Theo phân tích của các chuyên gia, giờ đây một cơ sở đào tạo đại học (ĐH) hiện đại, chất lượng cao phải là nơi giao thoa của 3 chức năng: Đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) và phục vụ xã hội. Trong đó, NCKH có tác động quyết định tới chất lượng của hai chức năng còn lại, cũng như chất lượng chung của nhà trường.
Khảo sát trong những năm gần đây từ 142/271 trường ĐH của ĐH Quốc gia Hà Nội cho thấy, trong các trường đã hình thành 945 nhóm nghiên cứu. Một trường ĐH có trung bình 7 nhóm nghiên cứu với độ tuổi tham gia đông nhất là 35 - 45, chiếm 59,2%. Nhiều nhóm nghiên cứu mới được hình thành từ năm 2017 trở lại đây.
Cơ sở đào tạo có nhiều nhóm giảng dạy - nghiên cứu nhất là ĐH Bách khoa Hà Nội (127 nhóm), tiếp đến là các Trường ĐH Tây Nguyên (42 nhóm), ĐH Đà Nẵng (36 nhóm), ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (30 nhóm), ĐH Quốc gia TP HCM (24 nhóm), ĐH Quốc gia Hà Nội (29 nhóm nghiên cứu mạnh).
Với các trường ĐH tư thục, hạn chế về nguồn lực đầu tư cho các nhóm nghiên cứu đã được khắc phục. Hiện tại, Trường ĐH tư thục Phenikaa có 3 viện nghiên cứu gồm: Viện Nghiên cứu và Công nghệ Phenikaa (PRATI); Viện Nghiên cứu Tiên tiến Phenikaa (PIAS); Viện Nghiên cứu Nano cùng 8 nhóm nghiên cứu mạnh.
Theo giảng viên ThS Nguyễn Ngọc Thanh - Khoa Xuất bản, phát hành, ĐH Văn hóa TP HCM, sinh viên tham gia NCKH sẽ có nhiều lợi ích thiết thực. Việc thực hiện các đề tài NCKH giúp cho sinh viên thu được thêm rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong quãng thời gian còn là sinh viên.
Chính thức có hiệu lực và đi vào thực tiễn từ 2/11 vừa qua, Thông tư 26 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thay thế cho Thông tư 19/2012/TT-BGDĐT, có nhiều điểm mới được các trường đánh giá cao. Nhiều điểm mới gia tăng quyền và nghĩa vụ cho giảng viên tham gia hướng dẫn sinh viên NCKH, Thông tư mới nói trên đang được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phong trào NCKH trong các trường ĐH.
Cụ thể, ngoài việc quy định giảng viên phải chịu trách nhiệm về nội dung của đề tài được phân công hướng dẫn cho sinh viên, tuân thủ đầy đủ nguyên tắc về đạo đức nghiên cứu và quy định hiện hành, Thông tư 26 còn cho phép giảng viên hướng dẫn được tính giờ NCKH, hưởng mức thù lao và quyền lợi khác theo quy định của cơ sở giáo dục ĐH. Đặc biệt, người hướng dẫn sinh viên NCKH có kết quả xuất sắc, đạt các giải thưởng khoa học và công nghệ trong và ngoài nước hoặc kết quả nghiên cứu được áp dụng, triển khai mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội được ưu tiên trong việc xét chọn danh hiệu thi đua các cấp và hình thức khen thưởng khác.
TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Sau Đại học và Quản lý Khoa học, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP HCM) cho rằng: Chính sách khuyến khích giảng viên tham gia hướng dẫn sinh viên NCKH rất quan trọng. Nó không chỉ thúc đẩy tính bền vững của hoạt động nghiên cứu, mà còn tạo ra hệ sinh thái thi đua NCKH rất tốt cho nhà trường.
Thực tế, để công tác NCKH đi vào chiều sâu và có tính nền tảng, ngoài sự quan tâm và chú trọng của các cơ sở giáo dục ĐH - CĐ, các thông tư, văn bản hướng dẫn, định hướng, khuyến khích hoạt động từ cấp quản lý có vai trò rất quan trọng trong việc nâng tầm vị thế nghiên cứu và công bố khoa học của Việt Nam. Theo ông Tuấn, các văn bản, quy định hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước ngày càng có chất lượng cao hơn và tạo độ mở lớn để đơn vị trực tiếp quản lý thực hiện phù hợp với điều kiện, bối cảnh của mình. Thông tư 26 của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành cũng thể hiện tinh thần này.
Những năm qua, hoạt động NCKH trong các cơ sở giáo dục ĐH có những đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của xã hội. NCKH trong các cơ sở giáo dục ÐH cũng góp phần nâng cao tiềm lực, phát triển mạng lưới các tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, để môi trường NCKH thực sự chuyên nghiệp và bài bản, cần nhiều hơn nữa sự khuyến khích nhằm nâng cao hoạt động NCKH, xa hơn là định hình được vị thế của nhà trường trong các hoạt động chuyển giao, NCKH và công bố quốc tế.