Trung tâm Tiêu hóa gan mật (Bệnh viện Bạch Mai) vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Kỹ thuật nâng cao trong nội soi cắt tách dưới niêm mạc (ESD) điều trị ung thư sớm đại trực tràng”. Theo cảnh báo của các chuyên gia, có một số dấu hiệu nhận biết bệnh sớm, nhưng nhiều người thường bỏ qua.
Tỷ lệ bệnh nhân phát hiện bệnh sớm còn quá ít
Hội thảo có tính cập nhật, áp dụng kỹ thuật mới trong điều trị ung thư đại trực tràng. Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, đặc biệt ở giai đoạn có thể cắt bỏ qua nội soi đại tràng là điểm quan trọng trong chiến lược sàng lọc ung thư đại trực tràng. Bên cạnh đó, sự phát triển của các kỹ thuật nội soi chẩn đoán và can thiệp góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong do bệnh. Chính vì vậy, chủ đề này đã nhận được sự quan tâm của gần 500 bác sĩ đến từ Bệnh viện Bạch Mai, các bệnh viện Trung ương khác và nhiều bệnh viện các tỉnh ở khu vực phía Bắc.
Thống kê cho thấy, tại Việt Nam ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ 4 ở nam giới sau ung thư gan, phổi và dạ dày. Ở nữ giới, ung thư đại trực tràng đứng sau ung thư vú và phổi. Số lượng mắc mới năm 2020 là hơn 16.400 ca và số tử vong do ung thư đại trực tràng là 8.203 trường hợp.
PGS.TS Nguyễn Công Long - Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa và gan mật (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 800 - 1.000 bệnh nhân vào khám và nội soi tiêu hóa, trong đó nhiều trường hợp phát hiện ung thư. Nếu ở giai đoạn sớm, bác sĩ sẽ xử lý luôn tổn thương ung thư, người bệnh không cần phải nội soi thêm hoặc phẫu thuật mở. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn sớm còn ít.
Theo ông Long, với sự tiến bộ của y học, nếu ung thư đại trực tràng được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, người bệnh chỉ cần tiến hành nội soi đại tràng để cắt tách dưới niêm mạc, tức là tiến hành lấy toàn bộ vùng niêm mạc bị ung thư qua nội soi. Đây là một can thiệp tối thiểu, điều trị khỏi bệnh hoàn toàn mà ít xâm lấn nhất, giúp cho thời gian nằm viện được rút ngắn và thời gian người bệnh hồi phục nhanh.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, kỹ thuật cắt tách dưới niêm mạc ESD đã được nghiên cứu và bắt đầu triển khai từ những năm 2014 và trong vòng 5 năm gần đây đã mở rộng và được tiến hành tại nhiều cơ sở y tế khác, từ công lập cho đến tư nhân.
Quan tâm đến những dấu hiệu cảnh báo
Theo PGS.TS Nguyễn Công Long, đối với ung thư đại trực tràng, dấu hiệu nhận biết rất mơ hồ. Nhiều biểu hiện tiền ung thư không đau đớn, dễ bị nhầm là bệnh vặt nên người mắc không đi kiểm tra. Khi bệnh nhân đi nội soi thì phát hiện có tổn thương ung thư thậm chí chuyển sang giai đoạn muộn. Các tổn thương tiền ung thư gồm viêm đại trực tràng chảy máu và bệnh Crohn, polyp đại trực tràng như polyp tuyến, polyp tăng sản và polyp loạn sản phôi. Những polyp có kích thước trên 2cm có nguy cơ ung thư cao.
Do đó, nếu nhận thấy những dấu hiệu đặc biệt như sau, cần đi khám bác sĩ ngay: Thay đổi thói quen đại tiện, giờ giấc đi vệ sinh, từ vài lần đến cả chục lần trong ngày. Bệnh nhân bị táo bón, phân lỏng hoặc xen kẽ cả hai. Hàng ngày, người bệnh luôn có cảm giác buồn đi vệ sinh, phân chứa nhầy máu; Khuôn phân bị dẹt, vẹt góc hoặc có rãnh do khối u ở trực tràng; Bệnh nhân suy nhược, niêm mạc xanh, sụt cân.
Có nhiều nguyên nhân gây ra ung thư đại trực tràng như: Chế độ sinh hoạt không điều độ, yếu tố môi trường, di truyền, tuổi tác, polyp. Đặc biệt, những người bị polyp đại tràng không chữa trị kịp thời, để lâu ngày sẽ khiến các polyp này có nguy cơ cao phát triển thành ung thư đại trực tràng.
Những đối tượng cần tầm soát ung thư đại trực tràng là người trên 50 tuổi, một số nước khuyến cáo trên 45 vì nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng tăng theo tuổi. Nếu không phát hiện bất thường có thể khám lại sau 5 năm.