Nghèo vì đa cấp-Bài 2: Vẫn khó thoát bẫy

Nguyễn Tuấn Anh 05/08/2016 09:33

Nhiều gia đình ở xã Ea Kao, Ea Bar (huyện Buôn Đôn), xã Cư Bao (thị xã buôn Hồ ... đang khốn đốn vì phải chạy vạy trả nợ do vướng vào đa cấp.

Bán bò, bán nhà trả nợ

Không chỉ ở xã Ea Kao mà ở nhiều địa phương khác như xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn), xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ)... cũng có nhiều hộ đang lâm vào cảnh khốn đốn vì đã trót góp vốn với Công ty Phúc Gia Bảo. Để góp vốn, nhiều gia đình đã vét hết vốn liếng tích góp, chốt cà phê non, thậm chí là đi vay nóng với lãi suất cao để tham gia.

Chỉ xin kể một trường hợp, đó là gia đình chị em H’Rít Byă.

Hơn 7 tháng nay, sau khi góp vốn cho Công ty, cả 3 gia đình chị em H’Rít Byă (ở buôn Knia 2, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) thấp thỏm như ngồi trên đống lửa khi bao nhiêu vốn liếng, tiền vay nóng 146,4 triệu đồng đổ vào góp vốn đang nhân lãi lên từng ngày mà chưa biết lấy tiền đâu mà trả.

Trước sự thúc giục của chủ nợ, 3 chị em đã nhiều lần lên công ty đòi lấy lại tiền nhưng phía công ty không trả. Để trả lãi, trước mắt gia đình chị H’Rít phải bán 1,5 tạ tiêu, 14 bao lúa sau cả một mùa chăm sóc mà chưa thấm tháp vào đâu so với số nợ. Còn gia đình cô em H’Sanh thì đang trong tình trạng phải bán nhà trả 73,2 triệu đồng nợ gốc và tiền lời cho chủ nợ vì không thể đòi lại từ công ty. Hiện chồng chị H’Sanh mắc bệnh xương khớp, hàng ngày chị phải chạy sấp, chạy ngửa kiếm tiền thuốc thang cho chồng và cơm gạo cho 4 người ăn.

Ông Nguyễn Hữu Quang- Bí thư Đảng bộ xã Ea Kao cho biết: Hiện toàn 2.106 hộ với số dân 17.435 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 50%, thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2015 tăng lên 25 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,38%.

Tuy nhiên hiện việc các hộ dân phải bán nhà trả nợ và tái nghèo sẽ tăng lên. Trước đây để giảm nghèo cho bà con, xã đã tham mưu cho UBND thành phố Buôn Ma Thuột mua 132 con bò cái sinh sản trị giá gần 2,4 tỷ đồng cấp cho 120 hộ đồng bào DTTS thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn trong xã. Vậy mà hiện nay như hộ bà H’Gin Bkrông là hộ nghèo được trao tặng bò, sau khi tham gia đa cấp góp 36,6 triệu không có tiền trả nợ, họ đến đòi xiết bò, lấy nhà. Bà H’Gin đang tính phải bán cả đất cả nhà, cả bò để trả nợ.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng chỉ sau khi Công ty Phúc Gia Bảo vươn vòi đến Tây Nguyên đã huy động được khoảng 100 tỷ đồng với trên 3.000 người “góp vốn”. Riêng tại Đắk Lắk, trong số khoảng 1.000 người “góp vốn” có 1/3 là đồng bào DTTS.

Đâu là kẽ hở?

Theo Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh có tới 22 công ty bán hàng đa cấp hoạt động. Trong đó có 9 doanh nghiệp có trụ sở ở Hà Nội, 11 doanh nghiệp có trụ sở tại TP HCM, 1 doanh nghiệp có trụ sở tại Đồng Nai và 1 doanh nghiệp có trụ sở tại Bắc Giang.

Phần lớn các công ty này chủ yếu đến địa bàn Đắk Lắk mở chi nhánh và trong quá trình hoạt động các công ty này thường xuyên vi phạm những quy định của pháp luật, thậm chí là có hành vi lừa đảo, bán hàng hóa, sản phẩm với giá cao, chất lượng kém, không rõ nguồn gốc.

