Đã có không ít người đặt câu hỏi rằng: Ngành sản xuất kinh doanh phân bón nước ta hiện nay đang đứng ở đâu trong xu thế phát triển của thế giới? Câu trả lời được thể hiện rõ nhất trong các quy định tại Nghị định 108.
Phải chăng ngành sản xuất và kinh doanh phân bón nước nhà vẫn đang trong một thế loay hoay? Kiến nghị về Nghị định 108/2017, có doanh nghiệp (DN) kêu vì quá nhiều giấy phép con. Cụ thể, muốn xin phép nhập khẩu 6 sản phẩm phân bón từ Mỹ về Việt Nam phải thực hiện đến 8 bước và qua các bước như đã nêu ở trên, riêng chi phí khảo nghiệm 6 loại phân bón theo quy định trong Nghị định 108/2017 thì DN phải bỏ ra khoảng 7 tỷ đồng để thuê các đơn vị khảo nghiệm trong thời gian 2 năm. Ngoài ra còn rất nhiều chi phí khác không thể liệt kê ra được.
Nhìn qua nước láng giềng Thái Lan, họ có hẳn luật về quản lý sản xuất sản phẩm phân bón, Đạo luật này được gọi là “Luật Phân bón (Số 2) B.E. 2550”. Luật này quy định: DN đăng ký giấy phép kinh doanh (1 tuần làm việc); DN đăng ký mã số thuế (1 tuần làm việc); Đăng ký môi trường nơi sản xuất (2 tháng). Thông thường chi phí đăng ký 1 sản phẩm tại Thái Lan khoảng 1.000 USD (tương đương 22.000.000 đồng). Tuy nhiên, các sai phạm về quản lý phân bón ở Thái Lan đều xử lý rất nghiêm, nếu vi phạm có thể bị xử lý hình sự và án phạt tù đối với người vi phạm.
Như vậy, nếu một DN muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất phân bón, qua các bước quy định thì DN sản xuất phân bón khó có thể khởi nghiệp được. Đối với DN muốn nhập khẩu phân bón từ nước ngoài về kinh doanh thì coi như bị chấm dứt vì không đủ lợi nhuận để bù chi phí bỏ ra. Như vậy, nông dân Việt Nam hầu như sẽ không được tiếp cận với những sản phẩm phân bón công nghệ 4.0 của thế giới. Làm gì để DN tham gia vào lĩnh vực kinh doanh và sản xuất phân bón muốn khởi nghiệp đang là một câu hỏi lớn để ngỏ cho các nhà quản lý.