“Khánh được đào tạo bài bản theo truyền thống gia đình: trở thành một hoạ sỹ, hết trung cấp lên Đại học, rồi Cao học. Những năm tháng ăn học tại Trường Đại học Mỹ thuật 42 Yết Kiêu, Khánh là một sinh viên khá, từng được giải Cuộc thi Sinh viên, các bài thi đều xuất sắc, chủ yếu rất thích tìm tòi... những ký hoạ nổi trội nhất! Những tranh còn giữ đến bây giờ, toát lên một tay nghề vững vàng và một tình yêu hội hoạ. Ngoài tranh, Khánh rất giỏi Đồ hoạ, những Logo, bìa sách... đều rất tinh tế và đẳn
Họa sĩ Lê Trí Dũng tâm sự về con trai của mình, nghệ sĩ Lê Việt Khánh, trong một chiều đầu đông, sau khi nghe tin Lê Việt Khánh nhận Giải Nhì Cuộc thi ảnh Canon Marathon 2018 và Giải Đặc biệt cuộc thi ảnh "Hành trình di sản" Heritage 2018. Quà là một chiếc máy ảnh, được anh mang về tặng bố.
Rất khó để họa sĩ Lê Trí Dũng trả lời về con trai của ông vì ông luôn bận rộn, có lúc cũng e ngại. Nên tôi chờ khi ông vui, trong lòng thoải mái để có thể hỏi:
“Khánh sinh vào giờ Hợi một ngày cuối tháng. Dữ kiện trong Tử Vi đoán tất cả đều tròn đầy như một phù trợ của quí nhân, nhưng có lẽ chính vì thế mà Chính tinh Thiên Đồng, một phúc tinh lại nằm cung Hợi... Thẻ đoán: “Không việc gì làm đến nơi đến chốn, rất dễ nản lòng và thiếu kiên trì”.
Kiên trì là cái đức tính nổi bật ở ông nội Khánh, hoạ sỹ Lê Quốc Lộc, từng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Người lớn lên trong một gia đình nho học, 9 tuổi mồ côi cha, lên Hà Nội ăn học dưới bảo trợ của người anh cả là một học giả. Ông nội tự lực cánh sinh vươn lên trần lực bằng hai chữ Kiên trì... Đến Khánh thì không! Tử vi nói: “Làm việc hoàn toàn tuỳ hứng, thích thì làm, khó thì bỏ... ưa rong chơi”!
Năm 2012, trong bữa cơm chiều, khi còn đang làm việc cho Vietnam Airlines, Khánh bảo: “Con đã bỏ việc rồi bố mẹ ạ! Từ mai con sẽ không đi làm nữa!”
Mẹ Khánh suýt xỉu. Từ mai sẽ không việc làm, không lương, bỏ một công việc mà thiên hạ mất nhiều tiền mới vào được, sẽ sống bằng gì? Với cái tuổi 34, tuổi mà người ta đã có vợ có con đề huề, mình không một mảnh tình vắt vai...! Khánh bảo: “Con sẽ mua một xe máy, một máy ảnh, và đi Phượt”!
Biết làm sao bây giờ? Định mệnh như cái vòng kim cô đeo đẳng và bám rịt. Mỗi một chuyến đi, không thông tin, không đồng đội... đèo Phước Tượng, đỉnh Mã Pí Lèng, Y tý, Bát Xát, Mù Cang Chải, đảo Lý Sơn, rồi Trường Sa, Trường Sơn Đông... rồi Cà Mau, Huế, Sài Gòn… Mỗi chuyến đi là một lần hai cụ thân sinh thót tim, muốn chết. Có lần về chỉ còn chiếc máy ảnh, toàn bộ tư trang đã cho bà con trên bản, có lần về chân tay chấn thương nặng vì ngã xe trên đỉnh đèo!... thoả cái chí tang bồng của một Thiên Đồng cư Hợi. Mãn nguyện khi đối mặt với đất trời mây sóng để những người thân thắt tim có đáng không?
