Kinh tế

Ngành cà phê tìm cách thích ứng với biến đổi khí hậu

NAM ANH 13/08/2024 07:02

Sản xuất cà phê Việt Nam ngày càng bị ảnh hưởng bởi hạn hán kéo dài và nhiệt độ tăng cao, khiến năng suất và chất lượng cây trồng bị giảm. Vì vậy đòi hỏi phải có phương pháp canh tác mới theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

anhtren(2).jpg
Thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên. Ảnh: N.A.

Nguồn cung cà phê giảm mạnh

Số liệu từ Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho thấy, cà phê đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm hơn 10% doanh thu xuất khẩu nông sản và 3% GDP. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 1,61 triệu tấn cà phê, thu về 4,18 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Trong 6 tháng đầu năm 2024, giá cà phê xuất khẩu đã đạt mức kỷ lục, với giá trung bình là 3.550 USD/tấn. So với mức giá trung bình 2.400 USD/tấn trong cùng kỳ năm 2023, giá cà phê tăng tới 48%.

Theo các chuyên gia, giá cà phê sẽ tiếp tục tăng do tình trạng khan hiếm cà phê ở thị trường trong nước và thế giới. Còn theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) dự đoán, sản lượng sẽ giảm thêm 20% xuống còn 1,47 triệu tấn trong niên vụ sắp tới, mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Theo VICOFA, xuất khẩu cà phê sẽ tiếp tục giảm trong quý III do thiếu hụt nguồn cung và chỉ có thể phục hồi vào tháng 10, khi mà mùa thu hoạch mới bắt đầu. Ước tính vẫn còn thiếu từ 1,5 đến 2,5 triệu bao cà phê theo hợp đồng cần được bổ sung từ vụ thu hoạch hiện nay.

Tuy nhiên, trong năm 2024, sản xuất cà phê Việt Nam bị ảnh hưởng bởi hạn hán kéo dài và nhiệt độ tăng cao, khiến năng suất giảm cũng như chất lượng cây trồng bị ảnh hưởng. Áp lực từ khí hậu đặc biệt gay gắt ở Tây Nguyên, nơi hạn hán nghiêm trọng thiêu rụi nhiều đồn điền cà phê và khiến cho tình trạng khan hiếm nước tưới trở nên trầm trọng hơn.

Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch VICOFA cho rằng, tình trạng hạn hán không chỉ ở Tây Nguyên mà còn trên toàn cầu. Điều này khiến cho tổng nguồn cung cà phê sụt giảm. Đây là một trong những yếu tố chính khiến giá cà phê đạt mức cao chưa từng thấy trước đây. Đáng chú ý, khoảng 5% diện tích cà phê tại Gia Lai, tương đương 4.800 ha, bị nhiễm rệp sáp nặng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ thời tiết nắng nóng kéo dài cùng mưa đầu mùa tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển mạnh. Dẫn tới việc gây thiệt hại lên đến 50% diện tích ở một số khu vực trồng cà phê trong tỉnh.

Bên cạnh đó, nhiều nông dân trồng cà phê trong nước đã chuyển sang trồng sầu riêng do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc cho loại trái cây này đang tăng. Sự thay đổi này đã làm giảm thêm diện tích dành cho sản xuất cà phê.

Hướng đến tăng trưởng xanh

Ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai cho hay, tỉnh Gia Lai sẽ duy trì trên dưới 100.000ha cà phê. Những nơi không đảm bảo về nước tưới, về thổ nhưỡng, độ dày của đất thì cây cà phê không mang lại hiệu quả kinh tế cao đã bị loại thải.

Còn Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết, hiện nay khoảng 90% diện tích và sản lượng cà phê do các hộ nông dân sản xuất, tuy nhiên quy mô cũng như diện tích nhỏ lẻ, manh mún, do đó việc chuyển giao kỹ thuật còn nhiều khó khăn. Sản xuất cà phê của người dân còn theo kinh nghiệm truyền thống, tự phát, áp dụng quy trình kỹ thuật tái canh cà phê còn nhiều hạn chế, một số diện tích cà phê tái canh không đạt hiệu quả.

Trước thực trạng trên, Đắk Lắk đã đặt mục tiêu phát triển cà phê là tạo được một giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững, hướng tới tăng trưởng xanh; chú trọng các mô hình, giải pháp giảm thiểu những yếu tố tác động đến môi trường, đồng thời nâng cao chất lượng của cà phê. Cùng với đó là xây dựng mã vùng trồng, có chứng nhận truy xuất nguồn gốc, phát triển thị trường gắn với việc xây dựng thương hiệu để việc tiêu thụ được thuận lợi, mang lại giá trị cao trên thị trường.

Đồng thời, Đắk Lắk tập trung đầu tư cho chế biến (hiện nay tỷ lệ chế biến mới đạt trên 15%, đây là con số rất thấp và là dư địa lớn cho phát triển chế biến); có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, thuế, các ưu đãi khác để thu hút những nhà đầu tư vào đầu tư chế biến, không chỉ là chế biến sâu về cà phê mà còn tạo ra nhiều sản phẩm khác từ cà phê…

Về vấn đề này, TS Majo George- giảng viên cấp cao ngành Quản trị chuỗi cung ứng và logistics Đại học RMIT, cho rằng, các mối quan hệ hợp tác công tư như chương trình sản xuất kết hợp bảo vệ nguồn tài nguyên và an sinh xã hội (PPI Compact) tại Đắk Lắk có thể tạo ra các mô hình bền vững và cải thiện khả năng phục hồi của nông dân. Những quan hệ đối tác này cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình nông lâm kết hợp và các phương pháp thân thiện với môi trường khác nhằm nâng cao tính bền vững lâu dài. Xuất khẩu cà phê đặc sản và cà phê hữu cơ đang được chú ý hơn bởi các sản phẩm này ngày càng trở nên phổ biến trên toàn cầu. Ngoài ra, việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng và quy trình chứng nhận nghiêm ngặt liên quan đến chế biến cà phê cũng rất quan trọng.

TS George ủng hộ việc sử dụng công nghệ thông tin thị trường theo thời gian thực, phân tích dữ liệu dự đoán thời tiết và áp dụng nền tảng kỹ thuật số để giao dịch trực tiếp giữa nông dân với thị trường. Những công nghệ này có thể cung cấp cho người nông dân hiểu biết và là công cụ tốt hơn để quản lý cây trồng của họ và đáp ứng nhu cầu thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành cà phê tìm cách thích ứng với biến đổi khí hậu