Đó là thông điệp mà Tổ chức Y tế thế giới đưa ra nhân Ngày Sức khỏe thế giới 7/4 năm nay. Tổ chức Y tế Thế giới dự đoán bệnh đái tháo đường sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 7 vào năm 2030.
Một buổi khám và tư vấn miễn phí bệnh đái tháo đường.
Theo các chuyên gia y tế, đái tháo đường là căn bệnh mạn tính, được gây nên khi tuyến tụy không sản sinh đủ insulin hoặc khi cơ thể không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả. Insulin là một hóc môn điều tiết lượng đường trong máu, cung cấp năng lượng cho cơ thể. Nếu đường trong máu không thể đi vào tế bào và được đốt cháy thành năng lượng thì nó sẽ tích tụ lại trong máu và gây hại cho cơ thể.
Bệnh đái tháo đường được phân thành 2 loại. Cơ thể bệnh nhân đái tháo đường típ 1 không thể tự sản sinh được insulin và vì thế bệnh nhân cần tiêm insulin. Đái tháo đường típ 2, chiếm khoảng 90% trường hợp, có thể người bệnh thường tự sản sinh được insulin nhưng không đủ hoặc cơ thể không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả. Người mắc bệnh đái tháo đường típ 2 thường là người thừa cân, ít vận động.
Qua thời gian, đường máu cao sẽ gây ra những tác hại nghiêm trọng đến các cơ quan trong cơ thể, ví dụ như các bệnh lý về tim, thần kinh, thận, mù lòa, bệnh liệt dương, bệnh truyền nhiễm và có thể dẫn tới hậu quả phải cắt cụt chi.
Đái tháo đường là bệnh có thể dự phòng được. Lối sống lành mạnh giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn hiệu quả tiến triển của bệnh đái tháo đường típ 2. Việc duy trì cân nặng ở mức bình thường, tham gia các hoạt động thể chất và chế độ ăn hợp lý có thể giúp giảm nguy cơ mắc căn bệnh này.
Nhằm thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (mục tiêu thứ 3) giảm tỷ lệ tử vong trước sinh từ các bệnh không lây nhiễm xuống còn tỷ lệ 1/3 vào năm 2030, các cơ quan chức năng và chính mỗi cá nhân cần có ý thức mở rộng phòng ngừa, tăng cường chăm sóc và đẩy mạnh giám sát căn bệnh nguy hiểm này.
Có rất nhiều bằng chứng từ các nghiên cứu cho thấy bệnh thường có giai đoạn tiền đái tháo đường khi đường máu lúc đói từ 5,6 -6,9mmol/l (100-125mg/dl); đường máu sau uống 75g đường glucose 7,8-10,9mmol/l (140-199mg/dl)), HbA1c từ 6-6,4% ngay ở tình trạng này có thể đã xuất hiện các biến chứng do tăng đường huyết kéo dài như biến chứng thần kinh, tim mạch.
Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy bằng can thiệp thay đổi lối sống hết hợp giữa dinh dưỡng hợp lý với hoạt động thể lực đều đặn chính là có thể phòng ngừa căn bệnh này hiệu quả nhất.
Nếu thừa cân cần thực hiện chế độ ăn giảm calo, có thể phải giảm lượng chất bột - đường; tăng chất xơ, chế độ ăn hợp lý và lành mạnh không những giảm nguy cơ đái tháo đường mà còn giúp giảm các bệnh tim mạch, ung thư...
Ngoài ra cần thực hiện các biện pháp khác như: Giảm muối trong chế độ ăn, tránh uống nhiều rượu, bia, bỏ thuốc lá, tránh stress cũng góp phần giảm nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân có nguy cơ bị đái tháo đường. Tập thể dục ít nhất 30 phút /ngày và ít nhất 5 lần/tuần từ mức độ vừa đến mức độ nặng tùy theo thể trạng mỗi cá nhân.
Một trong những thời điểm quý báu để can thiệp phòng tránh đái tháo đường chính là sàng lọc, phát hiện sớm bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ ở phụ nữ có thai.
Nhiều nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa đái tháo đường thai kỳ với nguy cơ mắc đái tháo đường về sau ở phụ nữ và đái tháo đường thai kỳ với nguy cơ béo phì và đái tháo đường ở những trẻ do họ sinh ra. Những người này cần được theo dõi định kỳ và tư vấn giáo dục can thiệp thay đổi lối sống sớm để phòng đái tháo đường xuất hiện.