Đó là khẳng định của TS Phạm Phan Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước, Bộ Tài chính, xung quanh việc triển khai hỗ trợ gạo cứu trợ của Chính phủ trong dịp Tết Bính Thân.
Ông Phạm Phan Dũng.
PV:Thưa ông, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất cấp gạo để hỗ trợ nhân dân một số địa phương đang thiếu đói. Xin ông cho biết cụ thể hơn?
Ông Phạm Phan Dũng: Để người dân nghèo, đối tượng chính sách được đón Tết trong no ấm và vui tươi, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định xuất cấp không thu tiền số lượng 17.177.730 kg gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho 1.145.182 nhân khẩu của 17 tỉnh; với mức hỗ trợ 15kg/tháng/nhân khẩu; thời gian hỗ trợ là 1 tháng. Việc xuất gạo để hỗ trợ cho nhân dân một số địa phương tại mỗi thời điểm mang ý nghĩa khác nhau.
Đây là việc làm hết sức cần thiết, có ý nghĩa lớn lao, đậm chất nhân văn thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” sẻ chia của Chính phủ cho bà con vùng đặc biệt khó khăn, vùng thiên tai, mất mùa, thời điểm giáp hạt... đặc biệt là giúp người nghèo, những hộ dân còn thiếu đói được “đỏ lửa” trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Đến hết ngày 2/2/2016, các Cục Dự trữ nhà nước khu vực đã hoàn thành việc bàn giao trên 14.200 tấn gạo hỗ trợ cho 17 tỉnh, đạt 85% kế hoạch. Số lượng gạo còn lại, các Cục Dự trữ nhà nước khu vực đang vận chuyển đến các huyện, sẵn sàng bàn giao cho các địa phương theo đúng kế hoạch tiếp nhận của UBND các tỉnh; dự kiến hoàn thành 100% kế hoạch giao nhận gạo trong ngày 5/2/2016 (tức ngày 27 tết).
Thưa ông, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này là rất khẩn trương, trong điều kiện nhiều nơi, nhất là các vùng núi phía Bắc có mưa tuyết. Để kịp thời đưa gạo tới người dân, ông có thể cho biết Tổng cục Dự trữ nhà nước đã triển khai những việc cụ thể gì?
- Mặc dù, các địa phương được hỗ trợ gạo chủ yếu tập trung ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Tây Bắc, Tây Nguyên, miền Trung…), điều kiện đường giao thông đi lại không thuận tiện do găp điều kiện về thời tiết có diến biến rất khó lường, tình trạng rét đậm, rét hại và mưa tuyết lịch sử xảy ra trong thời điểm những ngày giáp Tết.
Tuy nhiên, với phương châm không để người dân thiếu gạo trong dịp Tết Nguyên đán và dự báo trước tình hình, nên ngay sau khi nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Dự trữ nhà nước đã giao nhiệm vụ và chỉ đạo các Cục Dự trữ nhà nước khu vực chủ động thuê phương tiên vận chuyển, xuất gạo, liên hệ và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận gạo để tổ chức triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch phân bổ của UBND tỉnh.
Tổng cục Dự trữ nhà nước đã đôn đốc, yêu cầu các Cục Dự trữ nhà nước khu vực tập trung nguồn lực cán bộ để triển khai công tác xuất gạo hỗ trợ Tết cho các địa phương; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá thông tin liên quan đến việc hỗ trợ gạo dự trữ quốc gia cho nhân dân các địa phương và tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra giám sát quá trình phân phối, tiếp nhận gạo của các địa phương.
Có thể nói, với sự chuẩn bị chu đáo nên trong thời gian ngắn toàn bộ số lượng gạo dự trữ quốc gia đã được đưa đến cho nhân dân vui đón Tết; gạo dự trữ quốc gia xuất cấp bảo đảm số lượng, chất lượng, đúng thời gian, kế hoạch phân bổ của UBND các địa phương vừa đảm bảo cuộc sống cho nhân dân, vừa thể hiện chính sách tốt đẹp của Đảng và Chính phủ.
Thưa ông, ngoài niềm vui được nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ thì mối quan tâm của người dân, chính quyền các địa phương là chất lượng gạo cấp phát. Xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?
- Vấn đề bảo đảm chất lượng hàng dự trữ quốc gia cứu trợ cho các địa phương là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành dự trữ quốc gia, được các đơn vị đặc biệt quan tâm. Do vậy, ngay từ khâu lựa chọn các phương tiện vận chuyển, các Cục Dự trữ nhà nước khu vực đã có quy định rất cụ thể về loại phương tiện vận chuyển gạo (thùng xe, điều kiện về bạt che, sàn xe, mua bảo hiểm...) nên trong thời gian qua gạo dự trữ quốc gia xuất cấp cho các địa phương được bảo đảm an toàn tuyệt đối về chất lượng.
Để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng gạo sau khi xuất cấp cho địa phương, Tổng cục Dự trữ nhà nước đã chỉ đạo các Cục Dự trữ nhà nước khu vực cử cán bộ có kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ cùng tham gia với các cấp chính quyền địa phương và người dân để tư vấn về quá trình bảo quản gạo; tránh trường hợp để gạo dự trữ quốc gia bị suy giảm chất lượng.
Trân trọng cảm ơn ông!