Ngày 15/12, tại Nam Định, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Nam Định phối hợp tổ chức lẽ công bố chứng nhận ASC đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới cho con ngao trắng (tên khoa học là Meretrix Lyrata)
Lần đầu tiên của Việt Nam, lần đầu của thế giới
Thông tin tại buổi lễ cho biết, ASC (Aquaculture Stewardship Council-Hội Đồng Quản Lý Nuôi Trồng Thủy Sản), là tổ chức độc lập, phi lợi nhuận, thành lập năm 2009 bởi Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Tổ chức Sáng Kiến Thương Mại Bền Vững Hà Lan (IDH) nhằm quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu đối với việc nuôi trồng thuỷ sản có trách nhiệm.
ASC xây dựng bộ tiêu chuẩn ASC dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm; gồm 8 bộ tiêu chuẩn cho 12 loài nuôi thuỷ sản, trong đó có ngao.
Tính đến nay, có trên 700 cơ sở nuôi trồng thủy sản ở trên 40 quốc gia đã đạt chứng nhận ASC cho các sản phẩm nuôi thủy sản. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên sản phẩm ngao trắng của Việt Nam cũng là sản phẩm ngao đầu tiên của thế giới nhận được chứng chỉ này.
Cụ thể, được sự hỗ trợ tư vấn của Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng thủy sản bền vững (ICAFIS), Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và Phát triển nông thôn (RECERD), thời gian qua, Sở NN &PTNT Nam Định phối hợp với Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam cùng các hộ nuôi ngao trong tỉnh triển khai Dự án “Liên kết chuỗi ngao theo ASC tỉnh Nam Định - Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam”. Với sự hỗ trợ của nhiều bên liên quan, tháng 5/2020, “Vùng nuôi liên kết Lenger Farm” ở xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng (quy mô 500 ha, sản lượng 10.000 tấn) là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam, đầu tiên trên thế giới đạt chứng nhận ASC cho ngao Meretrix Lyrata.
“VISA VIP” để ngao Việt vươn xa
Tại buổi lễ, đại diện Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, ngành thủy sản chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của Việt Nam, giải quyết việc làm cho khoảng 5 triệu lao động.
Nghề nuôi ngao Meretrix Lyrata có nguồn gốc từ vùng đồng bằng Sông Cửu Long, được nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo và đưa vào phát triển nuôi ở hầu hết các tỉnh ven biển, có những bước phát triển mạnh mẽ cả về diện tích và sản lượng nuôi, đã và đang vươn lên trở thành một trong bốn ngành thủy sản nuôi công nghiệp chủ lực của Việt Nam (tôm, cá tra, cá rô phi và ngao).
Diện tích nuôi ngao và các loài nhuyễn thể của cả nước tính đến năm 2019 đạt khoảng 41.500 ha với tổng sản lượng gần 310.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt gần 94 triệu USD; trong đó, ngao là 63 triệu USD. Khi nghề nuôi ngao phát triển đã khai thác một cách hiệu quả diện tích bãi triều ven biển và tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động tại các địa phương của Việt Nam.
Tuy nhiên ngành ngao thời gian vừa qua cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là các rào cản kỹ thuật, vấn đề kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và những yêu cầu ngày càng cao của nước nhập khẩu với các hệ thống chứng nhận dày đặc. Bối cảnh trên, đặt ra yêu cầu phải phát triển bền vững, sản xuất theo hướng đạt các chứng nhận quốc tế, thúc đẩy các chương trình, dự án tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Phát biểu tại lễ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhìn nhận, qua chứng nhận ASC cho vùng nuôi ngao Nam Định cho thấy, trình độ nuôi trồng, sản xuất, chế biến ngao của Việt Nam không thua kém thế giới. Thời gian qua, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do, mở ra nhiều cơ hội giao thương cho ngành thủy sản nói chung và ngành hàng ngao nói riêng.
Việc đạt được chứng nhận ASC là “cột mốc” quan trọng, góp phần định danh sản phẩm ngao Việt Nam trên trường quốc tế; cơ hội “vàng”, được ví như “VISA VIP” để sản phẩm ngao Việt Nam vươn xa ra thế giới, thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy hải sản nói chung, nuôi ngao nói riêng tại Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.
Tuy nhiên, ông Phùng Đức Tiến cho rằng cùng với cơ hội lớn, thách thức, trách nhiệm cũng không nhỏ. Theo đó, các cơ sở nuôi ngao phải thay đổi tư duy, không thể giữ mãi phương thức nuôi trồng truyền thống, nhỏ lẻ, tự phát mà xây dựng, quy hoạch vùng sản xuất lớn, liên kết sản xuất, áp dụng các quy chuẩn an toàn theo đúng quy định của quốc gia, quốc tế.
Chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng phải tăng cường, giám sát chặt chẽ tất cả các khâu trong quá trình sản xuất ngao như: chất lượng con giống, quy trình chăm sóc, đánh bắt, chế biến, bảo quản. Đặc biệt, phải chú ý đến chất lượng môi trường nuôi để đảm bảo các chỉ số về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan thông tin, vùng nuôi ngao của tỉnh vẫn còn khoảng 3.000 ha ở các huyện: Giao Thủy, Nghĩa Hưng, có khả năng đáp ứng yêu cầu của ASC. Đại diện chính quyền tỉnh Nam Định đề nghị Bộ NN&PTNT, các cơ quan liên quan, khảo sát, đánh giá, tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy sản xuất, chế biến ngao xuất khẩu và chứng nhận ASC đối với các vùng nuôi ngao khác trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Phùng Hoan cũng yêu cầu, các địa phương có vùng nuôi trồng ngao trong tỉnh phải có cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp về địa phương phối hợp cùng với người dân liên kết sản xuất ngao đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, nhằm nâng cao giá trị sản xuất, đời sống và thu nhập cho người dân…