Ồn ào về việc làm từ thiện của một số nghệ sĩ tiếp tục nóng khi nhiều khán giả, chủ tài khoản mạng xã hội thậm chí yêu cầu những người này sao kê tiền từ thiện để công khai trước dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần nhìn nhận lại vấn đề dưới góc nhìn pháp lý để hoạt động thiện nguyện vốn dĩ tốt đẹp đi vào trật tự, minh bạch đúng với bản chất ban đầu.
Muôn cách... phản ứng
Trước làn sóng của dư luận, nhiều chủ tài khoản công khai yêu cầu MC Trấn Thành sao kê các khoản tiền quyên góp cứu trợ cho đồng bào miền Trung chịu thiệt hại vì lũ lụt hồi tháng 10 năm ngoái với số tiền 9 tỷ đồng. Không riêng MC Trấn Thành, nhiều nghệ sĩ khác như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Thuỷ Tiên… cũng được yêu cầu sao kê tiền từ thiện ủng hộ miền Trung.
Tuy nhiên, cách ứng xử của mỗi “sao” lại khác nhau. Sau nhiều ngày khóa tính năng bình luận, mới đây MC Trấn Thành bất ngờ đăng tải lên trang fanpage 18 triệu người theo dõi bảng sao kê ngân hàng. “Bảng sao kê này dài hơn 1.000 trang. Trấn Thành xin chia thành hơn 10 post để đăng. Đây là trang 1-100” - Trấn Thành viết. Kèm theo status là hình ảnh sao kê từ 10 trang về số tiền từ thiện anh đã nhận được từ các mạnh thường quân trong và ngoài nước gửi về để ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung năm 2020.
Ngay khi MC Trấn Thành sao kê tài khoản để minh bạch các khoản tiền quyên góp thì MC Đại Nghĩa cũng lên tiếng. Anh khẳng định mỗi khi kết thúc một chuyến thiện nguyện đều cẩn trọng ghi chép tiền bạc rõ ràng, tổ chức sao kê nhanh chóng chứ không phải đợi người hâm mộ thắc mắc mới thực hiện. Thời gian gần đây, để chắc chắn hơn, anh còn nhờ nhân viên ngân hàng xuất file online để mọi người tiện theo dõi, đối chiếu.
Liên quan tới tiền từ thiện từ MC Trấn Thành, trước đó vào tháng 5/2021, từ việc ca sĩ Thủy Tiên cho biết chưa nhận được khoản tiền nào mà Trấn Thành chuyển đến như đã thông báo trước công chúng, nam MC này mới lên tiếng xin lỗi và thừa nhận, do liên lạc mà không nhận được hồi âm từ ca sĩ Thủy Tiên, anh đã quyết định chuyển tiền từ thiện đến bà Ngọc Hương (mẹ của ca sĩ Hồ Ngọc Hà) với tổng số tiền là hơn 6,4 tỉ đồng.
Không riêng MC Trấn Thành, cặp sao Công Vinh - Thủy Tiên cũng trở thành tâm điểm của dư luận khi có hàng loạt tin đồn cả hai “ăn chặn” tiền từ thiện. Trong buổi livestream gần đây, nữ ca sĩ đã bật khóc trước áp lực của dư luận. Cựu cầu thủ Công Vinh cho biết khi dịch bệnh được kiểm soát, việc đi lại dễ dàng hơn, vợ chồng anh sẽ đến ngân hàng để sao kê khoản tiền từ thiện hơn 177 tỷ 772 triệu đồng và livestream cho công chúng rõ.
Còn ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng lại chọn hình thức phát clip lời chia sẻ lẫn thách đấu của nam ca sĩ với một chủ tài khoản mạng xã hội “tố” anh nhận được 96 tỷ đồng tiền quyên góp từ thiện, chứ không phải con số nhỏ hơn nhiều lần mà anh từng công bố. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tuyên bố sẽ mang câu chuyện này ra pháp luật để chứng minh sự trong sạch của mình.
Trước câu chuyện sao kê từ thiện, ca sĩ Phương Thanh hay nghệ sĩ Việt Hương cũng bị gọi tên. Ca sĩ Phương Thanh cho biết không kêu gọi nhận quyên góp từ thiện trên mạng và không lập một quỹ từ thiện nào nên không có trách nhiệm phải sao kê. Phương Thanh mong cư dân mạng đừng lôi mình vào những lùm xùm không đáng có…
Ngoài ra, khán giả không quên “điểm danh” việc chậm giải ngân số tiền hơn 13 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung của NSƯT Hoài Linh, rồi việc ca sĩ Phi Nhung đồng ý để người quản lý giữ toàn bộ số tiền mà người con nuôi Hồ Văn Cường làm ra trong suốt bao nhiêu năm, khiến không ít người đặt câu hỏi.
