Nghệ thuật mang tới sự đầy đủ về nhận thức con người

Nguyễn Quỳnh Trang (thực hiện) 31/07/2020 10:00

“Nhìn - thấy - yêu - hiểu” là một tiểu luận về nhận thức nghệ thuật của nhà phê bình Nguyễn Quân vừa được phát hành. “Cuốn sách này chắc chắn sẽ mở đường cho việc tiếp cận nghệ thuật và thế giới design đương đại” (…) Bất cứ ai cũng nhìn - thấy - yêu - hiểu và có thể nâng cấp những bậc thang trí huệ đó tùy theo cách sống, nhu cầu thăng hoa và trên hết là khả năng tiếp xúc hay sáng tạo nghệ thuật - cái đỉnh điểm của nhìn - thấy - yêu- hiểu” - nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng giới thiệu về cuốn sách.

Nhà nghiên cứu phê bình nghệ thuật - họa sĩ Nguyễn Quân.

PV:Trước đây, cũng trong một lần trả lời phỏng vấn với tôi (bài đã in trên Tinh hoa Việt - PV), ông đã nói sẽ dừng việc viết sách, và thật ngạc nhiên, sau đúng 10 năm, ông cho ra mắt “Nhìn - thấy - yêu - hiểu”?

- Nhà nghiên cứu phê bình nghệ thuật - họa sĩ Nguyễn Quân: Thực ra lúc ấy tôi nghĩ cũng chẳng còn gì mà viết, cũng như sáng tác tôi từng nói với ông Phan Cẩm Thượng là tôi kịch trần rồi không biết sáng tác gì nữa. Nhưng cuộc đời là một chuỗi luân sinh của nhìn thấy yêu hiểu, vì tôi vẫn tiếp tục sáng tác và viết, tôi cho đó là sự may mắn và hạnh phúc. Tôi nhớ đến trang sách sáng nay tôi vừa đọc, khi anh nói về tác phẩm hội họa hay về sách anh viết thì như là nói về tương lai của đứa con nằm nôi. Vậy mà may mắn nữa là sách còn được in và phát hành. Trong lịch sử ký ức nhân loại thì nghệ thuật quan trọng hơn đời sống chính trị rất nhiều.

Bắt đầu như thế nào để ông viết cuốn sách này?

- Tôi cứ bảng lảng trong đầu ý nghĩ, sau cuốn “Ghi chú nghệ thuật” nêu ra mô hình cái nhà thì tôi ko biết cái nhà vận hành ra sao. Sau năm 2010 ở Huế, trong đầu tôi nảy sinh ra 4 cái mỏ neo: Nhìn - thấy - yêu - hiểu. Tính đến nay cũng được 10 năm.

Quá trình viết cuốn này đã diễn ra như thế nào?

- Tôi bắt đầu viết khoảng năm 2012, 2013, tôi có mấy năm để ghi vào trong ổ cứng tài liệu những vấn đề, chi tiết có thể dùng cho cuốn sách. Giống như ý tưởng và nguyên vật liệu, sự liên kết. Nguyên việc tham khảo tài liệu từ khoa học xã hội học, tâm lý học, văn học cũng nhiều ý tưởng triết lý, nhận thức rất hay, ý kiến của các nhà văn nhà khoa học, nghệ sĩ về những tư tưởng sáng tạo của họ tôi cũng ghi chép vào.

Sau đó thì tôi tóm lược cũng được khoảng 600 đến 700 trang, nhưng sau thấy lộn xộn nên bỏ đi. Sau đó tôi viết tóm tắt khoảng 100 trang, nhưng chính tôi đọc không hiểu gì cả nên tôi bỏ đi.

Rồi tôi viết một cái email cho ông Thượng, tôi nói hôm qua tôi làm được cái mục lục cho cuốn sách, và tôi viết luôn trong email ấy được luôn lời giới thiệu mở đầu. Rồi tôi viết cuốn sách này trong 7 tháng tại TP HCM và Đại Lải (Vĩnh Phúc). Thường sách đã có bố cục rồi là tôi viết rất nhanh.

