Năm học 2022-2023, thống kê số các công bố khoa học quốc tế trên 1 giảng viên tăng gần gấp 5 lần so với 10 năm về trước, tuy nhiên so với bình quân đầu người vẫn còn khá thấp.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn mong muốn, bên cạnh những công bố quốc tế, cần có những công trình giải quyết được các vấn đề nóng của đất nước, những công bố để cho người Việt đọc và những ứng dụng để giải quyết các vấn đề của thực tiễn, các tư vấn chính sách.
Đầu tư nghiên cứu khoa học còn thấp
Trong chương trình Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học (ĐH), trường ĐH, TS Đinh Minh Hằng - Trưởng phòng Hành chính đối ngoại (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đánh giá, nghiên cứu khoa học và giảng dạy là 2 nhiệm vụ song song trong các trường ĐH, CĐ.
Dẫu vậy, mỗi trường có chính sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học khác nhau. Như tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với 636 giảng viên; trong đó có 424 Tiến sĩ, 128 Giáo sư, Phó Giáo sư, mỗi năm, trường được đầu tư khoảng 6-8 tỷ đồng/năm, tức mỗi giảng viên có từ 10 - 15 triệu đồng/năm để nghiên cứu khoa học.
Theo TS Hằng, đây là con số chưa đủ lớn để thu hút mọi người nghiên cứu khoa học. Đầu tư cho nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH, CĐ hiện còn khá nhỏ lẻ. Do đó, cần có những đề xuất và giải pháp, tùy thuộc vào thực tế nhà trường và năng lực của mỗi nhà khoa học. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học để đạt được hiệu quả nghiên cứu.
Trên thực tế, nguồn kinh phí dành cho đề tài nghiên cứu khoa học các cấp thời gian qua đã tăng đáng kể nhờ các biện pháp chủ động bố trí kinh phí được trích lại từ 5% nguồn thu hợp pháp của cơ sở giáo dục ĐH. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra phần lớn những nguồn lực được huy động cho công tác này hiện dưới hình thức tài trợ cho nghiên cứu khoa học sinh viên. Các hoạt động khoa học và công nghệ của giảng viên đáp ứng nhu cầu và thu hút nguồn lực xã hội vẫn chưa thực sự rõ nét, chỉ tập trung ở một số trường có tư vấn doanh nghiệp và đóng góp phần nhỏ trong nguồn thu của các nhà trường. Đồng thời, các hoạt động tư vấn này vẫn chỉ tập trung ở một nhóm nhỏ chứ chưa trở thành phong trào có sự tham gia đông đảo của đội ngũ các nhà khoa học.
PGS.TS Nguyễn Danh Nam (ĐH Thái Nguyên) cho rằng, trong xu hướng tự chủ ĐH, giảng viên các cơ sở giáo dục được độc lập trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, để thúc đẩy tự do học thuật hơn nữa, ông Nam đề xuất Bộ GDĐT cần tạo môi trường thuận lợi thông qua cơ chế của Nhà nước, đặc biệt là qua môi trường tự chủ ĐH. Đồng thời, cần có kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đặc biệt là với các giảng viên trẻ giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó cũng cần xem xét tăng kinh phí đầu tư cho giáo dục ĐH, tạo môi trường để giảng viên làm nghiên cứu khoa học; chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc quy hoạch mạng lưới các trường ĐH nhằm phát huy tiềm năng của các cơ sở giáo dục và đưa lĩnh vực giáo dục ĐH vươn tầm quốc tế.
Gỡ điểm nghẽn thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu
Liên quan đến vấn đề kinh phí cho các nghiên cứu khoa học trong trường ĐH, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, chi phí từ Nhà nước bao giờ cũng là phần quan trọng, nhưng có hạn. Các trường cần huy động từ nhiều nguồn: Thu từ tự chủ của trường ĐH, đặt hàng của doanh nghiệp, địa phương.
Về phía Bộ GDĐT, kinh phí nghiên cứu cũng có hạn. Bộ ưu tiên đặt hàng những nghiên cứu cơ bản, hoặc liên quan đến giáo dục, đến việc quản lý nhà nước của Bộ GDĐT. Do đó, nhà trường phải hướng tới có được các đặt hàng từ doanh nghiệp, địa phương để giải quyết vấn đề thực tiễn.
Riêng với khối trường sư phạm, khoa học cơ bản, cơ quan nhà nước sẽ phải tăng cường dưới dạng kinh phí đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu; nhưng vẫn cần quan tâm chú trọng đặt hàng từ doanh nghiệp, địa phương…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện nay đã có nhiều chính sách để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học; nhưng có 1 điểm nghẽn, nút thắt khiến hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên chưa phát huy được là việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Việc này, hệ thống chính sách còn phức tạp, phải tháo gỡ nhiều.
“Năm 2022, Bộ GDĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 109 quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục ĐH, CĐ; trong đó có quy định cơ chế khuyến khích các giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, chế độ khuyến khích phát triển các nhóm nghiên cứu, các lĩnh vực nghiên cứu” - ông Sơn cho biết.
Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân kiến nghị, cần tăng đầu tư của Nhà nước cho giáo dục ĐH nguồn đầu tư chiều sâu cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cần quan tâm đầu tư trực tiếp cho con người thông qua các đề tài, dự án. Thực tế, các phòng thí nghiệm chỉ hoạt động hiệu quả khi được vận hành bởi những nhà khoa học giỏi. Cần sớm hoàn thiện các thể chế chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác PPP, nghiên cứu chuyển giao khoa học và công nghệ, thúc đẩy văn hóa hiến tặng.