Ngân hàng 'sốt ruột' vì tín dụng tăng chậm

T.Hằng 02/11/2023 07:21

Sau khi khởi sắc trong quý II/2023, tín dụng bất ngờ sụt giảm trong tháng 10/2023. Ngân hàng Nhà nước chỉ ra 3 lý do và cho biết còn gần 1 triệu tỷ đồng dư địa tăng tín dụng trong 2 tháng cuối năm.

3 nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm

Theo dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến ngày 24/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế chỉ tăng 6,81% so với cuối năm 2022, trong đó, tín dụng đối với doanh nghiệp (DN) đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế. Trước đó, NHNN cho biết, tính đến 29/9, tăng trưởng tín dụng đã đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92% so với đầu năm. Điều này có nghĩa, trong gần 1 tháng qua, dư nợ của các ngân hàng không hề tăng lên mà còn giật lùi 0,1%.

Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, ngay từ đầu năm 2023, NHNN đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) ở mức cao hơn mọi năm, sát với ngưỡng định hướng của năm 2023.

Đến ngày 10/7/2023, cơ quan quản lý đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các TCTD với mức đã phân bổ cho toàn hệ thống đến nay khoảng 14,5%.

Cũng theo đại diện NHNN, hiện nay, thanh khoản hệ thống TCTD dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng. Toàn hệ thống còn khoảng 8% để tăng trưởng tín dụng, tương đương cung ứng thêm 950 nghìn tỷ đồng tín dụng cho nền kinh tế. “Như vậy, xét về cân đối cung - cầu tín dụng cho thấy hệ thống đang dư cung tín dụng rất lớn” - ông Quang nói.

Do đó, ông Quang cho rằng tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải từ phía cung tín dụng của hệ thống TCTD, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía cầu và khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế cũng như các yếu tố khách quan khác.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ, có 3 nguyên nhân lớn khiến tín dụng tăng chậm. Thứ nhất, trong bối cảnh khó khăn chung, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, đầu tư sản xuất kinh doanh giảm, dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng.

Thứ hai, một số nhóm khách hàng có nhu cầu tín dụng nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, nhất là việc tiếp cận tín dụng của nhóm SMEs còn hạn chế do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi...

Thứ ba, sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng vay được các TCTD đánh giá cao hơn, khi khách hàng vay không chứng minh được hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng trả nợ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Ngân hàng cũng sốt ruột

TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam từng đánh giá, đứng trước tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp như hiện nay, các TCTD cũng không kém phần sốt ruột bởi họ phải huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền, nên việc không cho vay được thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập.

Hơn nữa, cho tới nay, lợi nhuận ngân hàng vẫn phụ thuộc lớn vào thu nhập lãi thuần đến từ hoạt động huy động vốn và cho vay, nên tín dụng tăng trưởng chậm đồng nghĩa với việc quy mô nguồn thu nhập chính của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng theo. Vì lẽ đó, hơn ai hết, các TCTD đều đang nỗ lực để tăng trưởng tín dụng, đưa vốn tín dụng trở lại thị trường.

Thực tế cũng chỉ ra, tín dụng tăng chậm ngân hàng bị ảnh hưởng nặng khi báo cáo tài chính quý III do một số ngân hàng công bố lợi nhuận sụt giảm.

Chẳng hạn tại Techcombank, trong quý III ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế ở mức gần 5.843 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng 3,4% so với quý 2. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của ngân hàng này đạt 17.115 tỷ đồng, giảm hơn 17,8% so với cùng kỳ năm trước.

Hay TPBank ghi nhận quý III/2023 có lợi nhuận thấp nhấp trong 6 quý gần đây khi lợi nhuận trước thuế đạt 1.576 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của TPBank là 4.959 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Theo lý giải của TPBank, nguyên nhân do bối cảnh tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp chưa ổn định và chưa có nhiều khởi sắc, cùng với việc TPBank thực hiện nhiều chính sách ưu đãi về lãi suất và phí dịch vụ nhằm hỗ trợ khách hàng.

BacABank cũng ghi nhận lợi nhuận quý III giảm mạnh khi chỉ đạt 77 tỷ đồng, giảm tới 73% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế BacABank đạt 551 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Ngân hàng này lý giải, nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh chủ yếu do hoạt động kinh doanh cốt lõi - thu nhập lãi thuần trong quý 3 giảm so với cùng kỳ.

Việc sụt giảm lợi nhuận chủ yếu do cầu tín dụng thấp, chi phí trích lập dự phòng gia tăng, cùng những tác động từ việc thực hiện giảm lãi suất, giảm phí để hỗ trợ nền kinh tế từ đầu năm đến nay theo chủ trương từ Chính phủ. Hiện nhiều ngân hàng đã liên tiếp hạ lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ và mới, cùng việc tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi. Dự báo lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm 0,25% trong quý cuối năm, giúp lãi suất cho vay bình quân cả năm 2023 giảm khoảng 1,5-2%/năm. Nếu tiếp tục giảm lãi suất cho vay thì biên lợi nhuận ở nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục suy giảm.

NHNN cũng đã đưa ra giải pháp tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thích ứng kịp thời với biến động của thị trường trong và ngoài nước. Điều tiết tiền tệ, thanh khoản thị trường hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngân hàng 'sốt ruột' vì tín dụng tăng chậm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO