Lớp của Thượng úy Phục là một gian nhà nhỏ, cách xóm chài, nằm cheo leo dưới những vách đá dốc đứng. Bí quyết của thầy Phục để buổi học trôi chảy là sắp xếp thời gian hợp lý và bố trí môn học của 3 lớp không trùng nhau để học trò đỡ bị nhầm.
Nằm cách cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau 17 hải lý (hơn 31 km) về phía Tây, đảo Hòn Chuối có diện tích khoảng 1,4km2. Trên đảo có 41 hộ/144 nhân khẩu, trong đó, có 12 hộ người dân tộc Khmer.
Mặc dù cuộc sống của người dân trên đảo còn rất nhiều khó khăn, sinh sống chủ yếu bằng nghề giăng câu, chài lưới... nhưng con, em các gia đình nơi đây vẫn được đến lớp đều đặn từ nhiều năm nay. Bởi, trên đảo vẫn có một lớp học- “Lớp học tình thương” do người lính Biên phòng phụ trách.
Thầy Phục cùng học trò của lớp học đặc biệt.
Bài 1: Lớp học đặc biệt nơi đầu sóng
Chuyện của thầy Phục
Lớp của thầy Phục là một gian nhà nhỏ, cách xóm chài, nằm cheo leo dưới những vách đá dốc đứng. Thầy Trần Bình Phục là Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp của Đồn Biên phòng Hòn Chuối. Sáng sớm nào thầy cũng đứng chờ các em ở chân núi, gom đủ học trò mới đưa lên lớp học. Tan học, thầy lại dẫn các em xuống tận chân núi, vì sợ đám học trò nhỏ mải chơi gặp nguy hiểm.
Lớp học của thầy thoạt trông cũng giống như bao nhiêu lớp học khác, cũng bảng đen phấn trắng, học sinh mặc đồng phục ngồi ngay ngắn. Gọi là lớp học nhưng thực ra chỉ là một căn phòng dựng tạm, diện tích gần 50m2, bàn ghế do cán bộ, chiến sĩ Đồn Hòn Chuối tận dụng gỗ cũ đóng lại. Chia sẻ với những khó khăn của các em học sinh nơi đây, từ tháng 5/2014, Trường Tiểu học Sông Đốc đã gửi tặng lớp học 10 bộ bàn ghế mới để thay thế.
Lớp học chỉ có một thầy nhưng lại có nhiều học sinh ở các lứa tuổi, được sắp xếp ngồi học theo các hướng khác nhau.
Thầy Phục vui vẻ cho biết: “Ai đến đây cũng đều ngạc nhiên vì trong một lớp mà có nhiều em ở độ tuổi khác nhau cùng học. Sở dĩ như vậy là do con em của người dân sống trên đảo ít, lại không cùng độ tuổi; lớp học cũng chỉ có duy nhất một phòng học, nên việc dạy dỗ các em ở đây không thể phân riêng theo độ tuổi, cấp học, mà phải tập trung thành một lớp. Lớp học do tôi trực tiếp phụ trách, giảng dạy. Để các em tiếp thu bài học được tốt nhất, tôi đã phân chia mỗi độ tuổi (lớp học) ngồi theo các khu vực khác nhau”.
Theo thầy Phục, năm nay lớp học có 21 em, trong đó có 2 em bị khuyết tật, được dạy theo 6 chương trình học khác nhau (từ lớp 1 đến lớp 6), tùy thuộc vào độ tuổi, trong đó lớp 1 có 4 học sinh, lớp 2 có 4 học sinh, lớp 3 có 7 học sinh, lớp 4 có 2 học sinh. Riêng lớp 5 và lớp 6, mỗi lớp chỉ có 1 học sinh.
Bí quyết của thầy Phục để buổi học trôi chảy là sắp xếp thời gian hợp lý và bố trí môn học của 3 lớp không trùng nhau để học trò đỡ bị nhầm. Chẳng hạn lớp 1 học Toán thì lớp 2 học tiếng Việt, lớp 3 học Lịch sử; khi lớp 2 nghe giảng thì lớp 1, lớp 3 làm bài tập và ngược lại. Quen dạy và học kiểu này, cả thầy và trò đều có kỹ năng lớp ghép nên các buổi học diễn ra rất suôn sẻ và hiệu quả không mấy khác những lớp học bình thường.
Những bài học đầu tiên của con trẻ trên đảo được học không phải là tập đọc, tập viết mà là những bài học làm người. Ròng rã một năm trời, anh huấn luyện học sinh như tân binh mới nhập ngũ, từ cách chào hỏi, ăn nói lễ phép, không được chửi thề, tới cách cầm bút, đưa những nét chữ đầu tiên.
Anh quan niệm quan trọng nhất là giáo dục về nhân cách cho học sinh và phương pháp hiệu quả nhất là nắm được tâm tư, nguyện vọng của trẻ để thuyết phục, định hướng, dạy bảo dần dần.