Ông có bộ sách 4 cuốn: “Ghi chú về nghệ thuật”, “Tiếng nói của hình và sắc”, “Con mắt nhìn cái đẹp”, “Nhìn - thấy – yêu - hiểu”. Chúng có liên quan gì tới nhau. Cuốn sách mới này tiếp nối cuốn “Ghi chú về nghệ thuật” như thế nào?

- Hai cuốn ở giữa “Tiếng nói của hình và sắc” và “Con mắt nhìn cái đẹp” là nhận thức thực hành, áp dụng cho thực tiễn sáng tác nghiên cứu hoặc giảng dạy, “Con mắt nhìn cái đẹp” nói rõ là dùng cho sinh viên, kiến trúc, mỹ thuật và thiết kế và cũng dùng trong việc giảng dạy.

“Ghi chú về nghệ thuật” và “Nhìn - thấy - yêu - hiểu” là lý thuyết về nhận thức. Cuốn sách mới này tiếp nối “Ghi chú về nghệ thuật” như thế nào? Ở cuốn đầu, tôi đưa ra mô hình con người ta là một tòa nhà, bên trong là nội giới, ngoài tòa nhà là ngoại giới. Cái tương tác giữa nội giới và ngoại giới là vấn đề nhận thức. Có 5 cửa vào nội giới gồm 5 giác quan (tầng trệt) là ý thức, còn tầng hầm không có đáy, không có biên giới, là nơi trú ngụ của tiềm thức, vô thức và bản năng. Ngôi nhà này có sân thượng, là nơi mà nội giới, ngoại giới hòa với nhau mà không thể chia tách phân biệt. Đấy là sự thăng hoa sáng tạo, cực khoái hạnh phúc, tự do. Tôi đưa mô hình ấy vào cuốn đầu, được dùng trong 30 đến 40 năm và chưa có ai phản đối. Nhưng nó có vấn đề là nội giới ấy hoạt động như thế nào? Cuốn đầu thì mới cảm giác trong ngoài qua 5 giác quan nhưng chưa giải thích nó là cái gì? Những cái gì ấy hoạt động như thế nào?

Tư tưởng triết học nếu có xuyên suốt công trình này là bản thể luận và nhận thức luận. Con người là sinh vật tự nhiên và xã hội, nó là một sinh vật nhận thức, giải quyết được vấn đề nhận thức là ta là gì, biết được gì, làm được gì, hi vọng gì, nhà triết học gia người Đức Immanuel Kant cũng nói, nếu giải quyết được ba cái sau thì biết được ta là gì.

Cơ thể sống của con người gồm những việc cơ bản, phải tiếp nhận vật chất bên ngoài, đời sống của lúc ngủ lúc thức, đời sống tình dục là thiên luật, duy trì nòi giống và bài tiết.

Tôi đặt vấn đề đời sống nội giới (tinh thần, tâm hồn, tâm linh) là gì, liệu nó có phân biệt với tư duy logic, lí trí không. Tôi không tin là không khẳng định được, chúng ta không thể nhận thức được nhận thức, chân lý cuối cùng không có sự tuyệt đối. Sự giác ngộ về chân lý thực tại. Sự nhận thức luôn mang tính chủ quan cá nhân nên không thể có khách quan. Đấy là vấn đề thú vị.

Tôi thích hai quan điểm của Đạo Phật và Ki-tô. Quan điểm Đạo Phật rất hay, trong quá trình viết tôi có chịu ảnh hưởng nhận thức luận từ đạo Phật như Khổ, Vô ngã, Vô thường và thấy có sự tương đồng. Còn ảnh hưởng tình yêu của Ki-tô.

