kỳ hạn từ 1 năm trở lên vẫn có mức lãi suất khá hấp dẫn, khoảng 6,5%/năm, trong khi kỳ vọng lạm phát năm nay dưới 4%. Nhà đầu tư vẫn luôn coi kênh gửi tiết kiệm là an toàn, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh. Đồng thời, một số nhà đầu tư cũng đa dạng hóa các kênh đầu tư của mình, trong đó có chọn gửi tiết kiệm.