Ở Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa), người dân hai nước Việt - Lào không chỉ sống với nhau bằng nghĩa xóm giềng mà còn bằng cả tình dòng tộc, anh em đã có tự ngàn đời. Trải qua năm tháng, sự đoàn kết, keo sơn gắn bó giữa hai dân tộc ngày càng được họ vun đắp, bồi tụ…
Điều này không chỉ góp phần quan trọng trong công cuộc giữ gìn an ninh chủ quyền mà còn góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân hai nước dọc tuyến đường biên.
Những điều giản dị
Tiết tháng Tư, QL217 dẫn ngược về huyện miền núi Quan Sơn như một sợi chỉ nhỏ nằm vắt qua những sườn núi chênh vênh. Sau những cơn mưa đầu hạ, núi rừng như bừng tỉnh. Thấp thoáng sau rừng vầu, những làn khói mỏng như tơ trời, phảng phất bay lên từ mái nhà sàn của đồng bào người Thái, Mường, thâm nâu dấu thời gian…
Mặt trời đứng bóng cũng là lúc ông Lò Văn Chấp, bản Na Mèo, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn xong phần công việc buổi sáng với hơn 2ha rừng keo, lát nằm ngay sát đường biên của gia đình.
Dựng cây dao phát to bản vào góc nhà, ông cười hồn hậu: “Các cháu vào nhà đi, chờ ta một phút thôi nhé”.
Nói rồi ông quảy quả bước ra sau nhà, nơi có chiếc bể nước đầy ăm ắp. 75 tuổi nhưng trông ông tráng kiện như một anh thợ sơn tràng tuổi trung niên, bắp tay và vồng ngực cuộn như rễ cổ thụ. Gần 40 năm gắn bó với đường biên, 7 năm làm trưởng bản, ông hóa người bản địa lúc nào không hay. Ông hiểu bà con dân bản, hiểu núi rừng như hiểu chính lòng mình. Chỉ cần nhìn vài dấu vết lạ trên nương trong buổi tinh mơ, ông đã biết, đêm qua con thú nào đã vào phá lúa, nghe tiếng chó sủa ngoài đầu bản đã biết người hiền hay người ác vừa đi qua bản.
Đặt chén nước chè xanh đã cạn phân nửa xuống bàn, ông bảo: Người dân hai bên đường biên ở đây sống với nhau bằng cái tình anh em, dòng tộc, gắn bó với nhau từ nghìn đời. Mọi phong tục, tập quán, tiếng nói là một, chỉ khác nhau về chữ viết. Thành ra, đường biên đôi khi chỉ là một thứ lằn ranh, định giới quốc gia, lãnh thổ còn trong lòng người, đây chỉ như một bờ dậu ngăn cách xóm giềng. Bên này nhà có chuyện vui hay buồn, chỉ cần nhắn nhủ vài câu, người ở bản bên kia tất bật sang gánh vác, sẻ chia.
“Ồ, ấm áp và chân thành lắm! Ở đây, tình đoàn kết càng được vun đắp keo sơn hơn khi tỉnh Thanh Hóa kết nghĩa với tỉnh Hủa Phăn, huyện Quan Sơn kết nghĩa với huyện Viêng Xay và bản Na Mèo cũng kết nghĩa anh em với bản Lơi, huyện Viêng Xay. Đều là anh em cả đấy", giọng ông Chấp trầm ấm.
Ở cửa khẩu Quốc tế Na Mèo có một phiên chợ được tổ chức vào mỗi thứ 7 hàng tuần. Chợ có từ bao giờ, không ai nhớ nhưng cứ vào sáng trước ngày chủ nhật, người dân sinh sống dọc 2 bên đường biên lại đem các sản vật do mình làm ra đến đây cùng nhau mua bán, trao đổi, giao lưu. Đây cũng là dịp để người trong dòng tộc thăm viếng lẫn nhau, uống với nhau vài chén rượu ngô đong đầy tình nghĩa. Cũng nhờ phiên chợ này mà kinh tế của người dân 2 bên đường biên được mở mang, lưu thông, góp một phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho cả đồng bào ta và người dân tại huyện Viêng Xay, nước bạn Lào.
Qua câu chuyện của mình, ông Lò Văn Chấp còn cho tôi hay: Để giúp đỡ người dân nước bạn, huyện Quan Sơn còn thành lập cả một phân viện (thuộc Bệnh viện Đa khoa Quan Sơn quản lý) tại Na Mèo để không chỉ phục vụ khám chữa bệnh cho đồng bào ta ở vùng biên viễn mà còn khám, chữa, điều trị miễn phí cho người dân bên kia tuyến biên giới, nếu bệnh nặng sẽ được chuyển tuyến trên để điều trị. Cùng với hoạt động hỗ trợ người dân nước bạn về y tế, các cán bộ cùng người dân tại Na Mèo còn sang tận nơi, truyền cho họ kinh nghiệm làm nông nghiệp, hỗ trợ kinh phí, xi măng, sắt thép làm hệ thống mương máng thủy lợi dẫn nước về các thửa ruộng bậc thang, giúp người dân Lào trồng lúa nước, góp phần ổn định lương thực cho người dân vùng biên.
