Sau Hoàng Xuân Vinh, thế giới một lần nữa lại phải thể hiện sự kính phục với Việt Nam khi có thêm nhà vô địch ở sân chơi lớn nhất hành tinh. Không chỉ giành HCV, mà còn phá kỷ lục Paralympic, phá kỷ lục thế giới, Lê Văn Công đã bước lên đỉnh vinh quang.
Thế nhưng, đằng sau thành công ấy, là cả một chặng đường đầy gian nan, thử thách, là cuộc vượt khó thần kỳ, chiến thắng số phận để ghi tên mình vào trang sử vàng thể thao người khuyết tật Việt Nam.
VĐV Lê Văn Công.
Vàng mười cho Văn Công
Tối 8/9 (giờ Việt Nam), VĐV Lê Văn Công bước vào thi đấu hạng 49 kg môn cử tạ tại Paralympic 2016. Đô cử quê Hà Tĩnh đã chinh phục mức tạ 183 kg, giành HCV, phá kỷ lục Thế vận hội thể thao người khuyết tật, đồng thời phá kỷ lục thế giới do chính anh nắm giữ. Đây là lần đầu tiên Quốc ca Việt Nam được xướng lên ở lễ trao huy chương tại một kỳ Paralympic.
Nhìn Văn Công xúc động nghẹn ngào ở bục trao giải trên chiếc xe lăn và đôi chân không lành lặn, người ta hiểu rằng anh chàng lực sĩ này đã phải cố gắng đến nhường nào mới có ngày hôm nay.
Từ Rio (Brazil), Trưởng đoàn Vũ Thế Phiệt xúc động: “Đây là tấm huy chương lịch sử của Việt Nam và cũng là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực, ý chí vươn lên của Lê Văn Công. Một người tàn tật làm các công việc bình thường đã khó, nhưng Văn Công còn mang vinh quang về cho tổ quốc thì rất đáng khâm phục”.
Bên cạnh một ý chí phi thường để chiến thắng số phận, thì Lê Văn Công đã phải khổ luyện để có một bảng thành vàng đáng mơ ước với bất cứ VĐV nào. Nói cách khác, tấm HCV Paralympic là thành quả của cả hành trình gian khó, nỗ lực bền bỉ, chứ không chỉ là phút xuất thần trong thi đấu thể thao.
Thành tích của Văn Công tăng liên tục, từ tầm khu vực vươn lên đẳng cấp thế giới. Năm 2013, anh giành HCV châu Á sau khi thành công ở mức tạ 175kg. Sau đó là 3 lần liên tiếp xô đổ kỷ lục thế giới tại ASEAN Para Games 2014(180 kg), Asian Para Games 2014 (181,5kg) và giải vô địch châu Á 2015 (182kg). Tấm HCV Paralympic tại Rio (Brazil) chính là thành tích cao nhất trong sự nghiệp thi đấu của đô cử đang thuộc biên chế thể thao TP.HCM.
Lập kỳ tích cho thể thao người khuyết tật nước nhà, nhưng Lê Văn Công vẫn khiêm tốn: “Tôi không kỳ vọng mình trở thành niềm cảm hứng cho người khuyết tật, nói thế nghe to tát quá. Tôi chỉ hy vọng tấm HCV này sẽ giúp những con người kém may mắn nhìn vào và có thêm động lực để phấn đấu”.
Hành trình lên đỉnh vinh quang
Sinh ra trong một gia đình nghèo của vùng quê gian khó Hà Tĩnh có tới 5 anh em trai, Công bị khuyết tật bẩm sinh từ lúc chào đời do mẹ anh bị sốt xuất huyết khi mang thai. Chuỗi ngày cơ cực, đầy mặc cảm của Công tưởng như kéo dài vô tận, phía sau lũy tre làng.
Ý thức được trách nhiệm bản thân, năm 19 tuổi, Công đã một mình vào TP HCM để học kỹ thuật điện tử tại một trường dạy nghề cho người khuyết tật. Lúc đó, Công luôn nghĩ trong đầu rằng, có yếu chân thì còn tay, làm được gì thì làm, không thể trở thành gánh nặng cho gia đình được.
Công vừa học vừa xin làm thêm ở các xưởng mộc gần trường để chi trả cho cuộc sống hàng ngày. Sau đó anh học thêm một khóa chỉnh sửa ảnh trên vi tính ở CLB khuyết tật trẻ và vừa nhận đánh máy các văn bản.
Như một cơ duyên trời định, Lê Văn Công đến với nghiệp thể thao và anh đam mê ngay với môn cử tạ - môn thi đấu rất phù hợp với tố chất của Công. Vừa làm thêm vừa tập tạ, Lê Văn Công tiến bộ rất nhanh và chỉ sau hơn 1 năm tham gia tập luyện anh đã giành giải thưởng đầu tiên: HCB hạng cân 48kg ở Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2005 tổ chức tại Hà Nội.
Nhờ nghị lực tuyệt vời của bản thân, lực sĩ Lê Văn Công không chỉ mở ra một con đường để mình theo đuổi, có niềm tin vào cuộc sống, mà còn tự giúp mình “đổi đời” và đem vinh quang về cho đất nước.
Bảng vàng thành tích này có lẽ còn dày hơn nếu anh không bị tai nạn xe máy, dẫn đến chấn thương khớp vai năm 2011 và phải nghỉ thi đấu ba năm. Tuy nhiên, bằng nghị lực phi thường, Công đã trở lại để trở thành nhà vô địch thế giới, và viết nên trang sử mới cho thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic 2016.
Trong giây phút Quốc kỳ Việt Nam được kéo lên tại Brazil, Văn Công đã cố kìm những giọt nước mắt tự hào và xúc động. Anh cũng không quên dành lời cảm ơn tới những người thầy, tới ngành thể thao và người hâm mộ nước nhà. Anh đặc biệt nhớ tới vợ và con.
“Vì đi thi đấu mà tôi không thể đưa cháu tới trường dự khai giảng năm học mới. Tôi đã hứa sẽ giành huy chương để mang về tặng con. Chính điều đó đã giúp tôi có thêm nhiều động lực để giành chiến thắng”, Văn Công nghẹn ngào.
Lê Văn Công hiểu rằng khó khăn vẫn còn nhiều sau kỳ tích vừa đạt được, nhưng ít ra từ lúc này cá nhân anh cũng như những VĐV khuyết tật Việt Nam sẽ có sự ghi nhận của cộng đồng xã hội. Anh và các đồng nghiệp dù có đạt hay không đạt thành tích cao đi chăng nữa vẫn luôn là tấm gương của sự vươn lên, chiến thắng số phận, tàn nhưng không phế.