Số kịch bản sân khấu ra đời hàng năm là không ít, thế nhưng các đơn vị nghệ thuật biểu diễn lại luôn trong tình trạng “khát” kịch bản hay. Vấn đề này được cho là do nhà biên kịch chưa có kịch bản đủ sức thuyết phục và người thẩm định kịch bản chưa đủ tinh, chưa có “con mắt xanh” để nhìn thấu cái hay của các kịch bản.
Thừa mà thiếu
Bấy lâu nay, người làm sân khấu vẫn duy trì được sự cộng tác giữa các tác giả và các đơn vị. Nhưng mối quan hệ này hầu như chỉ mang tính cá nhân mà chưa được xây dựng một cách khăng khít, rộng rãi. Cung vẫn chưa gặp cầu khiến các kịch bản sân khấu rơi vào tình trạng “nằm trong ngăn kéo”, trong khi các lãnh đạo đơn vị vẫn rất khát khao tiếp cận được những kịch bản hay, giàu ý tưởng mới mẻ, hấp dẫn, có đủ tố chất trở thành vở diễn thu hút công chúng.
Hầu hết lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đều có chung nhận định, số lượng kịch bản do các tác giả gửi đến nhiều nhưng thật khó khăn để lựa chọn kịch bản hay. Hiện tại, hầu như các đơn vị đều huy động anh chị em nghệ sĩ tìm tòi để có thể đưa về những kịch bản phù hợp với phong cách, yêu cầu của đơn vị mình. Nhưng “văn mình vợ người”, rất khó khăn để lựa chọn vì kịch bản vốn là một thể loại khó nhất của văn học, đội ngũ các nhà viết kịch dường như ngày càng mỏng hơn, người viết có uy tín, có sức nặng khiến người thẩm định có được cảm giác yên tâm, dễ thuyết phục tập thể… ngày càng ít đi. Chưa kể, người thẩm định thì có cảm nhận riêng, người thích, người không thích tuỳ thuộc vào cá nhân. Do đó kịch bản hấp dẫn hay không tuỳ vào từng suy nghĩ, có cảm nhận thấy hấp dẫn thì người ta mới dàn dựng được. Nhiều kịch bản đã qua được khâu này, khâu kia, song khi đến tay đạo diễn được mời thì lại nhận được cái “lắc đầu”. Ít đơn vị dám mạo hiểm khi nhận kịch bản chưa được sự ủng hộ của số đông bởi đó là công sức của cả một tập thể...
Không những vậy có một thực tế hiện nay, nhiều tác giả viết kịch bản đạt giải cao ở các cuộc thi nhưng để dàn dựng thành vở diễn lại là một hành trình đầy gian nan. Bởi trình độ của người thẩm định, của đội ngũ nghệ sĩ, “mắt xanh” đánh giá tác phẩm kịch bản văn học cũng là một yếu tố không nhỏ quyết định dựng hay không. Phần chủ quan có thể lý giải là người viết dù chuyên nghiệp nhưng lại thiếu tính thực tế, thiếu sự tâm huyết, sống chết với nghề, còn những tác giả nghiệp dư lại thiếu kỹ năng cần thiết để hoàn thành tác phẩm.
Nhà viết kịch Bùi Vũ Minh cho rằng, các tác giả kịch bản ít cảm xúc quá trong khi viết kịch bản là một thể loại văn học khó. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” do người viết kịch bản không chịu khó bồi bổ kiến thức, không tiếp xúc với hiện thực đời sống. Đôi khi viết kịch bản như một sự sắp xếp, ví dụ như cảnh 1 có ngần này thứ, cảnh 2 có những việc này, cảnh 3 nhân vật ra như thế nào… Câu chuyện có phần duy lý còn tình cảm, tài năng văn chương nhiều khi không còn. Đó là chưa kể, có khi có những nét sáng tạo độc đáo nào đó khi vào bàn tay của đạo diễn lại bị hiểu khác đi, thậm chí diễn viên thoại cũng không hiểu hết nghĩa của câu. Thành ra cuối cùng vở diễn hỏng.
Tìm tiếng nói chung
Mới đây Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hà Nội đã có động thái khá tích cực khi tổ chức gặp gỡ giữa các tác giả và lãnh đạo đơn vị nghệ thuật để “chào hàng” bằng những ý tưởng, những tóm tắt kịch bản. Trong số hơn chục bản đề cương, tóm tắt đó, có thể thấy những cố gắng nắm bắt vấn đề của xã hội đương thời, những cơn sóng dập dồn của đời sống đã phả vào tác phẩm. Tuy nhiên, để thực sự thuyết phục vì sự mới mẻ, gây sửng sốt thì vẫn chưa có. Không có nghĩa là không có sự loé sáng song chưa nhiều và chưa thực sự thuyết phục.
Gần đây một số nhà văn đã viết cho sân khấu nhưng nhìn rộng ra đội ngũ biên kịch sân khấu, nhất là cho kịch bản nhà hát đang là vấn đề hết sức nóng bỏng khi lực lượng tác giả mới quá ít và quá mỏng. Các lớp đào tạo ngắn hạn như của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) hiện nay đáng hoan nghênh khi phần nào đó giúp đội ngũ các bạn trẻ có được kiến thức về sân khấu. Nhưng chúng ta thiếu một chiến lược phát triển, đào tạo một nguồn nhân lực. Người sáng tạo phải tự đào tạo cho chính mình trong khi đó tài liệu của chúng ta còn rất thiếu để cung cấp cho họ do chưa có một chiến lược. Rồi vấn đề về đội ngũ người thầy, cơ chế tổ chức đào tạo chưa dựa vào đặc tính của người sáng tạo…
Một trong những yếu tố là xuất phát điểm, nền tảng cho kịch bản hay đó là phải trên cơ sở một nền văn học phát triển tốt, ổn định với đội ngũ người viết đông đảo. Có nhiều quy luật đặc thù của văn học nghệ thuật như không phải cứ tác phẩm viết sau sẽ hay hơn tác phẩm trước, cứ là nhà văn lão làng thì sẽ có tác phẩm chất lượng hơn… Tuy nhiên cũng có quy luật chung của các ngành nghề khác được áp dụng chung cho văn học nghệ thuật đó là “quy luật chọn lọc”.
Với nền văn học còn nhiều vấn đề cần được giải quyết như hiện nay thì việc thiếu vắng kịch bản hay vẫn là bài toán chưa có lời giải. Và như vậy, câu chuyện về kết nối với người sáng tạo sân khấu thì các nhà biên kịch vẫn phải là người chủ động đưa ra tác phẩm xứng đáng, đủ sức thuyết phục.