“Năm 2016, cùng với lực lượng bộ đội Đồn Biên phòng Na Mèo, người dân trong bản đã kêu gọi, quyên góp được hơn 200 triệu đồng, mua vật liệu xây dựng đưa sang bản Đơi, huyện Viêng Xay xây tặng bạn một khu nhà văn hóa bản. Khỏi phải nói về niềm vui của những người anh em bên ấy khi được tặng một món quà đầy ý nghĩa như thế. Ngày cắt băng khánh thành, có nhiều người dân nước bạn đã không giấu được những giọt nước mắt xúc động. Đấy, chỉ những việc làm giản dị, nhỏ nhặt vậy thôi cũng góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết của 2 dân tộc Việt - Lào”, ông Chấp hào hứng nói.
Mối quan hệ bền chặt
Trong cái nắng xiên xiên đầu hạ, Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Na Mèo nằm im lìm bên triền đồi. Bắt chặt tay tôi như những bằng hữu lâu ngày gặp lại, Thượng tá Hồ Ngọc Thu, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Na Mèo cho biết: Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cả ta và nước bạn đều thống nhất đóng cửa tạm thời cửa khẩu để kiểm soát dịch bệnh nên khu vực cửa khẩu mới có cảnh vắng vẻ như vậy. Chứ thường ngày, hoạt động quá cảnh, buôn bán, giao thương của người dân ở đây rất nhộn nhịp.
Thượng tá Hồ Ngọc Thu cho tôi biết thêm: Thanh Hóa có tuyến biên giới dài 37 km, tiếp giáp với nước bạn Lào. Vì quan hệ mang tính đặc thù của người dân ở đây là thân hữu, dòng tộc nên rất thuận lợi cho việc tuyên truyền đến người dân, thắt chặt tình đoàn kết cũng như phối hợp với lực lượng chức năng nước bạn trong công tác tuần tra, kiểm soát, giữ gìn chủ quyền quốc gia. Có thể nói, đây là tuyến biên giới điển hình cho tinh thần đoàn kết, hữu hảo với nước bạn trên toàn quốc. Tình bang giao sâu đậm còn được khẳng định qua việc kết nghĩa giữa Đồn Biên phòng Na Mèo với Đồn Biên phòng 215 của nước bạn. Hai đồn thường xuyên tổ chức tuần tra song phương theo định kỳ.
“Năm 2019, khi cơn hồng thủy trút thịnh nộ vào bản Sa Ná, ngoài số nạn nhân bị lũ cướp đi, cột mốc 322 cũng bị lũ cuốn trôi. Ngay sau khi lũ rút, lực lượng Biên phòng nước bạn đã kịp thời có mặt, phối hợp với lực lượng Biên phòng Việt Nam lập biên bản và cắt cử người bảo vệ hiện trường, góp phần ổn định toàn tuyến biên giới”, Thượng tá Thu nhớ lại.
Nhờ mối quan hệ bền chặt, tốt đẹp này mà hàng năm chính quyền ta cũng như bạn đều kiểm soát rất tốt việc phòng, chống cháy rừng tại tuyến biên giới cũng như công tác quản lý xuất nhập cảnh trái phép. Chỉ tính riêng trong năm 2020, lực lượng Bộ đội Biên phòng hai bên đã phát hiện và xử lý kịp thời 20 trường hợp vượt biên trái phép. Cũng trong năm 2020, khi dịch Covid-19 diễn biến theo chiều hướng phức tạp, Đồn Biên phòng Na Mèo đã vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ hàng chục nghìn khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, tặng cho nước bạn trong nỗ lực phòng, chống dịch.
Theo Thượng tá Thu, kinh tế của người dân nước bạn tại khu vực đường biên giới tiếp giáp với Na Mèo còn gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là tự cung tự cấp. Chính vì thế nên công tác an sinh xã hội cũng không được đầu tư, quan tâm đúng mức. Nhiều em học sinh có học lực khá nhưng vì hoàn cảnh khó khăn đã phải nghỉ học, phụ gia đình làm kinh tế. Trước tình hình này, Đồn Biên phòng Na Mèo đã nhận hỗ trợ cho 2 cháu là Nàng Ơn tại bản Lơi và Thạo Sy, trú tại bản Lán, huyện Viêng Xay, mỗi tháng 500 nghìn đồng/cháu. Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ của Đồn còn trích tiền phụ cấp mua thêm quần áo, sách vở và xe đạp tặng Nàng Ơn và Thạo Sy, góp phần động viên các cháu đến trường.
Bên cạnh đó, Đồn tạo điều kiện cho người dân nước bạn sang giao thương, phát triển kinh tế, thắt chặt thêm tình đoàn kết vào các phiên chợ thứ 7 và các dịp lễ tết.
“Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức cử cán bộ, chiến sĩ sang hướng dẫn người dân nước bạn kỹ thuật chăn nuôi, làm nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa thay vì manh mún nhỏ lẻ, tự cung tự cấp như lâu nay. Đây cũng là việc làm hết sức tình nghĩa, góp phần giúp người dân sinh sống dọc đường biên thoát khỏi đói nghèo”, Thượng tá Thu chia sẻ.
Tôi rời Na Mèo khi bóng chiều đã loang dài trên mặt QL217. Thượng tá Hồ Ngọc Thu ân cần đưa tôi ra tận xe. “Các cán bộ chiến sĩ đang công tác tại Đồn Biên phòng Na Mèo luôn tâm nguyện, ngoài việc phải hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Chúng tôi còn mong muốn, góp một phần sức mình vào việc phát triển hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào mà các thế hệ cán bộ và nhân dân hai nước trước đó đã dày công vun đắp”, Thượng tá Thu nói.