Hồ Định Bình cách TP Quy Nhơn (Bình Định) chừng 70 km về hướng Tây. Đến đây, du khách sẽ có được những phút giây đắm chìm trong giai thoại về một dòng sông, hứng thú tham quan một công trình thủy lợi đồ sộ, hồ nhân tạo lớn nhất miền Trung, tận hưởng niềm vui được hòa mình giữa thiên nhiên hùng vĩ và chiêm ngưỡng nét chấm phá của bản sắc văn hóa Bana hồn nhiên, trong trẻo ...
Mặt hồ phẳng lặng như gương.
Hồ Định Bình ở vùng thượng nguồn sông Côn, giữa đại ngàn hùng vĩ thuộc huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Hồ nằm trong tuyến du lịch tham quan các di tích lịch sử, danh thắng của vùng đất võ Tây Sơn, quê hương của người anh hùng áo vải kiệt xuất Nguyễn Huệ cùng những di sản vô giá của Vương quốc Chămpa tồn tại khỏang 500 năm trên mảnh đất này.
Để đến với Hồ Định Bình, du khách khởi hành từ TP.Quy Nhơn theo hướng Tây, ngược dòng sông Côn về phía thượng nguồn. Đường đi uốn lượn quanh co giữa những cánh đồng xanh lúa, xanh cây trái, thấp thoáng xa xa, những ngôi tháp Chăm cổ kính, huyền bí sừng sững trên đồi cao, in bóng trên nền trời xanh vời vợi...
Suốt đường đi, du khách sẽ đắm chìm trong những câu chuyện về sông Côn, dòng sông lớn nhất tỉnh, gắn với bao đổi dời của vùng “địa linh, nhân kiệt”. Sông Côn bắt nguồn tận vùng giáp giới ba tỉnh: Quảng Ngãi, Kontum, Bình Định, nơi các con suối hợp lại, quanh co giữa các dãy Trường Sơn, vượt nhiều gành, thác, tiếp nhận nước từ nhiều dòng suối, rồi cứ thế chảy quanh co, tỏa đi các hướng, tạo nên nhiều cảnh sắc nên thơ, thi vị ...
Tương truyền rằng tên của dòng sông được đặt theo tên của loài cá tên là Côn, “Bề lớn của Côn không biết mấy nghìn dặm. Côn hóa thành loài chim tên gọi là Bằng. Lưng của Bằng rộng không biết bao nhiêu dặm. Vùng vẫy bay, cánh như đám mây rũ ngang trời”. “Khi Bằng dời sang biển Nam thì nước sóng sánh ba nghìn dặm. Liệng theo gió lốc mà lên chín vạn dặm”.
Cổ nhân đã mượn tên Côn mà đặt cho sông có “dụng ý cầu mong cho con cháu sinh trưởng trên dải đất đã sản sinh các vị hào kiệt lừng lẫy như Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân, Mai Xuân Thưởng … mà dòng sông Côn nhuần thấm, có ngày trỗi dậy quạt cánh bằng bay chín vạn tầng mây” …
Thưởng thức rượu cần của người Bana.
Khi câu chuyện tạm lắng, du khách đến xã Vĩnh Thạnh ở thượng nguồn sông Côn và bất ngờ được chiêm ngưỡng đập bê tông khổng lồ nằm trong công trình thủy lợi Hồ Định Bình sừng sững chặn ngang dòng sông với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Hồ Định Bình là công trình đầu tiên tại Việt Nam được thi công bằng công nghệ bê tông trọng lực đầm lăn (RCC) với ưu điểm nổi bật đảm bảo chất lượng và độ bền công trình. Đây là công trình thủy lợi có hình thức kết cấu mới, công nghệ thi công tiên tiến.
Sau hơn 5 năm thi công, công trình được đưa vào sử dụng tháng 5-2009 với đa nhiệm vụ: cấp nước tưới cho diện tích đất nông nghiệp vùng hạ lưu sông Côn, cấp nước cho công nghiệp và sinh họat, điều tiết cắt lũ, nuôi trồng thủy sản, kết hợp phát điện với công suất 6,6MW. Bao đời nay, vùng thượng lưu sông Côn thường xuyên bị lũ lụt, hạn hán, đập ngăn lũ, điều tiết nước đi vào hoạt động đã biến ước mơ chế ngự thiên tai của người dân trong vùng trở thành hiện thực.
Du lịch hồ Định Bình thu hút khách du lịch còn ở cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp và vẻ đẹp văn hóa Bana. Từ Dốc Trời, nhìn bao quát tòan cảnh hồ, đồi núi điệp trùng, xanh ngắt, không gian hồ mở rộng, khóang đạt, mênh mang trời xanh, nước biếc. Trên mặt hồ phẳng lặng như gương trong, du khách lên ca nô, lướt nhẹ giữa lòng hồ, tận hưởng không khí mát dịu, trong lành, tâm hồn thư thái như được rũ bỏ mọi buồn phiền …
Vĩnh Thạnh là huyện có dân số Bana cư trú nhiều nhất tỉnh Bình Định. Dân tộc Bana được biết đến như là một trong số ít dân tộc còn bảo lưu khá đậm nét nhiều yếu tố văn hóa truyền thống gần gũi với nền văn hóa Động Sơn – Việt cổ. Bước lên bờ hồ, du khách vào nhà sàn dựng theo mô hình nhà sàn Bana làm từ tranh, tre, nứa, lá, vít cong cần rượu, thưởng thức rượu cần Bana nồng đượm, mềm say, thưởng thức những món ngon đặc sản của núi rừng...
Du khách cũng sẽ được chiêm ngưỡng những bộ trang phục Bana rất đẹp, hoa văn là hình ngôi sao, mặt trời, chim thú, hoa cỏ, được dệt từ đôi tay khéo léo của phụ nữ Bana. Người Bana vẫn theo phương thức tự cung: tự trồng bông, thu hoạch sợi, nhuộm vải bằng cây rừng và dệt nên sản phẩm. Trong men nồng của rượu cần, du khách sẽ bồng bềnh với giai điệu bài ca và điệu múa dân gian Bana say đắm...
Một lần đến với hồ Định Bình chắc chắn để lại trong lòng du khách ấn tượng sâu đậm, khó quên.