Hơn 1 tháng xảy ra xung đột tại Ukraine cũng là chừng ấy thời gian Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp, các cơ quan đại diện Việt Nam ở Đông, Trung Âu và cộng đồng người Việt tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã dành tình cảm và nỗ lực không ngừng nghỉ để cứu trợ đồng bào thoát khỏi vùng bom đạn về nước an toàn hoặc tạm thời lánh nạn ở nước thứ ba. Vì nói như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc “Chúng ta “máu chảy ruột mềm”, khi kiều bào gặp hoạn nạn, không ai có thể yên lòng”.
1. Người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Ukraine có khoảng gần 7.000 người, tập trung tại một số thành phố lớn như Kiev (khoảng 800 người), Kharkov (khoảng 3.000 người), Odessa (khoảng 3.000 người) và một số thành phố khác như Kherson, Donetsk, Lvov…
Sau khi xung đột xảy ra, đến nay, hơn 1700 người có nguyện vọng hồi hương đã được Nhà nước đón về, đồng thời các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine cũng như các nước lân cận đã đón hơn 4.000 người Việt sơ tán khỏi vùng xung đột, tạm thời ổn định cuộc sống.
Những cuộc chạy loạn chìm trong giá rét. Hàng ngàn người Việt nước mắt lưng tròng, vứt bỏ lại tài sản để thoát khỏi vùng bom đạn. Trong đoàn người ấy có những đứa trẻ vừa mới lọt lòng, có những phụ nữ bụng mang dạ chửa. Nhiều gia đình phải chịu cảnh ly tán. Nhưng điều day dứt hơn là tất cả tài sản, của nả tích cóp bao năm đều phải bỏ lại.
Có những người đã lên xe ô tô mà ra đi không đành, lần lữa mãi sang ngày hôm sau mới rời đi. Có người phải gửi con theo chuyến bay cứu trợ của Nhà nước để quay trở lại bảo vệ tài sản. Mất mát. Chia ly. Nguy hiểm cận kề. Nhưng chưa khi nào hết hy vọng. Vì ở đâu có các cơ quan đại diện của Việt Nam, ở đâu có cộng đồng người Việt, ở đó sẽ có ân tình che chở.
Người Việt coi trọng và đề cao chữ “tình”. Tình là cội nguồn của đoàn kết, yêu thương, sẻ chia. Đạo đức ân nghĩa ấy được hun đúc, kiến tạo trở thành một phần bản sắc văn hoá của người Việt, dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, càng khó khăn hoạn nạn, bản sắc ấy càng trở nên mạnh mẽ.
Ngay từ rất sớm, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraine do Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 201/CĐ-TTg về việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý trước tình hình Ukraine.
Trong đó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho 10 Bộ và các địa phương, yêu cầu xây dựng phương án đảm bảo an ninh, an toàn, nhanh chóng đưa công dân rời khỏi các khu vực nguy hiểm, lánh nạn ở các nước láng giềng khi cần thiết và có phương án đưa những người có nhu cầu về Việt Nam theo đề nghị.
2. Tổ công tác đặc biệt đã vào cuộc bằng nỗ lực và trách nhiệm cao nhất. Nhờ đó, mọi việc diễn ra thuận lợi, theo đúng kế hoạch, giảm đi rất nhiều sự nguy hiểm cũng như nỗi vất vả của đồng bào, như mong mỏi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Không để người dân nào bị chết, bị thương hay bị đói, rét khi sơ tán”, và cũng bởi “chúng ta máu chảy ruột mềm, khi kiều bào gặp hoạn nạn, không ai có thể yên lòng”.
“Hình ảnh bà con ở Hungary, Romania, Ba Lan… trong giá rét đứng chờ ở biên giới đón, hỗ trợ bà con từ Ukraine sang là những hình ảnh rất cảm động. Chúng ta “máu chảy ruột mềm”, kiều bào gặp nạn, không ai có thể yên lòng. Tinh thần trách nhiệm, tinh thần nhân đạo, tận tình cứu trợ cho đồng bào là vấn đề rất cấp thiết hiện nay, không chỉ đảm bảo tính mạng, mà còn cố gắng chăm lo cho đồng bào không phải trong cảnh đói rét” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Trên tinh thần này, mỗi cơ quan, tổ chức, và các hội, đoàn đã có những phương thức hành động khác nhau, nhưng đều hướng đến một mục tiêu cuối cùng là giúp đỡ đồng bào đang gặp hoạn nạn bằng tất cả những ân tình cao đẹp.
Thực tế, mỗi khi xảy ra khủng hoảng, xung đột ở bất kỳ khu vực nào, đe dọa an toàn, tính mạng của đồng bào, Nhà nước ta đều thực hiện việc sơ tán, di tản đồng bào khỏi vùng nguy hiểm.
Như “Máu chảy ruột mềm”- thể hiện rõ trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng đối với công dân của mình.
Còn nhớ những đợt cứu hộ lớn đã từng được triển khai, đưa hàng nghìn lao động Việt Nam về nước an toàn bằng đường hàng không vào những năm 1991, 2011 khi chiến sự xảy ra ở Iraq và Lybia.