Tôi cũng tham khảo các triết học của các tôn giáo nhưng không theo quan điểm triết học nào cả. Nên mọi người khi đọc sẽ có sự nghi ngại. Và tôi có thể bị mắc kẹt ở đó. Thực chất quyển thứ hai, “Nhìn - thấy - yêu - hiểu” chính là cái cầu thang, hai chuỗi xoắn kép, như chuỗi AND, xuyên từ tầng hầm đến tầng thượng. Cuốn này nói đời sống tinh thần có 4 việc, 4 giá trị, 4 dòng hoạt động gắn kết, đan bện với nhau như cầu thang, như sự xoắn kép, không có đầu có cuối, không có trước có sau. Nhìn (thụ): 5 giác quan - Thấy - Yêu: không phải hương hoa của bông hoa, mà là bản chất của hành động sống bắt buộc phải có - Hiểu cũng là hành động sống bắt buộc phải có. Người ta nói tôi hiểu là tôi ngộ ra, nhưng nó chỉ là một phần của nhận thức, Hiểu phải trình bày được bằng thực chứng và ngôn ngữ khoa học. Còn yêu là chùm nhận thức cảm xúc cảm giác về một hướng về hạnh phúc gắn với cái mỹ. Ái - Mỹ không tách lìa nhau.

Đời sống hàng ngày cho ta thấy rất rõ phải thấy đẹp thì mới yêu được. Hai cái đó gắn chặt với nhau. Hành động yêu và thẩm mỹ gắn với bản thể của con người, mong muốn kết nối, mong muốn hi vọng.
Không có con vật biết hi vọng. Tình yêu là tập hợp các tưởng tượng mà anh mong muốn. Hai cái đó (yêu, thẩm mỹ) khác với hiểu là nó rất tự do, là hành động hoàn toàn tự do.

Vì thế người ta gắn nghệ thuật với tình yêu, như người ta nói thẩm mỹ cứu chuộc thế giới, nơi con người ta còn có thể hi vọng, có được cái phom về cái mà mình muốn.

Thấy: Như là sự giác ngộ về một thực tại chân lý. (Bồ tát)

Không chỉ Hiểu mà còn có yêu, trực giác. Sự thấy cho thấy một chân lý toàn vẹn nhưng mù mờ. Còn Hiểu cho một cái thực tại rõ ràng nhưng lại phiến diện. Còn Thẩm mỹ với sự Yêu đưa ta đến với cái Mỹ.

Cả 4 cùng tạo ra chân lý.

Ý nghĩa triết học là hoạt động nội giới của con người trong cuốn này mà tôi thấy thích là ngoài việc làm ra cầu thang xoáy và hoạt động nội giới, thì có vấn đề là cuộc sống của con người là luân sinh, nhận thức cũng là một quá trình luân sinh, chứ không phải là dòng chảy đơn giản mà con người vẫn nói. Nó luôn luân hồi trong các hoạt động nhìn thấy yêu hiểu, không cần đến kiếp sau do sự xoắn kép của nó.
Ngoài ra, còn có trực giác, nó không nằm trong 4 vấn đề kia, không có trực giác thì không lên được “tầng thượng”, trực giác là món quà của thượng đế. Điều đó cũng thấy rất rõ trong đời sống.

Hoạt động tinh thần con người cũng như sự sống có tính luân sinh, không những không có dầu đuôi mà liên tục luân hồi, cái này giống ngũ uẩn của đạo Phật và tương tác giữa 12 nhân duyên. Tuy nhiên chúng không đồng nhất như thế và không nên hiểu như thế.

Thưa ông, tư tưởng triết học và mỹ học xuyên suốt các công trình này là gì? Nó đã thực sự đặt nền móng cho lý luận nghệ thuật (mỹ thuật) như thế nào?

- Tôi nghĩ nói hơi quá, nhưng nếu dùng trong hoạt động nghệ thuật thì có hiệu quả. Những điều tôi trình bày trong “Ghi chú về nghệ thuật” đến quyển này cách nhau 40 năm. Đó là 2 cuốn sách mà ở Việt Nam không ai viết, nên tôi mắc kẹt ở chỗ người đọc.