Lấp khoảng trống pháp lý
Sau loạt ồn ào chuyện nghệ sĩ làm từ thiện, nhiều ý kiến cho rằng, lỗi lại không phải hoàn toàn là do các nghệ sĩ. Pháp luật Việt Nam chưa có những quy định chặt chẽ, rõ ràng về việc kêu gọi tài trợ, kêu gọi từ thiện. Chúng ta chưa tạo được một hành lang pháp lý định hướng cũng như hỗ trợ những nghệ sĩ nói riêng và những cá nhân, tổ chức có mong muốn được làm từ thiện, quyên góp từ thiện nói chung.
Mới đây ông Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an chia sẻ: Nếu ai có chứng cứ, tài liệu về việc lừa đảo từ thiện thì hãy tố giác, gửi cho cơ quan công an. Khi đó các cục nghiệp vụ của Bộ Công an sẽ vào cuộc, đảm bảo đúng quy định.
Trước thông tin từ Bộ Công an, nhiều người bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ việc làm này bởi sự vào cuộc của Bộ Công an sẽ giúp cho việc từ thiện đi đúng hướng, tránh trường hợp vụ lợi từ hoạt động này.
Liên quan đến hành lang pháp lý cho hoạt động từ thiện, Bộ Tài chính vừa cập nhật tiến độ xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Theo đó, cơ quan này đã có Tờ trình trình Chính phủ ban hành Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ) và Văn bản số 8919/BTC-NSNN ngày 10/8/2021 giải trình về đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị định theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.
Nhìn nhận việc làm từ thiện của nghệ sĩ trước áp lực phải sao kê tiền số tiền và công bố trước dư luận, PGS.TS Bùi Hoài Sơn-Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: Người phải chịu trách nhiệm đầu tiên là các nghệ sĩ. Khi họ đã đứng ra kêu gọi từ thiện bằng chính hình ảnh và uy tín của mình, tức là họ phải chịu trách nhiệm với niềm tin của công chúng. Họ cần phải có nghĩa vụ sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng số tiền kêu gọi được.
Tuy nhiên, phần lớn các nghệ sĩ chỉ mới làm từ thiện bằng cái tâm, làm từ thiện chưa chuyên nghiệp, nên họ vướng phải những ồn ào như trong thời gian gần đây là điều dễ hiểu. Đây chính là thời điểm, các nghệ sĩ cần phải nhìn nhận lại cách làm từ thiện của mình, phải có những thay đổi để hoạt động của mình được công khai, minh bạch và hiệu quả hơn. “Chúng ta chưa tạo được một hành lang pháp lý định hướng cũng như hỗ trợ những nghệ sĩ nói riêng và những cá nhân, tổ chức có mong muốn được làm từ thiện, quyên góp tiền từ thiện”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ.
Có thể khẳng định, việc minh bạch sẽ trả lại môi trường trong sạch cho các hoạt động thiện nguyện. Người làm từ thiện sẽ không phải đối diện với những nghi ngờ hay ồn ào như trong thời gian vừa qua. Còn công chúng sẽ có thêm niềm tin và động lực để làm từ thiện nhiều hơn nữa.
Mặt khác, đây cũng là bài học đắt giá cho những nghệ sĩ nào còn có ý định mượn danh “làm từ thiện” để đánh bóng tên tuổi. Bởi việc làm từ thiện là “con dao hai lưỡi”, nếu làm đúng, làm tốt sẽ được ghi nhận, ngược lại, với những người làm lấy danh, lấy tiếng thì cái giá phải trả có thể là cả sự nghiệp của mình.
“Mỗi người đều có quyền lựa chọn cách hành xử riêng, dựa trên hoàn cảnh thực tế của mọi người. Tuy nhiên, nếu người nghệ sĩ làm từ thiện bằng lòng tốt, bằng thiện tâm, bằng mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ những người gặp khó khăn, không vụ lợi, dối gian thì nếu có sai sót nào đó, công chúng cũng sẽ hiểu và bỏ qua. Còn những người mượn danh từ thiện để trục lợi thì chắc chắn sẽ nhận phải hậu quả, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và hình ảnh nghệ sĩ của họ”-PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.