Trong khi nhiều trường ĐH đang tiếp tục tuyển bổ sung cho đủ chỉ tiêu năm 2020, thì có không ít trường đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa một số ngành học ế ẩm… vì không có sinh viên theo học.
Câu chuyện nhiều ngành học khó hút sinh viên đã diễn ra từ nhiều mùa tuyển sinh trước. Gần đây nhất, theo số liệu thống kê từ Bộ GDĐT: Tổng số thí sinh trúng tuyển nhập học năm 2019 bằng các phương thức xét tuyển đạt 77,7%. Đáng lưu ý có 5 nhóm ngành có tỉ lệ thí sinh nhập học thấp, gồm: Nhóm ngành Nông lâm nghiệp và Thủy sản, tỉ lệ nhập học đạt 32,6%; nhóm ngành Khoa học tự nhiên đạt 34,58%; Môi trường và bảo vệ môi trường đạt 45,28%; Dịch vụ xã hội đạt 45,71% và Khoa học sự sống đạt 50,04%.
Theo lý giải của các chuyên gia tuyển sinh, việc chọn ngành học của thí sinh nhiều năm gần đây khá thực dụng. Đó là ưu tiên chọn ngành “hot” dễ tìm việc làm, lương cao, tránh việc nặng nhọc và có cả việc chọn ngành theo phong trào.
Đơn cử nhiều năm qua, tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, những ngành học như Thiết kế thời trang, Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng (hệ chất lượng cao, tiếng Anh), Điện tử Viễn thông hệ chất lượng cao Việt - Nhật hay ngành Môi trường chất lượng cao… có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và nhập học rất thấp. Do đó, trong đề án tuyển sinh 2020, trường đã quyết định dừng tuyển sinh 2 ngành Công nghệ vật liệu dệt may và Kỹ thuật nữ công.
Tương tự, năm học 2020 - 2021, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM dừng tuyển sinh hai ngành học là Khoa học thủy sản và Công nghệ vật liệu. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng chính thức dừng tuyển sinh 4 ngành đào tạo: Hoạt hình manga Nhật Bản, Cartoon Mỹ 3D, Thiết kế tạo dáng công nghiệp 3D, Thiết kế trang trí nội - ngoại thất, Ngôn ngữ Pháp vì khó tuyển sinh…
Hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về việc đóng cửa những ngành học khó tuyển sinh. Một số chuyên gia cho rằng, những ngành học “ế” có thể không “hot”, nhưng nó vẫn rất cần cho sự phát triển kinh tế - xã hội, thế nên cần có mô hình ĐH chia sẻ là giải pháp tháo gỡ cho vấn đề này khi nó cho phép các trường gửi sinh viên (vì quá ít) cho các trường khác có cùng chương trình, ngưỡng bảo đảm đầu vào để tạo điều kiện cho sinh viên học tập, tiết giảm chi phí cho đơn vị. Đây cũng là một điều đáng lưu tâm và cần có sự vào cuộc sớm của Bộ GDĐT, cần sự bắt tay giữa các trường.
Nhưng thực tế cho thấy, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang ngày càng tác động rõ rệt vào trong mọi mặt của đời sống, việc một số ngành phải dừng, tạm ngưng tuyển sinh đào tạo vì nhu cầu không còn (theo quy luật tự nhiên) khó tránh khỏi.
Hơn thế, khi thực hiện tự chủ, bên cạnh việc chủ động dừng tuyển sinh ngành “ế”, các đơn vị cũng kịp thời xây dựng những ngành học mới phù hợp hơn. Như thế, ngành học không tuyển được thí sinh và phải đóng cửa là điều bình thường trong bối cảnh nền kinh tế đang thay đổi và hội nhập mỗi ngày. Bởi khi nhu cầu nhân lực ngành học nào đó xã hội đã bão hòa và không cần tự khắc nó sẽ bị đào thải và thay thế bằng ngành khác phù hợp hơn.