Hơn một năm qua, cũng như nhiều lĩnh vực khác, ngành xuất bản sụt giảm doanh thu. Dịch bệnh khiến nhiều sự kiện về sách phải trì hoãn, hủy bỏ, tạo thêm mối lo cho người làm sách. Theo đó, đòi hỏi các đơn vị làm sách phải nỗ lực tìm cho mình một lối ra.
Thời điểm này, cả nước đang chung tay đẩy lùi đại dịch. Những người đang công tác tại ngành xuất bản cũng không nằm ngoài cuộc chiến đó. Thông qua việc phát hành những đầu sách liên quan phòng dịch, chăm sóc sức khỏe, ngành xuất bane đã góp phần truyền tải thông điệp tích cực đến độc giả.
Có một thực tế là trong năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19, nhưng sự quan tâm của độc giả dành cho sách, dành cho văn hóa đọc nhiều hơn. Ở giai đoạn đặc biệt này, độc giả đã có sự chọn lọc khi tiếp cận sách.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- Giám đốc NXB Hội Nhà văn Việt Nam nhìn nhận: Trong thời Covid này không chỉ nhà xuất bản mà tất cả các cơ quan, tổ chức đều gặp khó khăn. Đối với nhà xuất bản thì lượng người mua sách giảm đi. Những nhà sách liên doan giấy phép cũng giảm. Dù không ai muốn đại dịch Covid xảy ra nhưng nó đã cho con người ta suy ngẫm nhiều hơn.
Đặc biệt các nhà văn sẽ suy ngẫm về những sáng tác của mình, cho số phận của con người rất mong manh. Khi đó, tất cả những hoạt động của con người trong đại dịch này như chia sẻ, sự cảm thông, che chở nhau… thì cũng gợi mở rất nhiều cho văn chương. Con người cần bảo vệ đời sống này, thế gian này nhiều hơn.
Trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như hiện nay, các đơn vị xuất bản đã có những thay đổi linh hoạt hơn, tìm ra những phương thức giao tiếp, trao đổi mới. Nhờ đó, nhiều chương trình từ hình thức giao lưu, gặp gỡ trực tiếp sang trực tuyến. Cùng với đó là hệ thống phát hành cũng đẩy mạnh sang các kênh trực tuyến.
Những kinh nghiệm từ năm 2020 tiếp tục là bài học lớn cho chúng ta phải rất linh hoạt, phải thay đổi để thích ứng hoàn cảnh, tận dụng nền tảng số, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số. Cùng với đó, những người làm xuất bản phải linh động hơn để theo nhịp cuộc sống, bám sát nhu cầu người đọc, bám sát tâm lý xã với nhiều chủ đề: Bài học kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh, khủng hoảng, y học, quản lý tài chính cá nhân, sách và học liệu tham khảo phù hợp với điều kiện học ở nhà...
Nói về xu hướng mới của ngành xuất bản, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng: “Một trong những xu hướng mà lâu nay chúng ta đang bàn đến là sách điện tử, tôi cho rằng đây là một điều rất là quan trọng. Trong thời Covid này chúng ta không thể biết bao giờ có thể dừng lại, tương lai có thể có những chuyện khác tương tự xảy ra mà con người phải đối chọi. Thì tôi nghĩ sách điện tử là một hình thức rất hay hoặc audio nhà sách điện tử đọc, được nghe. Tôi nghĩ đó là những thứ sau này có thể phục vụ con người trong hoàn cảnh khó khăn. Nhà xuất bản Hội Nhà văn chúng tôi đang làm một dự án sẽ dùng trung tâm Nhà xuất bản Hội nhà văn để làm thành một trung tâm sách nhà văn. Cho dù thế nào sách trên bản in vẫn là một di sản của con người, của nhân loại. Từ đó xây dựng một trung tâm sách điện tử để người ta có thể tiếp cận hiểu biết nhà văn, chia sẻ những câu chuyện của nhà văn, cũng như vấn đề sáng tác”.
Mặc dù ngành xuất bản vẫn có những cơ hội nhất định song về cơ bản, trong thời gian tới, toàn ngành sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, ảnh hưởng trước mắt là thị trường bán sách truyền thống bị thu hẹp. Ở một góc độ nào đó thì thị trường sách điện tử đang có chiều hướng tăng tích cực.
Bà Đỗ Thảo Ly- Giám đốc thương hiệu của Skybooks Việt Nam đánh giá: “Đây sẽ là một cuộc chơi mới cho tất cả các công ty phát hành sách. Ngoài việc thay đổi về các đơn vị bán hàng, không còn chỉ là các cửa hàng sách truyền thống, mà giờ đây người ta có thể mua sách qua các sàn thương mại điện tử. Qua biến cố này, việc chuyển đổi dữ liệu số cho cách cũng sẽ được chú trọng nhiều hơn”.
Bà Nghiêm Thị Trinh- đại diện Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam cho biết: “Để thích ứng tình hình dịch bệnh, chúng tôi cũng đã có hướng hoạt động online nhiều hơn, không để phụ thuộc vào các sàn thương mại điện tử mà ngay chính tại công ty cũng sẽ bắt đầu cải thiện hệ thống bán hàng trên trang web và fanpage. Tối ưu và đẩy mạnh để bán trực tiếp cho người mua không phải qua trung gian nào”.
Như vậy, có thể thấy với hướng phát triển online đã tạo cơ hội cho các đơn vị xuất bản trong việc tái cơ cấu lại các loại hình sách, thăm dò nhu cầu thị trường và tập trung vào những loại sách mà hiện tại bạn đọc đang có nhu cầu cao.
Bên cạnh đó, các đơn vị phát hành cũng đã đầu tư thêm vào chính các kênh bán online của mình, tăng cường quảng bá, giới thiệu và cập nhật liên tục thông tin về các đầu sách mới, kết hợp với các biện pháp kích cầu để vượt qua thời điểm khó khăn này.