Nhưng năm tháng trôi đi, Khánh đã thành một tay máy có hạng, giật nhiều giải trong nước và quốc tế, kể được như thế của một thằng tay ngang (có được đào tạo chính qui nhiếp ảnh đâu) cũng không dễ! Và đúng như Tử Vi nói: Khánh chỉ làm những việc gì mình thích.
Trong đời sống cá nhân, Khánh không được hưởng một chút nào tính kiên trì của ông nội. Thích âm nhạc thì sáng tác liền mười ca khúc, nổi bật bài “Bay qua biển Đông” được bọn trẻ rất đón nhận, thích làm việc đêm thì thức trắng và ngày ngủ... một lối sống tự do thiếu kỷ luật không là điều tốt cho cộng đồng”.
Họa sĩ Lê Trí Dũng nói về con rõ ràng và cũng đầy trăn trở như thế. Ông là cha, là người đã hướng dẫn anh Lê Việt Khánh đi theo con đường mỹ thuật - sự nghiệp của cả gia đình. Còn tôi, lại là bạn, chơi với Lê Việt Khánh, khi anh vẫn còn đang ngày ngày làm việc chăm chỉ cho Vietnam Airlines. Khi rảnh, anh thường đến ngồi uống cafe tại Vietart, trung tâm nghệ thuật, nơi trưng bày các tác phẩm hội họa và nghệ thuật, trước cổng trường Mỹ thuật Yết Kiêu Hà Nội. Thời gian đó, Khánh vừa đi làm, sáng tác âm nhạc, làm các video clip về âm nhạc, chụp hình, chủ yếu là ảnh thời trang. Có lần, Khánh đã mở một triển lãm cá nhân riêng liên quan đến ảnh thời trang và ảnh cưới. Trong đó, có thêm chương trình âm nhạc, các ca sĩ, ban nhạc có tiếng ở Hà Nội hát các tình khúc của anh. Khánh viết nhạc chủ yếu dành cho giới trẻ. Lời ca trữ tình mơ màng trong sáng. Những sáng tác của anh được bạn trẻ được nhận nồng nhiệt và là ca khúc “Hit.” Hai ca khúc nổi bật cần kể tới là “Bay qua biển Đông” và “Mưa rơi lặng thầm”. Hai bài hát đều được anh dựng clip.
Tôi nhìn Khánh có phần khác hơn với bố anh. Với tôi, thực sự Khánh rất kiên trì. Anh luôn đi tận cùng với mỗi đam mê của mình.
Chỉ là những gì đi qua, anh thấy không thích, thì ngừng ngay lại. Như anh tâm sự với tôi:
“Tôi không có dấu hiệu nào sẽ theo đuổi nghệ thuật cả, tôi cũng không phải là một đứa trẻ có năng khiếu nghệ thuật nổi trội hay đặc biệt gì. Bố tôi là họa sỹ, ông hướng tôi vào ngành mỹ thuật, thú thực là một đứa trẻ thì cứ đi theo con đường ấy như một quán tính thôi.
Tám năm học đại học cho đến hết cao học tại trường mỹ thuật, tôi cũng chỉ có thể nắm được những kỹ năng và kiến thức cơ bản nhất về hội họa. Nhưng tôi đã không thể phát triển lên trở thành một họa sỹ thực thụ. Bởi bên cạnh kỹ năng, còn cần đến đam mê và tố chất đặc biệt. Hai thứ đó tôi lại không có.
Chính vì không có “duyên” trở thành một họa sỹ, nên tôi chuyển sang làm ngành khác: Thiết kế đồ họa, để vừa tận dụng được kiến thức mình đã được đào tạo, vừa làm công việc phù hợp với tính cách của mình hơn.