Với sự kiên trì và lòng nhiệt thành, tâm huyết của thầy Phục, lớp học dần đi vào nề nếp. Học trò của anh không những đọc thông viết thạo, tiếp thu bài học tốt mà còn ngoan ngoãn, tự tin hơn trước rất nhiều.
Cuộc sống hàng ngày của người dân trên đảo.
Vượt khó đến với con chữ
Thượng úy Trần Bình Phục, tâm sự: “Ngày đầu mới ra đây, xuống dưới nhà người dân chơi, tôi rất sốc vì câu nói đầu môi của các em là từ chửi thề. Tôi kêu từng em một hỏi, không em nào biết chữ. Tôi liền về đề nghị với Chính trị viên rằng, trước tôi từng tham gia giảng dạy cho trẻ mồ côi, khuyết tật, giờ cho tôi đi dạy ở đây xem sao. Tôi xin một tháng dạy thử thôi, nếu được thì tiếp tục. Và lớp học duy trì đến giờ là hơn 6 năm rồi”.
Thực ra, lớp học đầu tiên của các thầy giáo quân hàm xanh mở trên đảo Hòn Chuối từ năm 1995. Nhưng trong suốt một thời gian dài, lớp học không được duy trì đều đặn, có những thời gian ngắt quãng tới 2 - 3 năm vì các thầy đang dạy thì nhận nhiệm vụ, luân chuyển đi nơi khác, mà không phải ai cũng có khả năng sư phạm để đứng lớp nên lớp lại phải chờ tới khi có người thay. Cho đến nay, lớp học của thầy Phục là đều đặn và liên tục nhất, học trò lớn nhất lớp đã học lớp 5, dù cả thầy và trò đều gặp vô vàn những khó khăn “chẳng giống ai”.
Nhớ lại những ngày đầu đi vận động học sinh đến lớp, Thượng úy, thầy giáo Trần Bình Phục tâm sự, người dân trên đảo nghèo lắm, xa đất liền nên nhận thức của một số bà con có phần hạn chế. Nhiều phụ huynh cho con đi học là tiếc mất một công lao động của gia đình.
Thế nên, để bà con thay đổi nhận thức quả là điều không dễ. Anh em trong đơn vị họp bàn với nhau và đi đến thống nhất, không còn cách nào khác phải chia nhau ra, mỗi người phụ trách vài nhà, trực tiếp đến từng nhà để làm công tác tư tưởng, vận động bà con tạo điều kiện cho con tới lớp.
Ông Lê Tứ Phương- Tổ trưởng tổ tự quản trên đảo Hòn Chuối, cho hay: Ở đảo, cư dân thiếu thốn đủ bề, đặc biệt là nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt. Mấy năm gần đây, điều kiện tàu thuyền ra vào đảo thường xuyên nên cuộc sống của cư dân được cải thiện hơn.
Trên đảo có đồn Biên phòng, có trạm rađa, có trạm Hải quân nên bà con có công việc gì đều nhờ cậy anh em bộ đội. Ốm đau bệnh tật, thiếu ký gạo, lít nước... đều chạy lên các đơn vị nhờ giúp đỡ.
Việc học hành của con em trên đảo giao hết cho các chú Bộ đội Biên phòng. Ông Phương xúc động nói: “Cũng nhờ có những người lính quân hàm xanh mà con em chúng tôi biết chữ, biết lễ nghĩa, biết lịch sử quê hương, đất nước.
Gia đình tôi có 4 cháu đang học tại lớp học tình thương của các chú Biên phòng. Biết là thiệt thòi nhiều so với đất liền, nhưng chúng tôi luôn an tâm bám trụ trên đảo này để làm ăn, phát triển kinh tế và sát cánh cùng các lực lượng bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc”.
Hơn 6 năm qua, Thượng úy Trần Bình Phục đã gắn bó với những học trò của mình như thế. Khi được hỏi sẽ dạy học tới khi nào, anh cười bảo chắc chắn dạy tới khi mình rời đảo, giờ đây một ngày không lên lớp là thấy nhớ học trò.
Ngày 26/10/1975, Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập Vùng 5 duyên hải (nay là Vùng 5 Hải quân). Kể từ đó đến nay, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ gìn vững chắc vùng biển phía Nam thân thương của Tổ quốc. Đại tá Đậu Khải Hoàn- Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cho biết, là lực lượng nòng cốt quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tây Nam, cán bộ, chiến sỹ Vùng 5 Hải quân hiểu sâu sắc giá trị thiêng liêng của mỗi tấc đảo, sải biển của Tổ quốc. Đó là xương máu, là ý chí, khát vọng từ ngàn đời của tổ tiên ta, thấm đẫm bao mồ hôi, công sức của các thế hệ người Việt. Chúng tôi luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, sẵn sàng chấp nhận hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc. Đó cũng là tâm sự của Chuẩn Đô đốc Doãn Văn Sở- Tư lệnh Vùng 5 Hải quân: sẵn sàng nhận nhiệm vụ, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc. |
(Còn nữa)