Theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành, các ngân hàng thương mại (NHTM) không có trách nhiệm phải cung cấp định kỳ thông tin về giao dịch của các cá nhân kinh doanh qua mạng. Chỉ có viện kiểm sát, tòa án, cơ quan công an đang điều tra vụ án có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng.
Thế nhưng, trong Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) Bộ Tài chính đã đưa vào quy định các NHTM có sự phối hợp với cơ quan thuế trong việc cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế.
Cụ thể, Bộ Tài chính muốn NHTM có trách nhiệm cung cấp nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản của người nộp thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý thuế; đồng thời khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...
Có thể hiểu rằng, Bộ Tài chính muốn quản chặt hơn việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước của các cá nhân, tổ chức có hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, quy định này sẽ gây khó cho các ngân hàng, bởi phạm vi cung cấp thông tin không rõ ràng sẽ phát sinh thêm nhiều thủ tục, có thể vi phạm quy định về bảo mật thông tin của ngân hàng với khách hàng.
Nhiều ngân hàng cho rằng hiện nay ngành ngân hàng đang lưu trữ thông tin hàng triệu tài khoản cá nhân của khách hàng. Vì vậy, nếu phải cung cấp nội dung giao dịch qua tài khoản, lịch sử giao dịch… định kỳ cho ngành thuế sẽ là áp lực đối với các ngân hàng. Hơn nữa để thực hiện yêu cầu của cơ quan thuế, các ngân hàng phải dành riêng một bộ phận để thống kê, do khối lượng công việc rất lớn, điều này sẽ gây tốn kém cho ngân hàng.
Trong khi đó, Luật An toàn thông tin mạng tại Điều 17, Khoản 1, Điểm C quy định: “Không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân mà mình đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Còn từ phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì quy định này chưa bảo đảm tính minh bạch ở chỗ không rõ trong các trường hợp nào thì cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu ngân hàng thương mại cung cấp các thông tin này và căn cứ vào nhu cầu quản lý nhà nước cụ thể là gì. Theo VCCI, quan hệ giữa NHTM và người nộp thuế là quan hệ dân sự. Khi ký kết hợp đồng, ngân hàng cần phải cho khách hàng của mình biết các trường hợp thông tin của họ sẽ được cung cấp cho bên thứ ba.
Còn theo Nghị định số 117/2018/NĐ-CP về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Chính phủ ban hành ngày 11/9/2018, nêu rõ: Cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân phải giữ bí mật thông tin khách hàng, sử dụng thông tin khách hàng đúng mục đích khi yêu cầu cung cấp thông tin và không được cung cấp cho bên thứ ba mà không có sự chấp thuận của khách hàng, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải lưu trữ, bảo quản theo quy định của pháp luật về lưu trữ, bảo quản hồ sơ, tài liệu đối với thông tin khách hàng, hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng, việc giao nhận thông tin khách hàng.
Tất cả những điều đó rất cần được xem xét một cách thận trọng.