Đô thị

Ngăn nạn 'chặt chém' để giữ chân du khách

Phạm Sỹ 01/07/2024 10:20

Việc Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) mời tài xế taxi liên quan đến vụ việc khách du lịch người Pháp tố bị “chặt chém” cho thấy dù đây chỉ là một vụ nhỏ lẻ, nhưng nếu không kiên quyết xử lý sẽ ảnh hưởng đến du lịch Việt Nam.

anhbaitren.jpg
Người bán hàng rong đeo bám du khách ở khu vực xung quanh Nhà thờ Lớn Hà Nội. Ảnh: P.Sỹ.

Hệ lụy khó lường

Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 7,5 triệu lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, lượng khách du lịch nội địa tháng 5/2024 ước khoảng12 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch trong 5 tháng đầu năm ước khoảng 352,2 nghìn tỷ đồng.

Có thể thấy sự phục hồi ngành du lịch nước ta trong những tháng đầu của năm 2024 là khá ấn tượng. Đặc biệt là đối với thị trường du khách quốc tế. Song việc thu hút và giữ chân du khách quốc tế vẫn là việc mà ngành du lịch cần đặc biệt quan tâm.

Trong đó, đáng chú ý nhất là làm thế nào để không còn những vụ việc “chặt chém” khách du lịch.

Vào tháng 3/2024, UBND phường Bưởi (quận Tây Hồ) đã làm việc và xử phạt hành chính về lỗi bán hàng rong không niêm yết giá đối với người có ý định bán túi táo nhỏ cho khách du lịch nước ngoài với giá 200.000 đồng.

Hay như vụ việc người bán hàng rong bán 4 bánh rán với giá 50.000 đồng cho khách nước ngoài. Mặc dù vụ việc đã được lực lượng chức năng xác minh xử lý, nhưng ít nhiều đã làm tổn hại đến hình ảnh của du lịch Thủ đô.

Trên đây chỉ là ví dụ một vài vụ việc làm ăn theo kiểu chộp giật của một số người nhưng đã để lại ấn tượng không đẹp trong lòng du khách quốc tế. Có thể thấy, việc trục lợi từ hành vi “chặt chém” nếu không được ngăn chặn dứt điểm sẽ tạo tiền lệ xấu. Đặc biệt trong thời kỳ công nghệ số phát triển như vũ bão, những hình ảnh, video, clip được đăng tải sẽ lan truyền rộng trên mạng xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của Việt Nam nói chung và các địa phương để xảy ra vụ việc nói riêng.

Bà Lê Thanh Thảo - Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng, các hành vi bán hàng không đúng giá cho khách du lịch đang khiến nhiều người trở nên dè chừng và không còn cảm giác thoải mái khi đi du lịch. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng của chương trình du lịch mà còn làm giảm mong muốn quay trở lại của du khách.

Cần sự phối hợp liên ngành

Theo đánh giá của một số chuyên gia du lịch, môi trường du lịch ở nước ta đã được cải thiện rất nhiều so với trước. Những vụ việc diễn ra trong thời gian qua là những hạt sạn khó tránh khỏi khi mà lượng khách du lịch tăng cao. Mặc dù vậy, cũng không thể chấp nhận cho sự tồn tại của những trường hợp nhỏ lẻ nhưng lại có thể gây ảnh hưởng lớn đến toàn ngành.

Để ngăn chặn tình trạng này, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng liên ngành. Cần có quy định những khu vực nào bán hàng và không được bán hàng để hạn chế tình trạng đối tượng “chặt chém” thường xuyên xuất hiện. Ngoài ra, để giải quyết tận gốc vấn nạn này, chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý cần có sự phối hợp, đề xuất đưa ra công việc làm ăn phù hợp hơn cho họ… Cùng với đó, cũng cần có chính sách quản lý bắt buộc các cơ sở kinh doanh phải đăng ký và công khai toàn bộ dữ liệu cá nhân, địa chỉ, giá cả và nguồn gốc hàng hóa.

Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh nhấn mạnh, phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng trong việc phục vụ du khách, khi đó chúng ta mới khai thác và phát triển du lịch bền vững. Song song với đó, phía chính quyền địa phương cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động của người bán hàng rong. Đồng thời giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, cần tăng cường hệ thống camera và nâng cao an ninh tại các khu vực du lịch để bảo đảm an toàn cho du khách.

Còn theo GS.TS Từ Thị Loan - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, để ngăn chặn tình trạng bắt chẹt du khách cần xử lý nghiêm. Cùng với đó là nâng cao nhận thức, giáo dục về đạo đức, văn hóa ứng xử. Tận dụng thế mạnh của dư luận xã hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là mạng xã hội để phê phán, lên án, điều chỉnh những hành vi vi phạm này.

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam yêu cầu các địa phương chỉ đạo ban quản lý khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, đơn vị kinh doanh liên quan tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát, duy trì chất lượng dịch vụ, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý điểm đỗ và trông giữ phương tiện phục vụ khách du lịch. Các đơn vị kinh doanh cần tuân thủ nghiêm quy định về đăng ký, niêm yết công khai giá bán hàng hóa. Giá dịch vụ phải được niêm yết tại khu vực lễ tân, nơi dễ nhìn thấy, nơi khách tiếp cận trước khi sử dụng dịch vụ, không tùy tiện tăng giá, ép khách, gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn nạn 'chặt chém' để giữ chân du khách