Do dịch Covid-19 nhiều nhà xe phải ngừng hoạt động mấy tháng nay, vậy mà khi rục rịch trở lại thì giá xăng lại tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, thời điểm này ngành vận tải còn gặp rất nhiều khó khăn.
Khách ít, tiền xăng nhiều
Dịch Covid-19 vừa bớt căng thẳng thì giá xăng tăng lên 24.000 đồng/lít đã tạo áp lực lớn đối với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực giao thông – vận tải. Cụ thể, trong 15 - 17 khoản mục chi phí của hoạt động vận tải thì xăng dầu chiếm tỷ lệ từ 30 - 35%. Do vậy đối với xe khách để hòa vốn thì phải đạt từ 60% hệ số ghế trở lên. Ví dụ xe 40 ghế, phải chở được 24 khách mới đủ yêu cầu, song thực tế dù chỉ có từ 10 - 15 khách, hay ít hơn nữa xe vẫn phải chạy, vẫn phải đốt nhiên liệu.
Song quan trọng hơn, trong bối cảnh giao thông chưa được thông tuyến hoàn toàn, các hãng xe cũng chỉ dám chạy cầm chừng thì giá xăng tăng khiến cho doanh thu không bù nổi chi phí.
Chẳng hạn với Công ty TNHH Phúc Xuyên (Quảng Ninh) đang duy trì khoảng 10 tuyến vận tải hành khách Quảng Ninh – TP Hà Nội, Quảng Ninh - Lào Cai, Quảng Ninh - Nghệ An... Do ảnh hưởng dịch, nhu cầu đi lại chưa cao, trong khi giá xăng tăng mạnh khiến doanh nghiệp (DN) chạy xe không đủ trả tiền xăng.
Ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Xuyên nói: “Bình thường giá xăng dầu chiếm khoảng 40% chi phí giá thành vận tải. Khi giá xăng tăng chúng tôi cũng nghĩ đến chuyện tăng giá vé nhưng đó là điều không tưởng trong bối cảnh khách đi lại ít như hiện nay. DN tăng giá vé thì mất uy tín với khách hàng, không tăng thì không đủ chi phí”.
Bà Vũ Tuyết Hạnh, đại diện Công ty Vận tải Cường Thắng – chuyên vận tải hàng hóa tuyến Bắc – Nam cho hay, thời điểm dịch bệnh, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong di chuyển giữa các tỉnh, thành phố. Đến nay, việc lưu thông cơ bản đã trở lại thì giá xăng liên tục tăng sốc. Điều này khiến chi phí của DN tăng cao, buộc đơn vị phải tính toán lại cước vận tải trong thời gian tới cho phù hợp.
Đại diện một DN kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách tuyến Hà Nội – Vinh cũng cho biết, hiện nay hãng chỉ duy trì vận tải hàng hóa, chưa chạy vận tải hành khách. Do vậy, gần 15 xe giường nằm vẫn yên vị tại bến. Trong thời điểm chuẩn bị hoạt động lại, thì gặp cảnh xăng tăng phi mã, DN chỉ âm thầm chịu thôi chứ biết kêu ai.
Theo Nghị quyết 128, các địa phương được lên phương án thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19, nhưng nhiều hãng vận tải chưa dám hoạt động vì nhu cầu đi lại chưa cao. Nhiều doanh nghiệp cho biết, khi chuẩn bị mở lại tuyến, đúng thời điểm giá xăng tăng cao, không khác gì nhà xe gặp cú đấm bồi, khốn cùng hơn.
Tài xế xe công nghệ Đặng Văn Hiệp, cho biết xe mới chạy lại được hơn tuần nay nhưng khách không nhiều, còn giá cước cũng do hãng quyết định trên hệ thống, giờ giá xăng tăng thì chỉ đổ hết gánh nặng lên người lái xe. Tài xế này cũng cho biết trước đây đổ đầy bình xe Honda Civic đời 2012 chỉ hết 1 triệu tiền xăng, nhưng nay giá xăng tăng phải đổ hơn 1,1 triệu đồng.
