Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế Bắc Kạn và Bệnh viện Nhi trung ương về việc tăng cường công tác thu dung, điều trị ổ dịch sốt tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.
Trước đó, theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn về tình hình dịch trên địa bàn huyện Chợ Đồn khiến hơn 700 học sinh phải nghỉ học, xét nghiệm xác định do dịch cúm B. Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn cũng cho hay tình hình dịch cúm B đã được kiểm soát.
Trong công văn do ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa ký ban hành, Cục đề nghị Sở Y tế Bắc Kạn chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác thu dung, điều trị ổ dịch sốt tại huyện Chợ Đồn, phân công các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp nhận người bệnh và tuân thủ các quy định về phân luồng, cách ly nhóm bệnh lây qua đường hô hấp. Cục cũng đã đề nghị Bệnh viện Nhi trung ương cử chuyên gia hỗ trợ trực tiếp và trực tuyến về phân tuyến, phân luồng, điều trị, chăm sóc, theo dõi và kiểm soát lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh cho Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn theo tình hình dịch bệnh.
Liên quan đến thông tin về ổ dịch cúm B ghi nhận trên địa bàn Chợ Đồn - Bắc Kạn, Cục Y tế dự phòng cũng thông tin, các mẫu bệnh phẩm dịch họng và huyết thanh học đã được thu thập và chuyển về Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương để xét nghiệm; bước đầu kết quả xét nghiệm có 5/7 trường hợp dương tính cúm tuýp B. Đây là 1 trong 2 chứng cúm mùa (A, B) thường lưu hành trên thế giới và tại Việt Nam.
PGS. TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về ổ dịch tại huyện Chợ Đồn, Bệnh viện Nhi trung ương đã cử một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, có chuyên môn về bệnh cúm lên Bắc Kạn hỗ trợ về các giải pháp điều trị và đặc biệt là các dấu hiệu nặng của bệnh để kịp thời liên hệ chuyển tuyến khi cần. Ông Điển cho hay, trong đầu tuần này, Bệnh viện sẽ bố trí đoàn lên Bắc Kạn hỗ trợ đồng nghiệp về chuyên môn trong cách ly, xử lý, phát hiện sớm dấu hiệu bệnh nặng, không để lây nhiễm trong bệnh viện...
Theo PGS. TS Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi trung ương, cúm B là một loại cúm mùa (có 4 type A, B, C, D) là loại virus thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Kể từ sau dịch Covid-19, các nghiên cứu thấy rằng cúm B gặp khoảng 40%, do cúm A chiếm 60% trong các trường hợp cúm mùa, rất hiếm gặp cúm C, D. Virus cúm B không được phân chia thành nhóm, nhưng gồm có 2 dòng đó là: B/Yamagata và B Victoria. Nhìn chung, các đặc tính di truyền và kháng nguyên của virus cúm B rất ít thay đổi và thay đổi chậm hơn so với virus cúm A. Virus cúm B chỉ gây bệnh cho người.
Cũng như cúm A, cúm B lây từ người sang người thông qua các giọt bắn nhỏ (có chứa virus cúm) trong không khí khi người bị mắc bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Do trẻ chạm vào các bề mặt bị ô nhiễm bởi các giọt bị nhiễm bệnh rồi chạm vào miệng, mũi hoặc mắt của trẻ. Thời gian ủ bệnh của bệnh cúm B từ 1 - 4 ngày kể từ khi bị nhiễm virus cúm. Trẻ em và những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu có thể ủ bệnh lâu hơn.
Tương tự như mắc cúm A, các triệu chứng thường gặp của bệnh cúm B bao gồm: Sốt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, đau xương khớp, mệt mỏi cảm thấy kiệt sức. Trẻ em bị cúm cũng có thể có các triệu chứng tiêu hóa (buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy). Mặc dù một số triệu chứng cúm có thể tương tự như cảm lạnh, và đa số trẻ sẽ bình phục sau 1-2 tuần, tuy nhiên ho và mệt mỏi có thể kéo dài hơn 2 tuần.
PGS.TS Tạ Anh Tuấn cho hay phần lớn bệnh cúm B nhẹ tự khỏi, tuy nhiên virus cũng có thể gây biến chứng nặng như viêm phổi do virus cúm hoặc do bội nhiễm vi khuẩn. Các biến chứng nghiêm trọng khác hiếm gặp hơn như: Viêm cơ tim, viêm não, viêm cơ tiêu cơ vân, suy đa cơ quan nhưng rất hiếm.
Cần lưu ý những trẻ có nguy cơ biến chứng nặng do cúm B, gồm: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi), đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi; Trẻ có các bệnh mãn tính: Bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh/mắc phải, bệnh gan, bệnh thận, bệnh hen, bệnh phổi mãn, bệnh tăng áp phổi, trẻ được dùng các thuốc ức chế miễn dịch, mắc các bệnh ung thư, bệnh máu rối loạn chuyển hóa, béo phì…
Điều trị cho trẻ mắc cúm B ra sao?
Tùy thuộc vào tình trạng của trẻ khi thăm khám các bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm cần thiết, để từ đó đưa ra các chỉ định điều trị phù hợp với tình trạng của trẻ, ví dụ chỉ định dùng kháng virus cho những trẻ có nguy cơ cao/trẻ có các biến chứng sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng virus (chỉ dùng cho những trường hợp sốt dưới 48h), nếu có bội nhiễm vi khuẩn sẽ được dùng kháng sinh phù hợp. Nếu có suy hô hấp tùy mức độ suy hô hấp sẽ được hỗ trợ hô hấp bằng thở ô xy hoặc thở máy, bù nước điện giải, điều trị suy tim nếu có…