Để nghệ thuật truyền thống tiếp cận sân khấu đương đại, hãy đặt mình trong tâm thế khán giả. Nắm được xu hướng đó, nhiều người trẻ, nhờ sự nhạy bén và tinh thần sáng tạo đã làm mới nghệ thuật truyền thống một cách rất thành công.
Lấy chất liệu từ nghệ thuật chèo truyền thống, thầy và trò Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã tự tin mang tác phẩm “Như hạt mưa sa” đến với Liên hoan Sân khấu các Trường Sân khấu châu Á (ATEC) lần thứ VII tại Bắc Kinh (Trung Quốc).
Xoay quanh ba nhân vật chính: Thị Mầu (vai nữ lệch - đào lệch); Thị Kính (vai nữ chính - đào thương) trong vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính và Xúy Vân (vai nữ pha - đào pha) trong vở chèo Kim Nham, “Như hạt mưa sa” đã kết hợp nhuần nhuyễn chất liệu chèo truyền thống với diễn xuất đương đại, tạo nên sức hút đặc biệt, gây ấn tượng sâu sắc với khán giả quốc tế.
Cũng là chèo, nhưng với cách tiếp mới, mạch lạc, uyển chuyển và chắt lọc ngôn ngữ phù hợp, tác phẩm sân khấu “Thị Mầu xuyên không”, tác giả kịch bản, nhà báo, đạo diễn Ninh Quang Trường, qua phần biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam đã giúp các khán giả trẻ có cơ hội tìm hiểu về các nhân vật kinh điển trong nghệ thuật chèo một cách rất tự nhiên. Tác giả đã xây dựng kịch bản dưới góc nhìn từ các nhân vật xuyên không, lời thoại của các nhân vật được lồng ghép nhiều câu từ hiện đại và hài hước… tạo ra sự gần gũi, cuốn hút và khiến sân khấu chèo trẻ trung hơn, gần gũi hơn, dễ cảm nhận với người xem.
Nhắc đến việc đưa sân khấu truyền thống đến với người trẻ, không thể không nói đến Nguyễn Quốc Hoàng Anh - một trong những người trẻ làm rất tốt việc kết nối nghệ thuật truyền thống và đương đại bằng những dự án, những tác phẩm gây dấu ấn mạnh mẽ. Với tư duy nghệ thuật sáng tạo Hoàng Anh đã đưa vào tuồng, chèo, ca trù những ngôn ngữ mới của hip-hop, nhạc điện tử, khiến nó trở nên hấp dẫn và cuốn hút hơn rất nhiều đối với người trẻ.
Mới đây, khán giả Thủ đô cũng có dịp được thưởng thức vở tuồng “Đối diện với vô cùng” của Nguyễn Quốc Hoàng Anh. Đây là dự án được “Lên ngàn” phối hợp với Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện để thu hút khán giả trẻ bằng cách pha trộn hài hòa giữa vũ đạo, âm nhạc đương đại với chất liệu nghệ thuật tuồng rất thành công.
Nói về những nỗ lực của người trẻ khi đưa nghệ thuật truyền thống đến với sân khấu đương đại, NSND Giang Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng, đối với các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, việc khai thác các đề tài về lịch sử, dân gian... là một thế mạnh. Tuy nhiên, khi tiếp cận với nghệ thuật truyền thống người trẻ cần có góc nhìn và cách làm mới để hấp dẫn khán giả.
“Nghệ thuật truyền thống hoàn toàn có khả năng tạo ra những tác phẩm mang đậm hơi thở của thời đại. Nhưng để thay đổi tư duy và phương pháp sáng tạo nhằm tiếp cận khán giả hiệu quả cần phải có sự dũng cảm. Trước hết, lực lượng sáng tác cần thay đổi tư duy, trong đó, kịch bản đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Tiếp theo, các đạo diễn khi dàn dựng tác phẩm cần dấn thân và sáng tạo không ngừng. Khi khán giả thấy được cuộc sống hôm nay trong tác phẩm thì nó dễ dàng chạm đến trái tim của họ.
Còn ở góc nhìn của người làm công tác bảo tồn, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên - Quyền Giám đốc Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản phi vật cho biết, cần phải nhấn mạnh đến hai góc nhìn, từ phía người làm bảo tồn và từ góc độ thực hành của các bạn trẻ - những người sáng tạo, đưa nghệ thuật truyền thống đến với sân khấu đương đại.
Trước tiên, ở góc độ bảo tồn, khi “chế tác” nghệ thuật truyền thống thì giá trị cốt lõi phải được giữ một cách tối đa. Sự sáng tạo, “chế biến” chỉ chiếm khoảng 30%. Sáng tạo thông qua lối dẫn dắt trải nghiệm cần chú trọng cảm xúc, tính mới lạ, tạo sự hứng thú cho người xem. Ngoài ra, phải làm thế nào để đưa được tính nguyên gốc của nghệ thuật truyền thống đến với cộng đồng.
“Còn ở góc độ thực hành, người sáng tạo dùng nghệ thuật truyền thống là một cảm hứng, chất xúc tác để thực hành nghệ thuật. Đó là sáng tạo cá nhân, sáng tạo để thể hiện cảm hứng nghệ thuật của mình dựa trên nền truyền thống. Tuy nhiên, một tác phẩm thành công là khi người sáng tạo làm cho khán giả thấy được cái gốc của nghệ thuật truyền thống mặc dù nó đã được làm mới, biến tấu” - bà Quyên chia sẻ.