Trong số các ngành học mới năm nay, các ngành liên quan đến công nghệ bán dẫn, thiết kế vi mạch bán dẫn… được nhiều trường hướng tới.
Như đã thông tin, năm 2024, trong đề án tuyển sinh của nhiều trường đại học có dự kiến mở ngành đào tạo liên quan tới lĩnh vực vi mạch bán dẫn như: Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng, cụ thể: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Trường Đại học Bách khoa…
Năm 2024, Trường Đại học Việt Đức triển khai tuyển sinh các chương trình đào tạo chuyên sâu lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và thiết kế vi mạch, bao gồm: Thiết kế vi mạch thuộc ngành Khoa học máy tính, Kỹ thuật hệ thống vi điện tử thuộc ngành Kỹ thuật Điện và Máy tính và thạc sĩ Kỹ thuật truyền thông và vi điện tử thuộc chương trình thạc sĩ Kỹ thuật điện (MEE).
TS Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Việt Đức cho biết, các chương trình này được thiết kế để cung cấp một nền tảng vững chắc trong thiết kế và sản xuất các mạch tích hợp và hệ thống vi điện tử, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chuyên môn hóa trong ngành.
Tại Trường Đại học Phenikaa, từ năm học 2024 – 2025, trường tuyển sinh mới 2 chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn gồm: Thiết kế vi mạch bán dẫn, Chip bán dẫn và công nghệ đóng gói.
Thông tin từ phía nhà trường cho biết, sinh viên theo học các chương trình này sẽ được trang bị kiến thức cơ sở cốt lõi và chuyên sâu về thiết kế mạch tương tự, mạch số và mạch hỗn hợp; thực hành đóng gói và kiểm chuẩn chip tại các phòng thí nghiệm của trường; được giới thiệu thực tập tại các tập đoàn đóng gói và kiểm chuẩn chip hàng đầu tại Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, với những đặc thù yêu cầu cao của ngành vi mạch bán dẫn, việc đào tạo nhân lực không thể chỉ dừng lại ở chương trình cơ bản, mà cần nhiều nỗ lực triển khai theo cả chiều rộng và chiều sâu.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết, các trường đại học không đứng ngoài dòng chảy đang diễn ra mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn. Các trường có thể tuyển mới để đào tạo từ đầu, hoặc sinh viên các ngành gần có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối, hay kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 1-2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn, vi mạch.
Đây là lý do Trường Đại học Phenikaa mở các ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực này. Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh thông tin, trường thành lập Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn với mục tiêu lâu dài góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam và quốc tế.
Hàng loạt thông tin liên quan tới lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trong đó cơ hội việc làm với mức lương khởi điểm hấp dẫn là thông tin thu hút sự quan tâm của thí sinh, phụ huynh thời điểm này.
Tuy nhiên, theo quan điểm của những người tổ chức đào tạo, quyết định chọn trường, chọn ngành học thế nào, người học nên cân nhắc và thận trọng.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT), Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, thí sinh không nên nóng vội, chọn ngành theo mốt mà cần tập trung vào năng lực bản thân, từ đó nghiên cứu tìm ra ngành nghề và trường đại học có thể đáp ứng tốt nhất.
"Thí sinh muốn có cơ hội việc làm trong tương lai ở lĩnh vực vi mạch bán dẫn có thể lựa chọn ngành học cơ bản liên quan tới Hóa, Vật lý kỹ thuật, Vi điện tử, Điện tử viễn thông… Sau đó các em có thể học thêm, vừa học vừa làm…", TS Lê Viết Khuyến nói.