Những vấn đề tương tự ở trong cuốn này, người ta có thể tìm thấy ở một số sách dịch như một số quyển lịch sử nghệ thuật, tinh thần trong nghệ thuật…, do đó việc giải quyết các vấn đề trong “Nhìn - thấy - yêu - hiểu” cũng là tiếp nối các cuốn kia. Cuốn của tôi cũng như một viên gạch cho cơ sở lý luận nghệ thuật.

Ông Thượng và tôi nghĩ là nhận thức luận, (không phải là bản thể luận) về nghệ thuật. Tôi cho rằng nghệ thuật mang tới sự đầy đủ về nhận thức của con người.

Bìa cuốn sách “Nhìn – thấy – yêu – hiểu”.

Nền tảng nghệ thuật, xã hội và tâm lý nào cho cuốn “Nhìn - thấy - yêu - hiểu”, thưa ông?

- Trong phần đầu cuốn sách tôi có viết đoạn mở đầu về nền tảng xã hội tâm lý là “Sống nghệ thuật”. Sống vì, sống bởi, sống cùng là không đủ, sống nghệ thuật bao gồm những công việc cả cuộc đời tôi đã đang làm: học vẽ, dạy vẽ, vẽ, đọc sách, viết sách, dạy từ sách, quản lý nghệ thuật, tổ chức triển lãm, tổ chức, tham gia các tọa đàm…bán tranh, tôi thiếu là nhà sưu tầm. Trong các vai trong nghệ thuật tôi chỉ thiếu cái đó. Trong suốt 40 năm.

Nền tảng tâm lý thì qua sự quan sát các hoạt động của chính mình trong đó sáng tác là chính, qua hoạt động lý luận, trong việc sống nghệ thuật. Sáng tác và viết nghệ thuật. Viết nghệ thuật thì đúng hơn là lịch sử hay phê bình. Như “người viết nghệ thuật”. “Sống nghệ thuật” giải quyết các vai khác nhau: nhà sưu tập - nghệ sĩ - phê bình. Hóa giải và hiểu được nó. Thí dụ thì ít nhưng nền tảng tâm lý tôi viết là từ chính đời sống của tôi và đời sống mỹ thuật Việt Nam.

Ông cho biết rõ tiến trình tâm lý nhìn - thấy - yêu - hiểu trong nhận thức nói chung và nhận thức nghệ thuật?

- Thực ra gọi là tiến trình, như quan niệm của tôi là không đúng, vì tiến trình là trước sau, mà tâm lý không theo trục thời gian, do đó, nhìn - thấy - yêu - hiểu ko theo thứ tự trước sau, không theo thứ tự cao thấp, cũng không phải là giá trị quan trọng cái nào hơn cái nào mà cả 4 yếu tố đều luân chuyển với nhau.

Nếu trạng thái khoái thú cao nhất là Thấy - Thức chứ không phải là Hành, Tưởng, Thụ. Bất kỳ sự phiến diện hóa nào cũng mang đến giá trị nhận thức khác nhau.

Nếu anh chỉ yêu thôi thì anh mất đi sự minh bạch sáng suốt của trí tuệ. Anh chỉ hiểu mà không yêu còn nguy hiểm hơn vì giết chết sự sống. Không yêu thì vô cùng bất hạnh.

Chúng là hợp thể luân chuyển nên gọi là luân sinh, sự luân sinh của 4 kênh nhận thức trong đời sống.
Nếu kết luận ở “Ghi chú về nghệ thuật”, tôi có viết “Hạnh phúc là sự thông thoáng của 5 giác quan” thì triệt để ở phần sinh học. Còn cuốn này tôi viết “Hạnh phúc là sự luân chuyển của 4 hành động nhìn thấy yêu hiểu” trong nghệ thuật cũng như hiển nhiên trong đời sống hàng ngày. Khi anh mua một bức tranh thì anh cũng cần yêu và hiểu như thể khoản đầu tư tốt, hoặc thấy cái gì đẹp trong đó… đều mang lại hạnh phúc.

Còn Trực giác là thứ không bàn được, không lý giải, không cảm thấy.

Tôi cho rằng nó là cái thích hợp trong đời sống nhưng biểu hiện rõ nhất trong nhận thức nghệ thuật.

Theo ý kiến của ông Phan Cẩm Thượng, cuốn sách này mở đường cho nghiên cứu nghệ thuật đương đại và design. Ông có thể nói rõ về tác dụng thực tế của lý thuyết này không?

- Theo tôi ý kiến của ông Thượng là cảm nhận của người đọc, người biên tập và giúp đỡ tôi nhiều trong việc in được cuốn này. Nó có mở đường hay không thì tùy thuộc vào người đọc có ứng dụng được không. Tuy nhiên theo bản thân tôi thì nó ứng dụng được không chỉ trong việc nghiên cứu mà còn cả sống nghệ thuật như sáng tác, thị trường, truyền thông nghệ thuật. Nếu các bài phê bình thể hiện được “nhìn thấy yêu hiểu” tác phẩm thì hay hơn là chỉ nói và tâng bốc. Trong việc nhận xét một con người cũng thế.

Còn về thiết kế, thì nằm ở trong hai chương cuối cuốn sách, design là “một con quái vật”. Tôi có trình bày thẩm mỹ có 3 tầng: thượng lưu, thị dân (trung lưu), trẻ em hay những người không quan tâm đến văn hóa.

Trong mỗi người cũng có 3 bậc như thế. Tôi thích hình ảnh một ông giáo sư đầy hiểu biết thông tuệ lại mặc một cái áo chim cò (pop art). Thị trường tranh cũng toàn bán tranh “dở hơi” rồi tố là không văn hóa. Văn hóa là phải đầy khắp phong phú.

Thế giới design, 10 đến 15% bản thân chúng ta là người máy vì gắn với thế giới mạng, bản thân chúng ta có “phiên bản thế thân”, một nhân cách mới trên mạng. Chúng ta sử dụng mọi thông tin thị giác đều qua mạng, thế giới này phụ thuộc vào không gian mạng, yếu tố hiện đại, truyền thông quảng cáo. Xưa, một khóa học design trong trường mỹ thuật có chừng vài sinh viên, cả trường có vài chục. Hiện nay trong hội thảo tại Trường Đại học Hùng Vương báo cáo có 36 ngàn sinh viên design cùng một lúc. Hiện nó là ngôn ngữ toàn cầu, được dạy theo đẳng cấp quốc tế. Trong tham luận tôi có nói “Design là tất cả”.

Trong chương cuối tôi có trình bày về nghệ thuật truy tìm tác phẩm đẹp cho người ta ngưỡng mộ. Bắt đầu cách mạng công nghiệp, một xã hội có sự tiến bộ, sự thẩm mỹ là truy tìm cái mới. Trường phái nghệ thuật ăn vào cái mới, cái chưa từng có (xem trong sách), từ năm 1990 trở đi, sự thẩm mỹ nghệ thuật truy tìm cái khác, đối lập với sự giống nhau, bày đàn. Cần tìm sự độc bản.

Bản thân tôi cũng đã ứng dụng vào một số bài viết về kiến trúc, design và tôi có giảng dạy 6 buổi ở Cà phê thứ 7 tại TP.HCM. Người nghe trả tiền và họ thấy bổ ích. Tôi cũng dạy mấy năm ở Trường Đại học Mỹ thuật Huế, tôi có dạy trên cơ sở cuốn sách “Ghi chú về nghệ thuật” và “Con mắt nhìn cái đẹp”, những người học bây giờ vẫn nhớ. Và cũng chỉ sinh viên Huế trong thời gian đó được học thôi.

Ở Việt Nam chưa có hoặc rất ít người nghiên cứu lý thuyết tâm lý nghệ thuật, vậy ông bắt đầu từ đâu, và dựa trên nền tảng nghệ thuật nói chung, hay có gì về nghệ thuật Việt Nam ở đó, để phân tích?

- Sách Việt Nam không có mà nghệ thuật học thì hiếm. Mối quan tâm của tôi về vấn đề này từ khi rất trẻ. Sách tâm lý nghệ thuật thì tham khảo sách nước ngoài, trong mấy chục năm gần đây có nhiều sách tốt của các tác giả nước ngoài liên quan đến vấn đề nhận thức luận nghệ thuật.

Ở cuốn sách này tôi trình bày trên cơ sở nghiên cứu khoa học của nhiều ngành chủ yếu ở phương Tây: thần kinh học, não bộ, về tâm lý thần kinh, bệnh thần kinh, lý thuyết mới về hệ hỗn độn.

Về nghệ thuật tôi làm nghệ thuật Việt Nam nên tôi rất ít khi trích dẫn tác phẩm phương Tây, tôi thường trích dẫn mỹ thuật cổ và mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20. Những gì của đất nước mình gắn bó với tôi hơn. Bản thân tôi sống với mỹ thuật Việt Nam. Đấy là điểm tôi cho là tốt.

Vai trò của Thiền học và triết học khác trong nghiên cứu của ông là gì?

- Thực ra tôi không nghiên cứu về thiền và cũng không hiểu biết gì về Phật giáo. Tuy nhiên cái nhận thức luận của tôi “nhìn thấy yêu hiểu” như là hệ thống tự đầy đủ, có khái niệm riêng, cách giải quyết riêng có những cái rất tương hợp với nhận thức Phật giáo mà tôi hiểu như cái khổ là cái không thỏa mãn (chủ yếu không thỏa mãn các giác quan) cái luân sinh là cái vô thường, luôn vận động, nhìn thấy yêu hiểu cũng luôn vận động ko có đích đến, cùng với ngũ uẩn và 12 nhân duyên. Nhưng khi đọc thì phải nhìn thấy sự độc lập của các khái niệm, nếu không sẽ là sự nhầm lẫn.

Hiện tại, cuộc sống của ông đang diễn tiến ra sao?

- Hiện tại cuộc sống của tôi bình thường, tôi có may mắn là không phải làm truyền thông hay giảng dạy. Tôi thích một sự quên lãng từ mình và mọi người, và thấy thỏa mãn với việc đó. Tôi thấy tuổi già vẫn là trẻ ở một kiểu khác. Người ta nói vòng 60 là một cuộc đời và trên 60 là một việc khác, như bây giờ tôi thích nghe lời các ông học trò của tôi, tôi nghe họ nhiều hơn và không thích họ nghe lời tôi. Khi tôi già, tôi cảm nhận được cơ thể và sức khỏe của tôi tốt hơn rất nhiều. Và cũng có nhiều sự ngây ngô như trẻ con. Và tôi thấy điều đó rất hay của tuổi già.

Tôi không có nhu cầu tiếp xúc nữa nhưng nhu cầu gắn bó lại cao lên.

“Bất tài minh chủ khí”: những đau khổ của người trí thức ngày xưa, khi anh hết tài thì minh chủ không dung nữa.

“Đa bệnh cố nhân sơ” khi mình bệnh tật thì bạn cũng xa rời mình.

Còn giờ tôi có cảm giác không cần minh chủ, tự mình dung mình. “Cố nhân sơ” bị lãng quên cũng là điều may mắn, nếu phải tiếp xúc thì tôi thích chơi với người trẻ.

Tôi nhớ xưa tôi chơi với ông già hơn tôi mấy chục tuổi thì tôi bị trêu là “Đồ chơi của những người ấy”, nên giờ tôi kêu gọi những người già trên 60 là tuổi già không phải là phòng chờ, phòng đợi lên thiên đường hay xuống địa ngục mà tuổi già có đời sống riêng của nó.

Xin cảm ơn ông. Chúc ông mạnh khỏe và tràn đầy năng lượng sống nghệ thuật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ thuật mang tới sự đầy đủ về nhận thức con người