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Đồng Nghĩa, Chánh Thanh tra Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho biết: Sau một tháng tiến hành kiểm tra đột xuất hoạt động của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn, Thanh tra sở đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 7 doanh nghiệp và hộ kinh doanh bán hàng đa cấp trên địa bàn với số tiền 229,9 triệu đồng về những vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Có thể nói, việc xử phạt các công ty đa cấp sẽ góp phần chấn chỉnh việc lại hoạt động của các đơn vị này, tuy nhiên số tiền xử lý hành chính không thấm tháp vào đâu so với số tiền mà các công ty này chèo kéo dụ dỗ người dân sập bẫy.

Cùng với việc xử phạt vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành công văn số 1954/UBND-KT về việc tăng cường quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn.

Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cũng đã kiến nghị Bộ Công thương cần ban hành các quy định cụ thể khi các công ty đa cấp mở rộng mạng lưới bán hàng ra các tỉnh, khi đó, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải thành lập văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại địa phương; quy định cụ thể nơi được phép tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo của các công ty đa cấp; quy định các mặt hàng được bán theo phương thức đa cấp.

Đồng thời, cần có các quy định để xử lý các hình thức biến tướng của bán hàng đa cấp như: Huy động vốn bằng tiền mặt thông qua việc dụ dỗ người dân mua đồng tiền ảo; bán phân bón theo hình thức đa cấp (nhưng không đăng ký bán hàng đa cấp) thông qua các buổi hội thảo giới thiệu sản phẩm…

Tuy nhiên việc người dân tiếp tục bị công ty đa cấp lừa đảo vẫn cho thấy công tác quản lý các công ty đa cấp của Sở Công thương Đắk Lắk chưa chặt chẽ. Cụ thể, sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc huy động động vốn của Công ty Phúc Gia Bảo, chúng tôi đã đến trụ sở Công ty này tại số 2 Mai Xuân Thưởng, TP Buôn Ma Thuột thì đây chỉ là một quán cà phê, mọi dấu vết về công ty này chỉ còn sót lại ở tấm biển nhỏ treo phía sau ghi Câu lạc bộ Nấm Linh Chi đỏ.

Hỏi chủ quán mới thì họ cho biết mới thuê lại quán này một tháng nay, còn chủ cũ thuê lại quán này từ trước là ai thì họ không biết. Việc Công ty Phúc Gia Bảo thuê quán cà phê làm nơi đăng ký kinh doanh, cùng với đó sau khi vụ việc vỡ lở bà giám đốc chi nhánh công ty này bỏ trốn đi đâu thì các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk không nắm rõ.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Bùi Trọng Tuấn - Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết sau khi nhận được đơn thư của người dân, Công an tỉnh đã nắm tình hình và chỉ đạo Cơ quan cảnh sát điều tra xác minh sự việc, cùng với đó đã chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố tổ chức nắm tình hình và tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác.

Tuy nhiên theo kết quả xác minh ban đầu của Công an tỉnh Đắk Lắk đến tháng 1/2016 trên địa bàn tỉnh có trên 205 hộ tham gia góp vốn gói 12,6 triệu đồng với số tiền trên 2,5 tỷ đồng. Cụ thể, tại TP Buôn Ma Thuột có 47 hộ, thị xã Buôn Hồ 19 hộ, huyện Cư M’gar 42 hộ, Krông Buk 25 hộ, Lắk 10 hộ, Krông Ana 8 hộ… phần lớn đây là các hộ đồng bào DTTS.

Từ thực tế ấy cho thấy, không thể vì bất cứ kỳ lý do gì cơ quan chức năng và chính quyền địa phương lại không quyết liệt vào cuộc. Không thể để người dân lao động nghèo, đặc biệt là bà con DTTS đã nghèo lại càng nghèo thêm và khó thoát bẫy đa cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghèo vì đa cấp-Bài 2: Vẫn khó thoát bẫy