Nghề đan lát trên đỉnh Răng Cưa

Long Hữu 09/09/2015 09:46

Người Cor sinh sống trên đỉnh Răng Cưa (thôn 2A, xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) vẫn còn gìn giữ nhiều nét văn hóa cổ truyền của tổ tiên để lại. Và ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này, nghề đan lát truyền thống vẫn được những “nghệ nhân” cuối cùng của làng bảo tồn và truyền lại cho thế hệ mai sau.

Nghề đan lát  trên đỉnh Răng Cưa

Chúng tôi có mặt tại làng Răng Cưa khi mặt trời khuất bóng. Con đường vào làng Răng Cưa đá lởm chởm, uốn lượn và ngoằn ngoèo, không dành cho những “tay lái” yếu. Nhìn từ xa, làng Răng Cưa nằm ẩn sau những dãy đồi trùng điệp. Một vài bóng người lác đác quay về nhà sau một ngày vất vả trên nương rẫy. Những người cao tuổi trong làng kể lại rằng, đồng bào Cor gốc ở huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi). Những năm đói kém, mất mùa, một số người trong làng ra đi tìm vùng đất mới. Có lẽ thời gian đó đồng bào đã lập làng trên đỉnh Răng Cưa.

Tìm về nhà ông Đỗ Văn Thái (81 tuổi), một nghệ nhân đan lát nổi tiếng trong vùng, chúng tôi được nghe ông kể lại: Hằng năm, bà con dân bản vui vẻ hát những làn điệu dân ca truyền thống Cor như: Cheo, Agiới, Xadru phát ra những nốt nhạc từ cây đàn Vơró, đàn Kađlóc xen lẫn trầm bỗng của tiếng sáo Talía hoang sơ hòa cùng vào lễ hội truyền thống của dân làng trong điệu múa Kađấu của phụ nữ Cor mềm mại nhưng thật ruyến rũ. Và không thể thiếu trong những buổi lễ là những vật dụng hằng ngày, gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào như: gùi lúa lớn (ateo), gùi lúa nhỏ (atró), gùi củi (ro), nia sẩy lúa (apứt), mâm cúng lễ (garác héc) sử dụng trong những lúc lên nương rẫy.

Cuộc sống hoang sơ, mỗi người trong làng đều có một chiếc gùi đựng lúa, đựng củi do chính tay họ đan. Ông Thái bảo những chàng trai Cor ngày xưa lúc biết đi rừng, biết cầm rựa phát rẫy là đã biết đan lát. Bản tính từ nhỏ thông minh, siêng năng và chịu khó quan sát người khác làm. Sau một vài lần mày mò, ông Thái đã có thể nắm vững các kỹ thuật đan và sáng tạo ra nhiều cách đan lát khác nhau.

Để làm ra những chiếc gùi lúa, nia sẩy lúa, mâm… người nghệ nhân phải vào rừng chọn lựa những loại dây mây làm nguyên liệu. “Đầu tháng, tôi cùng một vài người trong làng vào rừng sâu bứt mây và chọn tre. Mỗi chuyến đi như vậy mất vài ngày, có khi hàng tuần liền. Mình cẩn thận bứt rồi phân loại mây ngay trong rừng. Từng độ tuổi khác nhau, tre, mây mình chọn sẽ phù hợp với mỗi dụng cụ riêng”, ông Thái cho biết.

Theo ông Thái, người làng Răng Cưa ai cũng biết đan lát. Nhưng để đan đẹp, khéo và bền thì không phải ai cũng làm được. Với một gùi (xui) ba ngăn, đây là loại gùi dùng cho người đàn ông Cor mang các vật dụng nhỏ như cơm, gạo, dao, rựa, rìu, dụng cụ lấy lửa... để đi rừng hay lên rẫy, người nghệ nhân phải có kinh nghiệm và nắm vững kỹ thuật đan.“Đối với đan gùi (xui) ba ngăn, tôi sử dụng kỹ thuật lồng năm. Nghĩa là năm sợi mây được vót mỏng, lồng từng lớp mây vào nhau. Kỹ thuật này rất khó và phức tạp ít người có thể đan được,” ông Thái chia sẻ.

