Nghệ thuật cộng đồng bị lãng quên

Phạm Sỹ 19/09/2022 07:00

Sau một thời gian dài đưa vào khai thác, sử dụng, nhiều công trình nghệ thuật công cộng đã góp phần không nhỏ vào việc làm đẹp cảnh quan đô thị, tạo khu vui chơi giải trí cho người dân đồng thời là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, những công trình này đang xuống cấp nghiêm trọng.

Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân xuống cấp nghiêm trọng.

Xuống cấp, mất mỹ quan

Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) đã góp phần thay đổi môi trường, cuộc sống của người dân nơi đây; đồng thời thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu văn hóa, giới mỹ thuật và người dân Thủ đô. Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân gồm 16 tác phẩm nghệ thuật của 16 nghệ sĩ trong nước và quốc tế, được trưng bày trên một bức tường dài 200m vốn có chức năng chặn lũ sông Hồng và ngăn khu dân cư với nơi tập kết rác thải. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện phản ánh nhân sinh quan của từng nghệ sĩ về dòng chảy văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội.

Nơi đây đã từng được kỳ vọng là điểm đến du lịch nếu có sự đầu tư bài bản, kết nối với cầu Long Biên, chợ đêm Long Biên, bãi Phúc Xá và sông Hồng để trở thành tour tìm hiểu văn hóa, lịch sử hoàn chỉnh về Hà Nội.

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các tác phẩm đều bị xuống cấp trầm trọng, những tác phẩm được làm bằng chai nhựa bị vỡ, dồn lại khiến cho người xem cảm thấy như một mớ rác. Có chăng cũng chỉ còn nhận ra tác phẩm “Thành phố bên sông” của tác giả Nguyễn Ngọc Lâm, “Rồng của dòng sông” của tác giả Del Valle Cortizas Diego do cơ bản giữ được sắc màu.

Hay như con đường gốm sứ ven sông Hồng là một trong những công trình chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, cũng đã bị xuống cấp trầm trọng, khiến cho bộ mặt đô thị nhếch nhác nhưng việc sửa chữa vẫn “im lìm”.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy – Giám đốc Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội cho biết: “Do một thời gian dài chưa có kinh phí để duy tu bảo dưỡng nên con đường gốm sứ bị xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay. Tôi mong thành phố, Sở Văn hóa thông tin TP Hà Nội tạo điều kiện cấp kinh phí để hoàn thành việc duy tu bảo dưỡng”.

Không gian phố Bích họa Phùng Hưng nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm - Hà Nội cũng trở thành phố đi bộ nối liền với không gian chợ Đồng Xuân. Có tổng cộng 17 vòm cầu được các nghệ sĩ Việt - Hàn thực hiện các tác phẩm hội họa, tạo ra một không gian kết nối các giá trị di sản, nghệ thuật và cộng đồng. Những bức tranh bích họa về bách hóa tổng hợp, những người phụ nữ gánh hàng rong, tàu điện leng keng, ông đồ cho chữ…trên các vòm cầu gợi nhớ về những ký ức đẹp của Hà Nội. Đây là nơi thu hút rất nhiều du khách mỗi khi đến với Thủ đô, cũng là điểm chụp hình lý tưởng đối với các bạn trẻ vào mỗi dịp cuối tuần.

Tuy nhiên, hiện nay, tuyến bố bích họa này đã ngày càng “nhếch nhác”, hàng dài xe ô tô đỗ che khuất những bức họa. Những bức họa thì bị ố màu, cũ rách cùng với những dụng cụ bị người dân vứt ra đã khiến cho quang cảnh ngày càng mất thẩm mỹ.

Những bức họa tại phố bích họa Phùng Hưng đã phai màu, có những chỗ bị thủng mảng lớn.

Cần được quan tâm, nâng tầm

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - Giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam, là người nhiều năm theo đuổi các dự án nghệ thuật công cộng, cho rằng sự xuống cấp của những công trình công cộng này do tác động thời tiết và có cả yếu tố con người.

“Trải qua 2 năm dịch bệnh Covid-19, có thể thấy những dự án nghệ thuật công cộng chưa phải là mối quan tâm của chính quyền nên họ chưa có kế hoạch trùng tu, bảo dưỡng. Cùng với đó, những tác phẩm mang tính công cộng, đặc biệt là những tác phẩm tái chế thì chính cộng đồng sẽ phải là người tham gia trực tiếp sửa chữa. Từ đó tạo ra sự tương tác của tác phẩm với cuộc sống” - ông Sơn cho biết.

Liên quan đến số phận của phố Bích họa Phùng Hưng và con đường nghệ thuật công cộng Phúc Tân, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết đang có kế hoạch tu sửa, nhưng còn nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, UBND quận đã giao cho hai phường sở tại là Hàng Mã và Phúc Tân khảo sát thực trạng, làm việc với nhóm nghệ sĩ, có thể tiếp tục kêu gọi xã hội hóa để chỉnh trang, tu sửa lại các tác phẩm đã xuống cấp. Quận cũng xem xét phương án tìm nguồn kinh phí phù hợp từ ngân sách quận để hỗ trợ một phần trong việc chỉnh trang, tu sửa.

“Theo thí điểm, phố Bích họa Phùng Hưng chỉ có thời gian 3 năm, đến nay đã là 5 năm, nhiều bức họa cũng đã bị mờ. Hiện UBND quận đang chờ ý kiến của Tổng công ty Đường sắt. Vì hiện nay phía Tổng công ty Đường sắt vẫn chưa đồng ý triển khai tiếp nên dự án đang bị treo. Về việc trùng tu phố Bích họa Phùng Hưng và con đường nghệ thuật công cộng Phúc Tân chúng tôi đã giao UBND các phường phối hợp với Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ và Ban Quản lý dự án duy trì, duy tu thường xuyên cùng nhóm nghệ sĩ” - ông Hoàn thông tin.

Nói về sự xuống cấp của những công trình nghệ thuật công cộng đang diễn ra, TS. KTS Ngô Doãn Đức cho rằng, chúng ta cần phải duy trì những công trình công cộng này sao cho tốt nhất, bởi nó đã hiện diện trong đời sống và được cộng đồng ghi nhận. Muốn giữ gìn và phát huy giá trị của nó thì cơ quan chức năng phải vào cuộc và có những giải pháp quyết liệt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ thuật cộng đồng bị lãng quên