Ngày 20/10, một lần nữa Liên hợp quốc đưa ra cảnh báo thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kép: nghèo đói cùng cực trở lại sau 20 năm và khoảng cách bất bình đẳng ngày càng nới rộng.
Tại báo cáo xã hội thế giới 2024 có tiêu đề "Phát triển xã hội trong thời kỳ khủng hoảng hội tụ: Lời kêu gọi hành động toàn cầu", Cơ quan kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc cho biết sau những nỗ lực giảm nghèo trong nhiều thập kỷ, thế giới đã chứng kiến một sự đảo ngược đáng lo ngại. Tình trạng nghèo đói cùng cực tiếp tục gia tăng cho dù đại dịch Covid-19 đã đi qua, nhất là ở những nước nghèo. Điều đó có nguyên nhân do thời tiết cực đoan, nắng nóng gây hạn hán kéo dài cùng bão lũ dữ dội đã khiến cho sản xuất nông nghiệp rơi vào khủng hoảng.
Báo cáo của Liên hợp quốc cũng cho rằng các cuộc khủng hoảng liên tiếp có thể dẫn đến tổn thất sản lượng kinh tế tích lũy hơn 50.000 tỷ USD từ năm 2020-2030, phản ánh việc mất đi các cơ hội đầu tư vào phát triển xã hội.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở các nước nghèo rất cao, với chênh lệch việc làm tăng từ 20% năm 2018 lên 21% vào năm 2023. Việc này đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng về thu nhập và sở hữu tài sản hiện nay trên toàn cầu. Tới thời điểm này, một nửa dân số nghèo nhất toàn cầu chỉ sở hữu 2% tài sản của thế giới, trong khi 10% số người giàu nhất nắm giữ 76%.
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách kinh tế và xã hội Li Junhua cho biết, cần có sự hợp tác đa phương trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu. Ông cho rằng việc hỗ trợ các quốc gia tìm kiếm các nguồn lực tài chính để chống đói nghèo, tạo việc làm và đảm bảo mọi người có cơ hội bình đẳng là điều vô cùng quan trọng.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 19/10, Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra 26 quốc gia nghèo nhất thế giới, nơi sinh sống của 40% dân số có hoàn cảnh khó khăn nhất, đang mắc nợ nhiều hơn bao giờ hết kể từ năm 2006. Tỷ lệ nợ trên GDP trung bình của các quốc gia này ở mức 72%, cao nhất trong vòng 18 năm qua. Phần lớn các nước này nằm ở khu vực cận Sahara châu Phi, từ Ethiopia đến Chad và Congo. Afghanistan và Yemen cũng nằm trong nhóm. Ông Indermit Gill, chuyên gia kinh tế tại WB chia sẻ, với thu nhập bình quân đầu người dưới mức 1.145 USD/năm ở 26 quốc gia nghèo nhất đã cho thấy bước thụt lùi của thế giới đối với nỗ lực xóa đói giảm nghèo.