Hay như mới đây, trong cơn bão của đại dịch Covid-19 Nhà nước cũng đã tổ chức gần 600 chuyến bay đưa hơn 120.000 đồng bào ta ở nước ngoài trở về.
Cơn bão Covid-19 chưa qua thì lại xảy ra xung đột Nga và Ukraine. Liên miên những chuyến bay giải cứu. Tổ quốc chưa khi nào bỏ rơi đồng bào mình.
Điều khác biệt so với các cuộc giải cứu trước đây là vai trò nổi bật của các Hội đoàn người Việt tại chính Ukraine và các nước láng giềng.
Với sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và các Đại sứ quán, Hội người Việt Nam tại Ukraine cùng các chi hội đã thu xếp và tổ chức cho bà con có nhu cầu lánh nạn sớm ra khỏi vùng xung đột để sang các nước lân cận, đồng thời tổ chức và phân công lực lượng ở lại, bảo vệ nhà cửa, tài sản cho bà con.
Trong khi đó, Hội người Việt Nam tại các nước láng giềng cùng các chi hội địa phương đã lên phương án tổ chức đón bà con từ Ukraine sang.
Những đoàn người dầm mình trong giá rét ở biên giới Ukraine để đón đồng bào mình, rồi bố trí ăn ở tại các trung tâm thương mại, chùa chiền của cộng đồng và ngay trong chính các gia đình…
Các cơ quan đại diện ngoại giao đã không quản ngày đêm cấp các loại giấy tờ cần thiết cho công dân, làm việc và chuẩn bị các thủ tục cần thiết với chính quyền các nước sở tại, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con di chuyển giữa các nước…
Cuộc sống luôn đặt ra những khó khăn, thử thách. Nhưng khó khăn, thử thách lại là điều kiện để rọi chiếu mỗi con người, mỗi dân tộc. Với dân tộc Việt Nam, “càng những lúc như thế này, càng phải thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
3. Kiều bào là một bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Sinh thời Bác Hồ luôn dành cho kiều bào sự quan tâm đặc biệt, bởi đó là một phần “máu thịt của quê hương” đang sống xa đất nước, bởi đó là đồng bào “con Lạc cháu Hồng”.
Có lẽ không một quốc gia nào trên thế giới có sự tích “đồng bào” như ở Việt Nam. “Đồng bào” nghĩa là cùng chung một bọc, chung một nòi giống Tiên Rồng, chung một mái nhà dân tộc, chung một nghĩa tình anh em.
Như trong Thư chúc tết kiều bào đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ “Tổ quốc luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà”.
Suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, tình nghĩa đồng bào như một dòng máu đỏ, lặng lẽ ẩn chứa trong mỗi người, từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành sức sống mãnh liệt, mang vẻ đẹp trường tồn.
Chính vì thế mỗi khi đồng bào gặp nạn, máu chảy lòng đau, ruột mềm quặn thắt, tình nghĩa anh em, tình nghĩa một nhà sẽ dấy lên mạnh mẽ, đoàn kết mà bền chặt đến vô cùng.
(Còn nữa)
“Khi đến được đất Hungary, sữa và bột của con gái tôi cũng hết, quần áo của cả gia đình thiếu thốn. Bản thân tôi kiệt sức. Nhưng được mọi người giúp đỡ nên đến giờ mọi việc đã tạm ổn. Trong lúc này, tôi mới cảm nhận rõ nghĩa đồng bào. Những anh, chị người Việt ở Hungary trước đây nào tôi có biết. Nhưng mọi người rất tận tình giúp đỡ. Tôi thực sự xúc động và biết ơn nghĩa cử này”, chị Phan Thị Thanh, từ Ukraine sang lánh nạn ở Hungary chia sẻ.
“Bà con đã đi một chặng đường rất dài trong nỗi sợ hãi, lo âu, mệt mỏi nên cần hỗ trợ kịp thời. Một số anh chị em nhường hẳn nhà cho bà con ở. Nhiều chị em bỏ công, bỏ việc để dọn dẹp nấu cơm, để bà con có bát cơm, bát canh nóng ấm dạ ngay khi vừa đặt chân đến nơi. Có hôm chúng tôi đón ba đoàn sang một lúc. Phải nói công việc căng như dây đàn. Lo lắng lắm, nhưng khi sắp xếp để mọi người ai cũng có chỗ ở, ai cũng được ăn uống đầy đủ chúng tôi thấy ấm lòng” - bà Phan Bích Thiện - Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary chia sẻ.
“Không có bố mẹ đi kèm, nhưng trong hành trình về nước các cháu được chăm sóc chu đáo, về đến sân bay được phát sim điện thoại để liên lạc với người nhà. Đó là những ân tình mà tôi không thể nào quên. Trong cơn hoạn nạn của gia đình tôi và rất nhiều người khác, Tổ quốc đã không bỏ rơi đồng bào mình”- chị Trương Thúy Hạnh, phường Minh Xuân, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ.