Trong những năm qua, vấn đề bảo hộ bản quyền tác giả, nhằm bảo vệ những thành quả lao động sáng tạo của cá nhân, tổ chức đã được các cơ quan quản lý hết sức quan tâm. Tuy nhiên, vấn đề vi phạm bản quyền nói chung, trong lĩnh vực múa nói riêng vẫn diễn ra khá phổ biến và có chiều hướng ngày càng tinh vi hơn.
Việt Nam có Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua (2005), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (2009), trong đó quy định về quyền tác giả. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký các công ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan (2004), gia nhập Công ước Berne (2005); gia nhập Công ước Geneva (2006)…
Tuy nhiên, trước sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là trên các nền tảng số, vấn đề bảo vệ bản quyền đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức, không chỉ với Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới. Mạng xã hội cùng các nền tảng số hóa tác phẩm nghệ thuật mang đến nhiều cơ hội quảng bá tác phẩm, nhưng cũng từ đây, vấn đề “đạo nhái”, “ăn cắp” tác phẩm cũng biến tướng với nhiều hình thức tinh vi hơn trong không gian trực tuyến. Các vi phạm ngày càng trở nên phổ biến, ở nhiều loại hình nghệ thuật, trong nhiều lĩnh vực, từ âm nhạc, phim ảnh, múa, hội họa, sách, báo,… khiến người sáng tạo và nhà sản xuất bị mất đi một nguồn thu rất lớn, làm suy giảm nhiệt huyết để sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao.
Mặc dù Việt Nam đã có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, đồng thời tham gia các công ước của quốc tế, phối hợp với các mạng xã hội, kênh truyền thông lớn như Facebook, Youtube… nhưng trong thế giới phẳng như hiện nay, việc xử lý triệt để vi phạm bản quyền trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Chúng ta vẫn đang loay hoay trong một vòng luẩn quẩn, bởi nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
Hiện nay ở nước ta, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, gồm: Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC), Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn (APPA), Hiệp hội Công ghiệp ghi âm (RIAV), Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA)... mà Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này. Số liệu thống kê cho hay, trong 20 năm qua, từ con số khiêm tốn thu được trong năm đầu tiên hoạt động (năm 2002) là 78 triệu đồng, tính đến năm 2022, tổng số tiền sử dụng quyền tác giả mà VCPMC đã thu là trên 1000 tỷ đồng. Theo đó, số lượng thành viên ký hợp đồng ủy quyền tại VCPMC đã lên đến gần 5.500 tác giả trong nước. Hệ thống công nghệ của VCPMC kết nối tương thích với các tổ chức quốc tế về dữ liệu tác giả - tác phẩm thông qua 9 phần mềm hiện đại nhất để quét toàn bộ các kênh sóng, các nền tảng dữ liệu trong nước và quốc tế. Đây là cơ sở cho các tổ chức bản quyền trên thế giới tra cứu, tìm kiếm thông tin về tác giả - tác phẩm âm nhạc Việt Nam và ngược lại.
Thế nhưng, nếu như bản quyền các tác phẩm nghệ thuật như âm nhạc, xuất bản đang được bảo vệ một cách nghiêm ngặt thì vấn đề bản quyền trong lĩnh vực múa lại khá nan giải do tính đặc thù của loại hình nghệ thuật này. Ở lĩnh vực múa, không khó để phát hiện ra những vũ đạo nhái rất tùy tiện. Không ít biên đạo múa phải giật mình khi tình cờ xem được tác phẩm của mình nhưng lại được gắn tên của biên đạo khác xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội.
Còn nhớ Cuộc thi Tài năng biểu diễn Múa năm 2020, ngay sau khi bế mạc, Bộ VHTTDL đã phải ra văn bản thu hồi giải Nhì đối với thí sinh Thạch Hiểu Lăng do tác phẩm “Số không” của biên đạo Mai Minh Anh Khoa - Lê Hải, biểu diễn Thạch Hiểu Lăng-Huỳnh Nhựt Hòa do bị cho là sao chép tác phẩm của một công ty nước ngoài ra mắt từ năm 2017.
Gần đây, nhiều biên đạo múa thể hiện sự bức xúc xen lẫn cảm giác bất lực khi “đứa con tinh thần” của mình bị sao chép một cách trắng trợn. Cuối năm 2022, biên đạo múa - NSƯT Tạ Xuân Chiến – giảng viên Học viện Múa Việt Nam đã phải than trời vì vô tình thấy tác phẩm “Thước ngắm” của mình bị sao chép một cách ngang nhiên. NSƯT Tạ Xuân Chiến chia sẻ: “Để cho ra đời tác phẩm “Thước ngắm”, tôi đã phải bỏ rất nhiều thời gian, chất xám và công sức, nhưng lại bị sao chép một cách tùy tiện. Tôi cảm thấy không được tôn trọng. Họ đã sao chép một cách cẩu thả, không đặt vào đúng hoàn cảnh nên gây ra những hiểu lầm, không đúng với ý đồ của biên đạo”.
Đây chỉ là một vài trong hàng trăm nghìn vụ việc ngang nhiên vi phạm bản quyền tại nước ta, từ các chương trình biểu diễn cho đến các chương trình trực tuyến. Dẫu biết rằng việc thực thi quyền tác giả là một trong những điều kiện quan trọng để có thể hội nhập quốc tế sâu rộng, nhưng khi những trở ngại về hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực và ý thức, thói quen “sử dụng chùa”, “thưởng thức chùa” vẫn tồn tại trong ý thức của người dân thì vấn nạn này còn khó giải quyết triệt để.