Liên hệ với Tiến sĩ Lê Thái Hà - Giám đốc điều hành của Giải thưởng VinFuture, Quỹ VinFuture vào những ngày cuối năm bận rộn thực sự ái ngại. Đồng nghiệp của chị chia sẻ, có những ngày người phụ nữ nhỏ bé này chỉ ngủ 3-4 giờ để kịp hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ. Dành thời gian hiếm hoi, TS Lê Thái Hà đã có những chia sẻ về công việc và cuộc sống của một nhà khoa học nữ với những trải nghiệm mới mỗi ngày.
Làm khoa học không phải để nổi tiếng
PV: Nhìn lại một năm 2022 với dấu mốc “bỗng dưng nổi tiếng” chị có cảm xúc thế nào? Tôi muốn nhắc đến việc chị trở thành nhà khoa học nữ duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất năm 2022 được Nhà xuất bản Elsevier công bố.
TS LÊ THÁI HÀ: Công việc của người làm nghiên cứu rất bận rộn và cần sự tập trung cao vào rất nhiều tài liệu, công cụ nghiên cứu ở một căn phòng hay đôi khi chỉ là một góc bàn làm việc. Vì vậy, thường họ cũng không mưu cầu sự nổi tiếng hay chú ý từ truyền thông đâu. Đôi khi điều đó lại xa lạ với “thế giới quen thuộc” của họ và khiến họ ngần ngại khi tiếp xúc, chia sẻ.
Tuy nhiên khi nhận được sự quan tâm và trân trọng, tôi nghĩ hẳn đó cũng là một niềm vui với bất kỳ ai. Tôi cũng vui vì những nỗ lực của bản thân trong việc nghiên cứu khoa học được ghi nhận. Cảm xúc của năm ngoái thì đặc biệt hơn một chút vì đó là lần đầu tiên tôi lọt vào danh sách này, nên cũng có bất ngờ. Bởi vì trong giới khoa học, các nghiên cứu thuộc ngành kinh tế thường được cho là không có mức độ ảnh hưởng hay tác động lớn như các nghiên cứu của các ngành có tính ứng dụng cao như y-sinh hay công nghệ - thông tin.
Giờ khi nhìn lại và thấy đã có kha khá số bài nghiên cứu được công bố, tôi cũng thấy vui. Tôi và các đồng tác giả nghiên cứu hay nói đùa với nhau là: Tiền bạc có thể sinh ra hay mất đi, nhưng bài báo khoa học thì luôn còn mãi.
Quan trọng hơn, tôi vui khi thấy được sự quan tâm của công chúng dành cho giới khoa học - những người vốn được coi là ở một thế giới “rất khác” - đôi khi là xa lạ với số đông. Tôi cũng vui khi nhận được tin nhắn từ một số bạn trẻ chia sẻ là khi đọc những câu chuyện nghiên cứu của tôi, họ có thêm cảm hứng để theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Điều này khiến tôi cảm thấy việc mình làm có ý nghĩa hơn.
Được biết chị cũng đã từng có nhiều trải nghiệm công việc “đến trong giấc ngủ cũng nghĩ” hay mất ăn mất ngủ vì những công trình nghiên cứu. Phải chăng chính tinh thần dám dấn thân, dám bước ra khỏi vùng an toàn đã giúp chị có được kỳ tích hôm nay?
-Tôi tin là những trải nghiệm “đến trong giấc ngủ cũng nghĩ” không có gì xa lạ với những người có đam mê lớn với công việc mà họ theo đuổi. Công việc nghiên cứu đặc biệt hơn vì nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, tập trung, bền bỉ. Người làm nghiên cứu phải thường xuyên đối mặt với thất bại và phải mất nhiều thời gian, công sức, làm việc trong thầm lặng thì mới có thể may mắn đạt được một kết quả tạm gọi là thành công, tích cực như một bài báo hay một công trình được ghi nhận.
“Hôm nay nhận được thêm lá thư chấp nhận lại thấy vui ngay, lại thấy nắng trong lòng, và đã tìm ra câu trả lời cho bản thân: làm nghiên cứu nhiều để thỉnh thoảng có bài được chấp nhận, lại lấy làm động lực cho mình theo đuổi tiếp những nghiên cứu khác” - TS Lê Thái Hà chia sẻ trên mạng xã hội.
Tôi sinh ra trong gia đình quân đội nên được rèn giũa sự tự lập, kỷ luật từ nhỏ. Tôi cũng học trường chuyên, lớp chọn từ bé nên cũng được “tôi luyện” trong môi trường chịu áp lực tốt. Ngoài ra, tôi có sở thích đọc, nghiên cứu, tìm hiểu các kiến thức mới mà tôi thấy thú vị để mở rộng sự hiểu biết của bản thân.
Tôi chưa dám nói là mình luôn sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn đâu vì trong các quyết định, lựa chọn quan trọng của mình, tôi luôn cân nhắc nhiều yếu tố, đặc biệt là gia đình – là thứ mà tôi không bao giờ muốn đánh đổi. Nhưng đúng là tôi luôn muốn thử sức, khám phá giới hạn của bản thân. Tôi may mắn có được sự ủng hộ của gia đình và tự thấy rằng mình vẫn có thể cho phép bản thân “dấn thân” một chút. Tôi tin đó là những trải nghiệm thú vị, khó quên để mai sau nhìn lại, tôi không thấy tiếc vì mình đã bỏ lỡ những cơ hội như thế.
Gần 70 bài báo nghiên cứu khoa học trên khắp các tạp chí học thuật quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus và nhiều bài đạt chất lượng nghiên cứu xếp hạng A/A*. Những con số ấn tượng này làm tôi nhớ đến nhận xét của một đồng nghiệp của chị, TS Lê Việt Phú: “Cô có một đam mê nồng nhiệt với nghiên cứu”. Chị có thể lý giải sự nồng nhiệt này bắt nguồn từ đâu?
-Từ trước đến nay, tôi hay làm việc ở những môi trường mà đa phần là đồng nghiệp nam nên họ cũng thường dành cho tôi sự ưu ái, động viên như vậy đấy chứ xung quanh tôi toàn là các đồng nghiệp tài năng và nhiệt huyết với công việc cả (cười).
Việc có nhiều bài báo thực ra không nằm trong tính toán gì cả đâu. Đã từng có một học viên cao học hỏi tôi: “Em thấy cô suốt ngày làm nghiên cứu. Cô làm nhiều nghiên cứu như vậy để làm gì?”. Câu hỏi khiến tôi cũng khá… bất ngờ.
Nghĩ lại, đúng là tôi làm nghiên cứu một cách tự nhiên theo cảm hứng và ý tưởng nảy sinh vào một thời điểm, và không muốn bỏ lỡ nó. Tôi cũng không thích cảm giác phải chờ đợi lắm. Nên khi hoàn thành xong một bài nghiên cứu và nộp báo chờ kết quả đánh giá phản biện, tôi sẽ bắt tay vào làm luôn các bài nghiên cứu khác để không phải trải qua cảm giác chờ đợi nhiều tháng trời.
Trở về như một lẽ tự nhiên
Ra đi và trở về là điều chị đã lựa chọn đến thời điểm này trong khi rất nhiều người Việt trẻ du học ở nước ngoài và ở lại. Chị có thể chia sẻ lý do trở về và góc nhìn của chị về “cống hiến”?
-Đúng là tôi đã có nhiều năm du học và cũng đã từng làm việc ở nước ngoài trước khi tốt nghiệp TS. Tuy nhiên, tại thời điểm hoàn thành chương trình PhD, tôi quyết định về nước vì cũng muốn được sống, làm việc và đóng góp cho nền khoa học của nước nhà. Tôi đã thấy những thành công của thế hệ đàn anh, đàn chị trong giới khoa học trong nước - họ cũng đi du học, lĩnh hội kiến thức ở những trường rất tốt ở nước ngoài và rồi cũng quyết định trở về. Và tôi tự nhủ, với vai trò là thế hệ sau, mình cần tiếp nối những thành quả đó.
Bên cạnh đó, lý do quan trọng không kém là tôi cũng muốn được trở về để sống gần gia đình hơn - là điều tôi luôn đau đáu nghĩ về trong những năm tháng sống xa nhà.
Dịp Tết là thời điểm nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình với nhiều người. Là một nhà khoa học nữ, có mùa Tết nào rất đặc biệt với chị? Chị có thể chia sẻ những dự định trong năm mới 2023?
-Tôi xa nhà từ năm 18 tuổi để đi du học. Từ đó, tôi trải qua gần 6 năm du học ở Singapore và thêm 9 năm sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh nên cứ mỗi dịp Tết đến, tôi đều rất trông ngóng để cùng chồng, con về thăm ông bà, bố mẹ. Vì vậy, Tết nào với tôi cũng rất đặc biệt vì đó là những ngày mà đầy đủ thành viên trong đại gia đình được sum vầy bên nhau. Từ khi làm công việc mới ở Quỹ, tôi chuyển ra Hà Nội cùng gia đình và có cơ hội được sống ở gần bố mẹ hơn. Dịp Tết năm nay sẽ còn đặc biệt hơn nữa vì tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn để cùng gia đình về quê, thăm họ hàng.
Trong năm 2023, bên cạnh công việc quản lý ở Quỹ, tôi mong rằng có thể sắp xếp thời gian để tiếp tục công việc nghiên cứu cũng như chia sẻ nhiều hơn với các bạn trẻ yêu khoa học.
Cảm ơn những chia sẻ của chị và chúc cho những dự định, kế hoạch chị đang ấp ủ và thực hiện sẽ thành công!
Ở giai đoạn khi mới bước vào con đường nghiên cứu, các bạn trẻ thường dễ buồn lòng khi đối mặt với một kết quả thất bại hay bài nộp báo bị từ chối. Tôi cũng vậy. Nhưng dần dần thì cũng… quen với cảm giác đó thôi vì sự thất bại hay bị từ chối là điều rất bình thường trong nghiên cứu. Nhưng thất bại càng nhiều thì khi đạt được thành quả, cảm xúc càng tuyệt vời.
Tôi cũng từng có lúc mệt đầu, căng thẳng trong công việc khi làm việc ở cường độ cao mà kết quả không như ý. Nhưng cứ mỗi khi có được một kết quả tích cực hay có một bài nghiên cứu được chấp nhận đăng báo, cảm giác rất sung sướng khiến tôi không còn nhớ đến những lúc mệt mỏi hay khó khăn trước đó nữa.
Ngoài ra, sự ủng hộ của gia đình cũng có vai trò rất quan trọng với tôi. Chồng tôi cũng là một tiến sĩ dù khác lĩnh vực. Anh cũng đã có nhiều năm làm nghiên cứu và giảng dạy ở một trường đại học lớn bên Úc trước khi trở về Việt Nam và làm trong doanh nghiệp. Vì vậy, anh luôn thấu hiểu đam mê và trân trọng công việc nghiên cứu của tôi.