Nghề đan lát  trên đỉnh Răng Cưa - 1

Chiếc gùi lúa đang được hoàn thành công đoạn cuối

Quá trình hoàn thành một sản phẩm tùy thuộc vào độ khó và yêu cầu từ khách đặt hàng nên mỗi năm ông Thái chỉ nhận từ 10 đến 20 chiếc. Các sản phẩm ông Thái làm ra nổi tiếng tinh xảo và rất công phu. Cầm trên tay chiếc nia sẩy lúa màu cánh gián có độ tuổi mười năm, ông Thái cho biết: “Những chiếc nia, mẹt hay gùi được người dân bảo vệ cẩn thận bằng cách treo thường xuyên trên giàn bếp. Làm như vậy những dụng cụ chống mối mọt và tăng độ dẻo dai”.

Một thời gian, nghề đan lát Cor đứng trước nguy cơ thất truyền vì số nghệ nhân trong làng phần nhiều đã lớn tuổi. Những nghệ nhân giỏi cũng mất dần đi trong khi thế hệ trẻ trong làng không mấy mặn mà với nghề. Ông Nguyễn Văn Lương (78 tuổi), người có hơn 55 năm trong nghề tâm sự: “Ngày nay, những vật dụng như gùi, nia không còn được sử dụng nhiều trong đời sống người Cor. Thay vào đó, họ sử dụng các loại bao dưới xuôi sản xuất tiện lợi hơn. Và hình ảnh gùi lúa, gùi củi lên nương được thay vào đó là những chiếc xe máy chất đầy ứ hàng chở gọn về nhà”.

Ông Lương cho biết thêm: “Nghề đan lát không đem lại giá trị kinh tế cao mà người nghệ nhân chỉ vì muốn giữ lại nét văn hóa của tổ tiên, tránh mai một. Chính vì thu nhập bấp bênh, công đoạn thủ công và thời gian hoàn thành một sản phẩm khá lâu nên số người theo nghề đan lát giờ đây rất ít”. Trăn trở nhiều đêm, ông Lương đã bàn với những nghệ nhân trong làng mở lớp dạy nghề đan lát cho dân bản. Lớp học với đa dạng thành phần từ trẻ nhỏ cho đến thanh niên như thắp lên niềm tin một mai khôi phục hoàn toàn nghề truyền thống trước nguy cơ thất truyền.

Những bản sắc văn hóa Cor đã thấm sâu trong từng thớ đất, từng con sông ngàn đời nay sẽ được chính những người trẻ gìn giữ và phát huy. “Để đông đảo dân bản quan tâm và học đan lát, mình phải khơi dậy lòng tự hào của con cháu trong làng thông qua các buổi lễ lớn và trong những cuộc họp hằng tháng. Những lễ hội văn hóa các dân tộc miền núi ở huyện và tỉnh chúng tôi thường cử những thanh niên, thiếu nữ biết đan gùi, đan lát đại diện cho làng quảng bá những sản phẩm truyền thống của đồng bào Cor”, ông Lương tâm sự.

Trưởng thôn Lê Xuân Diệu cho biết: “Những nghệ nhân đan lát truyền thống của đồng bào Cor phần lớn tuổi đã cao, tay chân không còn nhanh nhẹn nên việc họ tổ chức mở những lớp dạy đan lát cho dân làng là việc làm cần thiết, trong tương lai chúng tôi sẽ mở thêm nhiều lớp học mọi người trong xã biết và tìm hiểu. Ngoài ra, người làng Răng Cưa sẽ tìm về nơi đồng bào Cor ở Quảng Ngãi sinh sống chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi kỹ thuật trong nghề đan lát cổ. Từ đó bảo tồn và phát huy tốt những phong tục tập quán của đồng bào người Cor trên dãy Trường Sơn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghề đan lát trên đỉnh Răng Cưa