Kinh tế

Ngành gỗ tìm cách hóa giải thách thức

Khanh Lê 08/07/2024 19:38

6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản thu về 7,95 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là những tín hiệu tích cực, tuy nhiên ngành gỗ Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là ở thị trường có những chính sách kiểm soát lâm sản nhập khẩu chặt chẽ.

Xuất khẩu đạt gần 8 tỷ USD

Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 7,95 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 52,3% so với kế hoạch. Một số thị trường chính tăng mạnh như: Hoa Kỳ đạt 4,38 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2023; Trung Quốc đạt 1,059 tỷ USD, tăng 46,6%.

Về phát triển rừng, Cục Lâm nghiệp cho hay, trồng mới rừng tập trung đạt 125,5 nghìn ha, đạt 51,2% kế hoạch, tăng 1,2% so với cùng kỳ; ước cả năm đạt khoảng 245 nghìn ha, đạt 100% kế hoạch năm.

Về thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, lũy kế 6 tháng đầu năm, đã thu 1.521,16 tỷ đồng, trong đó, thu từ 4 loại dịch vụ môi trường rừng quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP đã thu 1.281,58 tỷ đồng đạt 39,3% kế hoạch thu năm 2024. Nói về thị trường xuất khẩu gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết: Hoa Kỳ vẫn đang là thị trường lớn nhất của xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam.

Theo đó, trong 6 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ đạt 4,38 tỷ USD, chiếm 55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Từ đầu năm tới nay, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh, cho thấy nhu cầu đang phục hồi nhanh tại thị trường này. Trong đó, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính tới Hoa Kỳ, đây cũng là mặt hàng mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành gỗ.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc cũng tăng trưởng mạnh. Cụ thể, trong 6 tháng năm 2024 đạt hơn 1 tỷ USD, tăng trưởng lên tới 46,6% so với cùng kỳ. Trong đó, tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất văn phòng của Trung Quốc từ Việt Nam tăng rất mạnh, chiếm 24,7% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất văn phòng của Trung Quốc.

Đa dạng hóa sản phẩm và thị trường

Nhận định về thị trường gỗ trong thời gian tới, ông Hoài cho biết, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gỗ hiện phải đối diện với những thách thức mới về cam kết quốc tế như tuân thủ quy định của châu Âu (EU) về chống phá rừng, trách nhiệm giải trình ngành gỗ để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế theo luật Lacey (Mỹ), cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất…Do vậy, những tháng còn lại của năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn đối diện với nhiều thách thức.

Trên thực tế, hiện Hoa Kỳ đang là thị trường chính của ngành gỗ tuy nhiên từ đầu năm 2022 đến nay, các DN xuất khẩu gỗ Việt Nam liên tục phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc,... Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chính thức thông báo áp dụng quy định mới về phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. Việc này đang dấy lên những lo ngại sẽ có những tác động đến DN xuất khẩu gỗ của Việt Nam.

“Các DN ngành gỗ cần đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu; cạnh tranh bằng chất lượng thay vì bằng giá. Sản xuất đồ gỗ cần tăng cường sử dụng các nguyên liệu gỗ từ rừng trồng, được sản xuất trong nước hoặc từ các nguồn cung cấp không bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá” - ông Hoài nhấn mạnh.

Đồng quan điểm GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho rằng, ngành gỗ Việt Nam hiện đang phát triển mạnh cả về quy mô và tốc độ. Tuy vậy, các quốc gia trên thế giới ngày càng có những chính sách kiểm soát lâm sản nhập khẩu hết sức chặt chẽ.

Bởi vậy, DN cần tuân thủ pháp luật, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường; đẩy mạnh nghiên cứu, thiết kế phát triển sản phẩm và đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao, đa dạng từ thị trường; cần tổ chức giám sát, đánh giá nguồn gốc gỗ bảo đảm, hợp pháp và giải quyết tốt bài toán nguyên liệu chất lượng cao đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn của thị trường tiêu thụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành gỗ tìm cách hóa giải thách thức