Ngăn hàng hóa tăng theo giá xăng dầu

PHƯƠNG CHI 01/10/2023 07:00

Giá xăng trong nước gần 26.000 đồng/lít, dầu gần 24.000 đồng/lít, chạm mức cao nhất kể từ đầu năm. Hiện trên thị trường giá hàng hóa nhích nhẹ, các công ty vận tải tăng giá vé, giá cước.

Rau củ là mặt hàng tăng mạnh trong những ngày gần đây. Ảnh: Bùi Tuấn.

Mặt hàng xăng dầu rất nhạy cảm, giá xăng dầu tăng mà yêu cầu mặt hàng đứng im cũng khó. Thời điểm này, giá thực phẩm thiết yếu, giá cước vận tải… đang rục rịch tăng. Theo ghi nhận tại Hà Nội, các chợ truyền thống như: Kim Liên (quận Đống Đa), Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng), Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm), chợ Xuân La (quận Tây Hồ) các mặt hàng nhích từ 5-10%, rõ thấy nhất là các loại rau xanh và củ quả với lý do mưa lớn và cước vận tải tăng.

Bà Thủy bán hàng khô tại chợ Xuân La cho hay, dù sức mua chậm từ nhiều tháng gần đây nhưng giá nhiều mặt hàng nhập vào vẫn cứ tăng. Như dầu ăn tăng 4.000 đồng/chai, bột ngọt 25.000 đồng/thùng, giấy vệ sinh 5.000 đồng/bịch… Bên cạnh đó, giá thịt lợn, thịt bò, gà cũng cao hơn tuần trước khoảng 10.000 đồng/kg.

Tại TPHCM một số chợ truyền thống trên địa bàn như chợ Nguyễn Tri Phương (Quận 10), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) cho thấy, hầu hết các loại rau xanh đều tăng giá từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Cụ thể, hành lá 50.000 đồng/kg, xà lách 30.000 đồng/kg, dưa leo 12.000 đồng/kg, hành tây 20.000 đồng/kg... Một tiểu thương tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) so sánh, hiện giá rau củ tăng khoảng 40% so với cách đây một tháng.

Với ngành vận tải, anh Nguyễn Văn Hưng - chủ một doanh nghiệp chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai cho biết, xăng dầu chiếm khoảng 40% trong cơ cấu chi phí dịch vụ vận tải đường bộ. Cách đây 4 tháng, giá dầu chỉ khoảng 19.000 đồng/lít nhưng hiện trên 24.000 đồng/lít nên hầu hết các tuyến doanh nghiệp đang phải bù lỗ, không dám tăng giá vì sợ mất khách. Bởi vậy anh Hưng mong muốn cơ quan quản lý dự báo về tình hình xăng dầu dài hơi hơn để doanh nghiệp có thời gian xoay xở.

Với các tuyến xe khách, lượng khách ngày càng ít khiến nhiều công ty vận tải chưa thể vực dậy sau dịch Covid-19 nay lại càng khó hơn khi giá xăng tăng gần 26.000 đồng/lít. Tương tự, anh Tâm - tài xế xe công nghệ cho biết, xăng tăng giá, cước phí chở hàng, chở người đều tăng khoảng 10-15%. Thu nhập nhiều người giảm mạnh, vì thế họ quay sang đi xe máy cá nhân thay vì bị động gọi xe công nghệ với cước phí tăng vọt giờ cao điểm nên sắp tới anh có thể phải tìm công việc khác.

Nhận định về thị trường hàng hóa cũng như ngành vận tải hiện nay, ông Đỗ Huy Trung - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phân tích, việc hàng hóa ở chợ dân sinh, cước vận tải tăng theo giá xăng là quy luật của thị trường. Tuy nhiên, cũng phải xem xét mức tăng bao nhiêu.

Liên quan tới câu chuyện giá hàng hóa tăng theo giá xăng dầu, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nêu quan điểm: Khi chưa giải quyết triệt để sự can thiệp “thô bạo” của khâu trung gian thì giá cả hàng hóa sẽ tiếp tục bị bàn tay vô hình thao túng. Quả trứng hay bó rau từ người nông dân đến người tiêu dùng bị khâu trung gian tăng giá bán gấp đôi. “Do đó các bên từ người sản xuất, chăn nuôi, trung gian, bán lẻ cần ngồi lại với nhau, cân bằng lợi ích, rút ngắn chuỗi cung ứng để hàng hóa đến tay người tiêu dùng với giá phù hợp nhất”, vị chuyên gia lưu ý.

Về phía quản lý, đại diện Cục Quản lý giá thông tin, để ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý theo giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã yêu cầu UBND tỉnh, thành phố, sở tài chính tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá. Công khai thông tin giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa”.

Ở một góc nhìn khác, có thể thấy giá xăng dầu tăng liên tiếp, tạo áp lực lên chi phí sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Trong khi quỹ bình ổn đang dư nhưng lại chi nhỏ giọt.

Cụ thể, ở kỳ điều hành gần nhất, cơ quan liên bộ chỉ chi sử dụng quỹ đối với 2 mặt hàng xăng, dầu diezel, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít. Mức chi quỹ kỳ này được cho là nhỏ giọt so với mức trích lập nhiều kỳ qua.

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, việc trích lập quỹ trong quý II lên đến 1.780 tỷ đồng, nhưng chi chỉ hơn 5,9 tỉ đồng. Còn tính đến ngày 31/7, số dư của quỹ đã lên tới hơn 7.438 tỷ đồng, mức cao nhất từ quý 1/2021 đến nay. Nhưng từ đầu năm đến nay, mức chi quỹ hết sức khiêm tốn và số lần chi cũng hãn hữu.

Vấn đề đặt ra là, tại sao cơ quan điều hành không chi quỹ bình ổn để chặn đà tăng giá xăng dầu? Lý giải của Bộ Công Thương cho rằng, việc không trích quỹ bình ổn là thực hiện theo quy định của thông tư 103 của Bộ Tài chính về mức chi quỹ bình ổn xăng dầu. Cụ thể, quỹ bình ổn xăng dầu chỉ được sử dụng khi chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố với giá cơ sở kỳ trước liền kề kỳ điều hành tăng từ 7% trở lên. Do vậy, dù giá xăng dầu tăng liên tục trong 7 kỳ điều hành gần đây nhưng mức tăng giá cơ sở của hầu hết các kỳ đều dưới 7%, nên không thể trích quỹ bình ổn để kìm giá xăng dầu.

Để kìm đà tăng giá và sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu hoạt động hiệu quả, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, các quy định về trích lập và chi quỹ cần được sửa đổi để bảo đảm tính phối hợp liên thông, hợp lý.

Bộ Công Thương vừa cho biết, để kiềm đà tăng của giá xăng dầu, Bộ đã đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp phù hợp, sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu nhằm làm giảm mức độ ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn hàng hóa tăng theo giá xăng dầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO