Việc đại biểu Quốc hội đề xuất chuyển nhà tái định cư bỏ hoang thành nhà ở xã hội nhận được nhiều hưởng ứng. Đặc biệt trong bối cảnh giá đất, giá nhà liên tục leo thang và diễn biến phức tạp; cũng như Đề án của Chính phủ xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động triển khai rất chậm.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định), hiện đang là Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, khi đi qua đường Hoàng Mai (Hà Nội) ông thấy nhiều căn hộ chung cư từng dùng làm bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 giờ bị bỏ không. Khu vực cầu Chương Dương sang Gia Lâm cũng có hàng loạt chung cư, căn hộ tái định cư bỏ hoang.
Ông Hiếu dẫn ra con số: Hà Nội có hơn 14.200 căn chung cư chưa sử dụng. Còn TPHCM là 14.000 căn tái định cư bỏ không. "Chúng ta phải có giải pháp đồng bộ, có thể thực hiện đấu giá hoặc chuyển mục đích sử dụng sang nhà ở xã hội hoặc cho thuê" - ông Hiếu nêu quan điểm.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, nhà tái định cư cũng là tài sản của nhà nước nên các quy định, thủ tục phải thực hiện theo luật. Hiện nay, cơ quan quản lý đang tính toán cơ chế để đề xuất chuyển đổi sang nhà ở xã hội.
Quả là nghịch lý khi người dân rất “khát” nhà ở thì lại có hàng chục nghìn căn hộ xây ra rồi bỏ không, xuống cấp, trong khi vẫn phải bỏ ra những khoản tiền lớn để bảo trì.
Vừa qua, trong Tháng Công nhân, khi đối thoại với lãnh đạo địa phương, phần lớn nhiều ý kiến tập trung vào vấn đề nhà ở. Tại một chương trình gặp gỡ với Chủ tịch UBND TPHCM, công nhân cho biết rất khó khăn khi tiếp cận nhà ở xã hội bởi nguồn cung khan hiếm. Họ nói "chỉ thấy nhà ở xã hội trên tivi, không biết dự án ở đâu, mua thế nào, vay vốn ra sao".
Với Hà Nội, thống kê của cơ quan chức năng, thành phố hiện có gần 18.000 căn hộ tái định cư, trong đó có hàng nghìn căn hộ đang bị bỏ trống. Nhiều khu chung cư tái định cư có người dân về ở hàng chục năm nay, nhưng vẫn không được “lấp đầy”, hàng loạt ki-ốt, cửa hàng tầng một cũng cửa đóng then cài, nhếch nhác không có người thuê…
Rõ nhất là khu đô thị Đồng Tầu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai), nơi có 10 toà chung cư tái định cư, gần 1.000 căn hộ, được đưa vào sử dụng từ năm 2007. Nhưng đến nay nhiều căn vẫn bỏ trống. Sở dĩ như vậy, theo người dân, là do chất lượng nhà không đảm bảo. Nhiều người đến xem để nhận nhà tái định cư đã phải “lắc đầu, tháo chạy”.
Tổ trưởng Tổ dân phố 22 (phường Thịnh Liệt) cho biết, thực trạng xuống cấp, hư hỏng kéo dài đã khiến cư dân tại khu tái định cư Đồng Tầu luôn trong tình trạng lo lắng, bất an.
Không phải người dân “chê” nhà tái định cư, mà rõ ràng là do chất lượng công trình, mặc dù chủ trương là nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ khi Nhà nước thu hồi đất.
Cũng không riêng gì thành phố lớn, tại nhiều địa phương khác cũng xảy ra tình trạng tương tự. Trong đó có khu tái định cư ở xã Chư Kêy (Kông Chro, Gia Lai). Năm 2018, UBND huyện Kông Chro triển khai Dự án ổn định dân di cư tự do tại làng Lơ Bơ với 43 hộ. Tuy nhiên, đã qua gần 6 năm, bà con nơi đây vẫn không mấy mặn mà với chỗ ở mới, họ bỏ lại nhà cửa để vào nương rẫy sinh sống. Các căn nhà ở khu tái định cư cũng vì thế mà dần hoang tàn, đìu hiu, cỏ dại mọc um tùm.
Tất nhiên việc người dân không sống ở nơi tái định cư có nhiều nguyên nhân, nhưng điều đó vẫn cho thấy nghịch lý về nhà ở. Không thể xây nhà rồi bỏ hoang, lãng phí rất lớn. Vì thế, việc nhiều ý kiến cho rằng cần chuyển đổi nhà tái định cư bỏ hoang sang nhà ở xã hội phải được xem là cần thiết, làm càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, về bản chất đây là 2 loại hình nhà ở có sự khác biệt, do đó việc đảm bảo tiêu chuẩn khi chuyển đổi cũng là vấn đề cần quan tâm.
Mà muốn thế thì chính quyền địa phương, người đứng đầu chính quyền địa phương không nên “ngại khó, ngại khổ, sợ sai”, cần nhận trách nhiệm đó về mình, để tránh lãng phí cho ngân sách mà lại giúp được cho nhiều hộ dân có nhà ở.
Thực hiện theo luật thì đúng rồi. Nhưng mấu chốt vẫn là trách nhiệm lo cho dân. Từ xuất phát đó sẽ tìm ra biện pháp, khó mấy thì cũng sẽ hóa giải được để không còn cảnh những khu nhà hàng trăm căn hộ Nhà nước bỏ tiền ra xây, nhưng lại hoang hóa, mặc cỏ mọc còn người dân lại thiếu chỗ ở.