Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn được Chính phủ phê duyệt hồi tháng 9/2024 đặt mục tiêu đến năm 2030, các cơ sở đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học (ĐH) trở lên.
Sẵn sàng đón nhu cầu nhân lực
Đại diện khoa Điện, Trường điện - Điện tử (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho hay, mùa tuyển sinh 2025 nhà trường sẽ mở chương trình chuyên sâu đặc thù Thiết kế vi mạch, hệ kỹ sư, thông qua sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Quyết định mở chương trình này đến từ thực tế phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực này. Trước đó, một số trường có chương trình thạc sĩ chuyên ngành Thiết kế vi mạch như ĐH Bách khoa và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, (ĐH Quốc gia TPHCM). Tuy nhiên, chưa trường nào công bố kế hoạch đào tạo kỹ sư chuyên sâu.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Huy - Trưởng khoa Điện, Trường điện - Điện tử, nhà trường dự kiến tuyển 60 sinh viên mỗi năm cho chương trình này, từ năm 2025. Chương trình trang bị kiến thức chuyên ngành cốt lõi về thiết kế chuyên sâu, vi mạch ứng dụng. Học viên được thực tập tại doanh nghiệp và làm đồ án tốt nghiệp với sự đồng hướng dẫn của doanh nghiệp. Sinh viên học xong bậc cử nhân với 132 tín chỉ ở chuyên ngành Thiết kế vi mạch hoặc các ngành gần như Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Tự động hóa được đăng ký xét tuyển. Cử nhân các ngành phù hợp ở trường khác cũng có thể đăng ký; người học sẽ được tiếp cận với những kiến thức cập nhật nhất về thiết kế vi mạch. Đây là lợi thế giúp sinh viên nhanh chóng bước chân được ngay vào nền công nghiệp bán dẫn khi ra trường.
Ở các mùa tuyển sinh trước, nội dung về Thiết kế vi mạch, bán dẫn nằm trong hệ đào tạo cử nhân thuộc các ngành gần như Điện tử - Viễn thông, Kỹ thuật máy tính, Vật lý kỹ thuật...
Ghi nhận tại mùa tuyển sinh năm 2024, nhiều trường ĐH mở ngành đào tạo liên quan tới lĩnh vực vi mạch bán dẫn như Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, các trường ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Phenikaa... Các trường cho rằng, đây là thời điểm thích hợp nhằm đón sóng cơn khát nhân lực của thị trường và chính sách phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Cơ hội việc làm mở ra
Theo chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 nói trên, 18 trường ĐH sẽ được ưu tiên đầu tư ngân sách để hình thành, nâng cấp phòng thí nghiệm bán dẫn nhằm đảm bảo năng lực đào tạo ngành này. Dự kiến bao gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế... Ngân sách sẽ đầu tư trang thiết bị, phần mềm bản quyền để hình thành, nâng cấp và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm bán dẫn tại các trường; 1.300 giảng viên ở các viện nghiên cứu, trường ĐH, doanh nghiệp... sẽ được đào tạo chuyên sâu về ngành công nghiệp bán dẫn. Mục tiêu là đến năm 2050, các trường ĐH đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển ngành công nghiệp này.
PGS.TS Ngô Như Khoa - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) cho biết, ngay từ cuối năm 2023, nhà trường đã tổ chức xây dựng đề án mở ngành Công nghệ điện tử, bán dẫn và vi mạch được ĐH Thái Nguyên phê duyệt để tổ chức tuyển sinh trong năm 2024. Đây cũng là ngành được phát triển dựa trên thế mạnh sẵn có của nhà trường về cả kinh nghiệm, tiềm lực đội ngũ và trang thiết bị. Ngoài ra, với sự quan tâm đặc biệt từ ĐH Thái Nguyên, ngành công nghiệp bán dẫn được xem xét đầu tư là ngành trọng điểm, mũi nhọn và phát triển mạnh trong tương lai gần.
Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, cơ hội việc làm ở lĩnh vực vi mạch bán dẫn là điều có thể nhìn thấy rõ. Vấn đề lớn là cần nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp. Nhân lực ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam có thể làm việc cho doanh nghiệp Việt hay các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Thậm chí, họ có thể nắm bắt cơ hội sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước khác làm việc.
PGS.TS Trần Mạnh Hà - Phó Giám đốc Khu công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TPHCM nhìn nhận, Việt Nam đang có cơ hội rất thuận lợi để tham gia vào nền công nghiệp này thông qua các hoạt động thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm tra vi mạch, khi các tập đoàn vi mạch bán dẫn trên thế giới chuyển hướng hoạt động, tăng cường đầu tư và tìm kiếm nguồn nhân lực tiềm năng tại Việt Nam. Các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này thường lựa chọn làm việc cho các tập đoàn quốc tế lớn với mức lương khó cạnh tranh.