Áp lực lạm phát
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội cho biết, giá xăng tăng chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của DN. Nhiều đơn vị đang phải hoạt động cầm chừng, nhiều xe đã “đắp chiếu” vì không có khách, không có hàng để chạy.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ngày 28/10, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, kịch bản giá năng lượng trên thị trường quốc tế tăng đã được dự báo từ trước, do vậy giá xăng dầu trong nước cũng đã nằm trong kịch bản sẵn có. Trong khi đó, lượng xăng dầu thành phẩm cũng phải nhập khẩu khoảng 30 -35%, chưa kể DN còn nhập dầu mỏ về để chế xuất thành xăng dầu. Như vậy giá xăng dầu trong nước tăng khi nền kinh tế thế giới có tín hiệu phục hồi lạc quan là tất yếu. Việc xả quỹ bình ổn giá xăng dầu như DN mong muốn là không nên. Chưa kể trong thời gian vừa qua, cơ quan quản lý là liên bộ Tài chính – Công thương cũng đã nhiều lần xả quỹ bình ổn, như vậy tốc độ tăng giá xăng trong nước thực chất không còn sốc như giá xăng dầu thế gới.
“DN vận tải và cả nền kinh tế phải chấp nhận thực tế giá xăng dầu trong nước biến động để tìm cách thích nghi”- ông Thịnh nói.
Về các giải pháp hỗ trợ DN vận tải trong giai đoạn khó chồng khó, xe không chạy được mà xăng dầu tăng giá vùn vụt, TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định, cách giúp DN hợp lý nhất là giảm tải các chi phí cho DN, chẳng hạn như phí cầu đường, phí BOT. Trực tiếp hơn là với những DN vận tải liên tuyến, đường dài giảm bớt chi phí xét nghiệm, giảm giá các bộ test. Và quan trọng hơn là chính các DN vận tải phải hướng tới sử dụng các phương tiện tiết kiệm nhiên liệu, an toàn với môi trường.
“DN vận tải cũng cần được gỡ khó nhưng không phải là giảm giá xăng, mà có thể hỗ trợ bù trừ từ lương thưởng, giảm thuế thu nhập DN, giảm đóng bảo hiểm xã hội. Tôi không ủng hộ giảm thuế xăng dầu để hạ giá xăng, vì như thế là khuyến khích tiêu thụ các mặt hàng được khai thác từ tài nguyên. Các DN vận tải phải hướng tới sử dụng phương tiện tiết kiệm nhiên liệu” - ông Thịnh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó ông Thịnh cũng lưu ý, những tác động dây chuyền khi giá xăng, dầu tăng là rất cao. Vì giá xăng dầu tăng, chi phí logistic tăng, hàng hóa khi đến nhà bán lẻ cũng thay đổi.
Nhiều dự báo của các cơ quan chuyên môn nhận định CPI năm 2022 có thể vượt mức 4% nếu diễn biến chung trên thị trường nhiều bất lợi, nhất là nếu khủng hoảng năng lượng tiếp tục leo thang. Bộ Tài chính cho rằng, phải tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược.
Ông Trần Đức Nghĩa - Công ty TNHH Quốc tế Delta: “Xăng dầu chiếm khoảng 30-40% trong cơ cấu chi phí dịch vụ vận tải đường bộ. Giá nhiên liệu tăng ngay lập tức nhưng giá cước vận tải không phải “muốn là tăng ngay được” vì không dễ gì khách hàng chấp thuận thay đổi giá với các hợp đồng đã ký”.
TS Đinh Trọng Thịnh: “Cách giúp DN hợp lý nhất hiện nay là giảm tải các chi phí cho DN, chẳng hạn như phí cầu đường, phí BOT. Trực tiếp hơn là với những DN vận tải liên tuyến, đường dài giảm bớt chi phí xét nghiệm, giảm giá các bộ test…” .