Để chuẩn bị cho việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng 2018 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, ngày 27/3, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo tham vấn Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng.
Một trong những điểm mới của Dự thảo được Thanh tra Chính phủ công bố là quy định thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân sau khi nghỉ hưu.
Theo đó, Dự thảo chia các lĩnh vực thực hiện quy định này thành 4 nhóm tương ứng với 4 thời hạn khác nhau. Nhóm 1 gồm các lĩnh vực quản lý của 14 bộ và cơ quan ngang bộ: Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, Bộ Nông nghiệp -Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ. Theo dự thảo, thời hạn những người về hưu không được kinh doanh trong lĩnh vực này là từ 12-24 tháng.
Bên cạnh đó, nhóm 2 gồm các lĩnh vực quản lý của 6 bộ, cơ quan ngang bộ: Bộ Giáo dục -Đào tạo, Bộ Khoa học -Công nghệ, Bộ Văn hoá-Thể thao-Du lịch, Bộ Y tế, Bảo Hiểm xã hội Việt Nam và Ủy ban Dân tộc. Theo Dự thảo, thời hạn những người về hưu không được kinh doanh trong nhóm lĩnh vực này là từ 6-12 tháng. Nhóm 3 gồm các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của 3 bộ: Ngoại giao, Quốc phòng và Công an. Theo Dự thảo, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sẽ ban hành thời hạn không được kinh doanh đối với người thôi giữ chức vụ thuộc lĩnh vực đặc thù.
Còn nhóm 4, gồm chương trình, dự án, đề án, kế hoạch do người thôi giữ chức vụ khi đang là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt. Đối với nhóm này, thời hạn là thực hiện xong chương trình, dự án, đề án. Dự thảo nghị định cũng giao Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định cụ thể danh mục các lĩnh vực của từng nhóm cũng như quy định cụ thể về thời hạn không được kinh doanh đối với người quản lý đã về hưu trong khung nêu trên.
Đáng chú ý, điểm nhấn được ông Trần Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ nhắc đến trong Dự thảo Nghị định này chính là việc quy định vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi cụ thể hóa Khoản 4 Điều 25 của Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi 2018. Theo đó, vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi là cơ quan chuyên môn, giúp việc từ cấp huyện đến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Thời hạn chuyển đổi vị trí công tác, theo Dự thảo là từ đủ 2-5 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.
Ông Trần Ngọc Liêm - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, trong thời gian qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng. Để triển khai luật một cách đồng bộ, hiệu quả, bảo đảm tính khả thi, với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, Chính phủ đã giao cho Thanh tra Chính phủ xây dựng Nghị hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.
Theo đánh giá của ông Liêm, Nghị định có phạm vi điều chỉnh rộng, bao trùm nhiều nội dung mà trước đây đã được quy định tại nhiều nghị định và văn bản khác nhau như các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích; chuyển đổi vị trí công tác; tặng quà và nhận quà tặng. Bên cạnh đó, Nghị định cũng cần quy định chi tiết về việc áp dụng các biện pháp phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Đây có thể coi là nội dung mới và khó, lần đầu tiên Việt Nam quy định về vấn đề này do đó cần tiếp tục lắng nghe các ý kiến góp ý để tiếp thu qua đó đưa luật vào cuộc sống.