Còn chuyện viết nhạc thì không có gì đáng nói, nó là một cuộc chơi. Chơi đúng nghĩa. Thích thì chơi, hết thích thì thôi. Tôi học nhạc lý thông qua cây đàn ghi ta giống như bao thanh niên thế hệ tôi hồi đó. Hình ảnh lý tưởng về một chàng sinh viên kiến trúc, mỹ thuật gì đó… mặc áo sơ mi kẻ ca rô, quần jean, ôm cây đàn guitar và đệm hát. Mục đích chủ yếu là tán gái. Chẳng hiểu sao rồi tôi cũng tự viết ra được giai điệu, rồi viết lời trên cái nền nhạc lý hết sức thô sơ ấy. Mấy đứa bạn học nhạc viện đàng hoàng nghe thử thấy hay, vậy là phối khí, rồi có ca sỹ chuyên nghiệp thể hiện. Đơn giản thế thôi.”.
Mỗi lần ngồi với tôi, hoặc có nhiều lần khác ngồi mỗi người một bàn, Khánh thường mở laptop để tranh thủ làm vài thứ trên máy. Tôi thấy anh thật sự chăm chỉ, nhiệt thành với công việc. Khánh cũng hết sức chu đáo, cẩn thận, nhất là khi giở bộ đồ máy ảnh ra, nhìn anh cầm lên từng thứ rất nhẹ, chầm chậm lau chùi tỉ mỉ, mới thấy hết được sự dịu dàng nhẹ nhàng từ nơi sâu thẳm tính cách:
“Tôi là kẻ cầu toàn. Có những bức ảnh phải đi săn đến hơn 60 lần tại cùng một điểm chụp mới có được cái khoảnh khắc bao hàm tất cả những yếu tố mình muốn có trong một bức ảnh. Bên cạnh đó, tôi còn muốn cầu toàn cả về mọi khía cạnh khác như bố cục, ánh sáng, mầu sắc, thậm chí cả việc hậu kỳ bức ảnh sao cho đảm bảo tất cả các vấn đề về chất lượng, như phối cảnh, độ chi tiết, độ sắc nét, tương phản”.
Khánh có khuôn mặt rất non thơ, khó đoán tuổi. Tính cách anh chân tình lẫn thật thà. Nhiều người đến với anh, vì anh có sự hấp dẫn cho việc học hỏi. Nhưng đến rồi đi. Vì đằng sau những ồn ào, Khánh chỉ thích sống một mình với đam mê của mình.
“Với tôi, Việt Nam mình nếu như còn một nơi nào đó thật sự còn chút bí ẩn, còn chút đậm đà bản sắc. Thì đó chính là Tây Bắc. Là một nhiếp ảnh gia, tây bắc cũng chính là vùng đất cho tôi rất nhiều cảm xúc, nhiều chất liệu để sáng tác.
Kỷ niệm thì nhiều lắm, những tháng ngày cắm bản ăn ở ba cùng với dân, có biết bao tình cảm mà người dân đã dành cho mình, những bữa cơm gia đình trong ánh lửa vì không có điện, những lần gặp bão tuyết, gặp lũ, những vất vả khi phải thức khuya, dậy sớm để lọ mọ leo núi tìm điểm chụp, vất vả và nhiều khi nguy hiểm không kể xiết..
Nhiều người cũng hỏi tôi sao phải khổ như thế. Thật sự đi chụp ảnh rất khổ, trong lúc mọi người yên giấc trong chăn ấm thì lũ săn ảnh như tôi đạp đá tai mèo leo lên đỉnh núi hoang vu trong đêm, trong gió bấc lạnh hun hút. Điều đó chỉ có thể giải thích là bởi sự đam mê.
Với tôi, thậm chí đam mê thôi chưa đủ, nó còn là sự uất ức, sự dồn nén muốn vượt qua thất bại từ những lần không thành công trước đó.
Hiện giờ tôi đang là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Đó là con đường chuyên nghiệp, là sự nghiệp. Còn mọi thứ khác chỉ là cuộc chơi!”.