Có thể nói, hiện nay thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào, nhưng tăng trưởng tín dụng lại khá thấp do các ngân hàng không có đối tượng vay.
Ngân hàng đang thừa vốn nhưng không có ai vay, doanh nghiệp khát vốn lại không thể tiếp cận. Đó là thực tế oái oăm hiện nay của nền kinh tế. Các chuyên gia kinh tế đặt vấn đề: Trong khi cộng đồng doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận vốn giá rẻ, tại sao ngân hàng không tính đến phương án giảm lãi suất cho vay để khơi thông dòng tín dụng?!
Dữ liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến thời điểm giữa tháng 6, tín dụng toàn ngành chỉ mới đạt 2,13%. Như vậy nếu so với bình quân 6 tháng của 2019 thì chỉ bằng 1/2 giá trị tăng trưởng (6 tháng đầu năm 2019 tín dụng ngành ngân hàng tăng 5,7%), do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Điều đáng bàn, tăng trưởng tín dụng đang có sự khác nhau rõ ràng giữa các phân khúc ngân hàng.
Có ngân hàng tăng trưởng tín dụng chạm 2 con số, chẳng hạn như Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) tín dụng vượt 10%. Trong khi đó, cũng có ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm.
Còn đối với nhóm ngân hàng có gốc Nhà nước, chỉ duy nhất có Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng trưởng tín dụng dương, ước khoảng 3%.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, thanh khoản ngân hàng hiện nay khá dồi dào, dư thừa vốn. Một số khoản vay đối với khách hàng doanh nghiệp tại Vietcombank lãi suất cho vay chỉ trên dưới 5%/năm, chỉ ngang ngửa lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN, tín dụng tăng trưởng chậm là điều phải chấp nhận trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay. Dù Việt Nam kiểm soát dịch rất tốt, nhưng dịch bệnh ở nước ngoài vẫn tác động tới các doanh nghiệp trong nước, nhiều doanh nghiệp chưa biết vay vốn để làm gì.
Có thể nói, hiện nay thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào, nhưng tăng trưởng tín dụng lại khá thấp do các ngân hàng không có đối tượng vay. Và lãi suất vẫn là một điểm nghẽn giữa doanh nghiệp – ngân hàng trong bấy lâu nay. Vậy tại sao nhà băng chưa giảm lãi suất cho vay để hai bên gặp nhau?
Lý giải về việc lãi suất cho vay không giảm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Độ phân tích: Thời gian qua thực hiện chủ trương của Chính phủ, nhiều ngân hàng TMCP đã giảm lãi suất cho vay 1-2% và khó có thể tiếp tục giảm nhiều trong thời gian tới, bởi biên độ lợi nhuận của các ngân hàng hiện đang ở mức thấp.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Độ, khi cung tiền trên thị trường liên ngân hàng dồi dào, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp ở mức không cao thì các ngân hàng có thể tiếp tục giảm lãi suất nhưng mức giảm không đáng kể.
Từ góc độ khác, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, mức độ giảm lãi suất cho vay có thể giảm nhưng tùy thuộc vào từng ngân hàng. Với các ngân hàng lớn, có tiềm lực tài chính dồi dào, việc giảm lãi suất có thể nhiều hơn những ngân hàng đang phải gánh nợ xấu ở mức cao.
Ở góc độ quản lý, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đảm bảo chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng nhằm khôi phục nhanh chóng sản xuất, kinh doanh.
Đại diện NHNN cũng nhấn mạnh rằng, tạo thuận lợi cho khách hàng vay vốn nhưng không nới lỏng, hạ thấp điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng tín dụng, duy trì tính lành mạnh, an toàn của hoạt động ngân hàng trong những năm tới.