Kinh tế

Ngành gỗ Việt năm 2023: 'Lỗi hẹn' với mục tiêu tăng trưởng

Khanh Lê 25/12/2023 07:09

Năm 2023 là một năm khó khăn của ngành gỗ Việt Nam, khi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU giảm mạnh dẫn đến các đơn hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp (DN) phải thu hẹp quy mô sản xuất; thậm chí một số DN phải đóng cửa..

bai-chinh.jpg
Năm 2024 dự báo ngành gỗ vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Anh Dũng.

Năm khó khăn của ngành gỗ

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng năm 2023 đạt 12,1 tỷ USD, bằng 82,5% kim ngạch của năm 2022. Ước tính kim ngạch xuất khẩu của ngành hết 12 tháng năm 2023 sẽ đạt 13,5 tỷ USD, giảm 15,5% so với năm 2022.

Tại tọa đàm “Phát triển bền vững và những thách thức đặt ra cho ngành gỗ” do Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) tổ chức mới đây, TS Tô Xuân Phúc - Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách, thương mại và tài chính lâm nghiệp Forest Trend cho biết, năm 2023 là một năm khó khăn của ngành gỗ Việt Nam. Nhu cầu sử dụng hàng hóa, đặc biệt là về hàng hóa không thiết yếu như đồ gỗ, giảm mạnh. Một số nhà nhập khẩu đồ gỗ lớn trên thế giới đã phá sản. Nhiều DN ngành gỗ của Việt Nam phải thu hẹp quy mô sản xuất, một số DN thậm chí phải đóng cửa.

Trong mặt hàng gỗ, xuất khẩu viên nén gỗ có mức sụt giảm khá lớn. Vốn được sử dụng nguyên liệu đầu vào là những phụ phẩm tưởng như bỏ đi, nhưng mỗi năm xuất khẩu viên nén gỗ đóng góp hàng trăm triệu USD trong kim ngạch xuất khẩu gỗ và con số này kỳ vọng đạt 1 tỷ USD trong năm 2023. Thế nhưng, kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ trong năm nay dự kiến giảm 15 - 17% so với năm 2022.

Theo ông Phúc, lượng viên nén của Việt Nam xuất sang Hàn Quốc giảm không phải là giảm cầu tại thị trường này mà do các DN Hàn Quốc nhập khẩu viên nén từ các nguồn cung khác.

Nhận định chung về bức tranh xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2023 cũng như dự đoán thị trường sắp tới, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Viforest cũng cho rằng, ngành gỗ đang đứng trước rất nhiều thách thức, đặc biệt là các vấn đề về tranh chấp thương mại, trong đó nổi cộm là kinh doanh gỗ bất hợp pháp; vấn đề bảo đảm môi trường; vấn đề khai gỗ ở những vùng rừng không có chứng nhận an toàn cao… Để cụ thể hóa doanh số xuất khẩu, ngành gỗ đang tập trung vào nhiều vấn đề trọng tâm trong đó đẩy mạnh thị trường, coi đây là một trong hai chân trụ của DN (hạ tầng sản xuất, thị trường) theo hướng phát triển bền vững. Nếu không xây dựng tốt thị trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh số xuất khẩu gỗ trong năm năm 2024.

Xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững

Bên cạnh khó khăn về đầu ra thị trường, theo các chuyên gia, ngành gỗ đang đối mặt với một số vấn đề thời sự ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững của ngành. Theo đó tại thị trường châu Âu (EU), tháng 6/2023 EU đưa ra quy định mới về chống phá rừng (EUDR). Như vậy, việc đáp ứng các yêu cầu của EUDR trong tương lai có thể sẽ gây khó khăn cho các DN hiện đang xuất khẩu vào thị trường này, đặc biệt là yêu cầu về xác định chính xác vị trí địa lý lô đất sản xuất.

Ngoài ra, EU cũng đưa ra quy định về giới hạn mới về formaldehyde trong sản phẩm tiêu dùng. Đối với các sản phẩm và đồ nội thất bằng gỗ cũng như nội thất của phương tiện giao thông đường bộ, giới hạn liên quan trong tương lai sẽ là 0,062 mg/m3 formaldehyde. Những quy định này không chỉ tác động tiêu cực tới hình hành của toàn ngành gỗ Việt mà còn làm mất đi cơ hội trong việc sử dụng gỗ nhập khẩu rủi ro thấp và đặc biệt là nguồn gỗ rừng trồng trong nước có nguồn gốc từ hàng triệu nông hộ. Theo thống kê khoảng 77% tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU là các mặt hàng thuộc nhóm đồ gỗ (HS 9401 và HS 9403), gần 23% còn lại là các mặt hàng thuộc nhóm gỗ và bán nguyên liệu (HS 44). Đáng chú ý, 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường EU giảm 32% so với cùng kỳ.

“Những quy định mới, kèm theo tín hiệu của thị trường cho thấy 2024 có thể sẽ tiếp tục là một năm khó khăn của ngành. Giải pháp trọng tâm nhất trong năm 2024 đó là tạo ra hình ảnh ngành gỗ Việt Nam là phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản đó là sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải” - ông Lập nhận định.

Từ đóng góp của xuất khẩu viên nén khi sử dụng nguyên liệu đầu vào là các phần phụ phẩm của ngành chế biến và/hoặc của nguồn gỗ rừng trồng không được đánh giá cao về giá trị kinh tế, ông Phúc khẳng định, ngành viên nén xứng đáng để nhận được sự quan tâm hơn cả về mặt cơ chế, chính sách… Tuy nhiên, hiện nay ngành chưa nhận được cơ chế, chính sách nào nhằm thúc đẩy ngành phát triển bền vững.

“Các DN ngành viên nén xứng đáng để nhận được các cơ chế, chính sách dành riêng. Các cơ chế, chính sách có thể là những hỗ trợ trực tiếp dành cho các DN sản xuất. Cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng có thể là gián tiếp, thông qua các công cụ nhằm khuyến khích mở rộng thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa mặt hàng này, bao gồm ưu đãi về giá điện sử dụng viên nén, ưu đãi đối với các DN chuyển đổi từ nguyên liệu phát thải cao sang sử dụng viên nén” – ông Phúc gợi ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành gỗ Việt năm 2023: 'Lỗi hẹn' với mục tiêu tăng trưởng