Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) tại các trường đại học (ĐH) trong nước luôn bị đánh giá thấp cả về tầm vóc lẫn tính hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học. Khảo sát cho thấy, hầu hết hoạt động của các trường ĐH chỉ mới chú trọng công tác đào tạo, giảng dạy, còn hoạt động NCKH chưa được quan tâm đúng tầm, nên đang yếu cả về chất và lượng.
Đẩy mạnh cả chất và lượng trong nghiên cứu khoa học tại trường ĐH.
Kết quả chưa được như mong muốn
Theo PGS.TS Ngô Thị Thu Hồng- Học viện Tài chính, không chỉ phục vụ công tác giảng dạy, NCKH trong nhà trường còn đáp ứng nhu cầu mà xã hội và nền kinh tế đòi hỏi như chế tạo các sản phẩm có chất lượng, chế tạo máy móc công cụ… để phục vụ sản xuất. Dẫu thế, mục tiêu này vẫn chưa được như kỳ vọng.
Cụ thể NCKH tại các trường ĐH trên cả nước đang gặp nhiều khó khăn, xuất phát từ những nguyên nhân sau: Thứ nhất, cơ chế thu hút, ưu đãi giảng viên tham gia vào NCKH chưa thực sự hiệu quả, thiếu sự liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp để tạo đầu ra cho nghiên cứu. Thứ hai, chất lượng đề tài chưa tương xứng với kinh phí, cơ chế giám sát và đánh giá năng lực nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài còn yếu, phân bổ kinh phí dựa trên số lượng người nghiên cứu có học hàm, học vị. Thứ ba, về kinh phí, đây là vấn đề then chốt nhất và vướng mắc nhất của NCKH trong trường ĐH. Hàng năm, ngân sách nhà nước đầu tư cho nghiên cứu khoa học là 2% = 0,5% GDP. Trong số này, Bộ KHCN chỉ nhận được khoảng 8 -10% tổng chi ngân sách. Số kinh phí này còn ít nhưng cũng hơn nhiều nước khác như Indonesia, Philippine… Tuy nhiên, số kinh phí này lại phân chia chưa hợp lý, dàn trải giữa trung ương và địa phương, giữa cơ quan này với cơ quan khác... Vì thế, kinh phí thực sự cho NCKH tại trường ĐH rất hạn chế, đôi khi giáo viên chỉ coi NCKH là điều kiện bắt buộc phải hoàn thành. Yếu tố thứ tư không thể nhắc tới, đó về chế độ đãi ngộ. Vấn đề này phụ thuộc vào tầm nhìn và nhận thức của lãnh đạo, quyền lợi, chính sách họ được hưởng. Các yếu tố nói trên còn nhiều hạn chế, nên người nghiên cứu không chuyên tâm vào NCKH.
Tại các diễn đàn tìm cơ chế phát triển giáo dục ĐH, thúc đẩy tự chủ ĐH, nhiều chuyên gia cho rằng để phát triển cơ sở giáo dục ĐH theo định hướng nghiên cứu cần có hành lang pháp lý. Theo đó xây dựng và phát triển cơ sở giáo dục ĐH theo định hướng nghiên cứu đã được nhắc đến từ lâu, nhưng thực tế vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức - nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội phân tích: Đích đến cuối cùng của ĐH nghiên cứu không phải là để xếp hạng quốc tế mà là chất lượng nguồn lực, hội nhập quốc tế và đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Trên thế giới, không thấy một quốc gia nào thịnh vượng chỉ nhờ vào và dừng lại ở việc chỉ xây dựng ĐH định hướng ứng dụng và ĐH định hướng nghiên cứu. Thực tế, nền sản xuất của họ phát triển, quốc gia họ tạo ra được các yếu tố cạnh tranh là nhờ việc thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Sớm tháo gỡ khó khăn về kinh phí
Xung quanh những băn khoăn trong NCKH tại các trường ĐH hiện nay, TS Trương Tiến Tùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội cho rằng, cần có những thay đổi về cơ chế, chính sách giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động NCKH trong trường ĐH. Cụ thể, kinh phí chi cho hoạt động KHCN của một trường ĐH gồm rất nhiều lĩnh vực, bao gồm chi NCKH sinh viên, nghiên cứu cho cán bộ, lương bộ máy nghiên cứu theo nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của các phòng thí nghiệm, đầu tư phát triển cơ sở vật chất, chi xúc tiến KHCN, hợp tác KHCN.
Theo số liệu của World Bank năm 2016, đầu tư tài chính cho hoạt động NCKH trong cả nước bình quân cả giai đoạn 2011 - 2015 vào khoảng 1,7% ngân sách nhà nước. Trong đó đầu tư tài chính từ ngân sách nhà nước cho hoạt động NCKH trong ngành giáo dục khá khiêm tốn và chưa hợp lý, cụ thể bằng 35% so với đầu tư cho hoạt động NCKH của Bộ NN&PTNN, 86% so với với đầu tư cho hoạt động NCKH của Bộ Công thương, 44,9% so với Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam và 18,3% so với Bộ KHCN.
Đáng chú ý, ngân sách NCKH đầu tư cho ngành giáo dục trong những năm qua có xu thế giảm; trong khi số lượng các nhà khoa học trong ngành ngày càng tăng, số lượng các sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) của các trường ĐH đóng góp cho tiềm lực KHCN quốc gia là lớn. Cụ thể, số lượng các dòng sản phẩm NCKH của các trường ĐH được xã hội hóa chiếm hơn 65% so với tổng số dòng sản phẩm thu được từ hoạt động NCKH trên cả nước; số công trình công bố hàng năm của cả nước là gần 10.000 bài/năm (năm 2018), trong đó các cơ sở giáo dục ĐH đóng góp tới 70%.
TS Trương Tiến Tùng cũng chỉ ra các nguyên nhân của tình trạng trên là: Số lượng giảng viên tham gia và được tham gia NCKH không nhiều. Một tỉ lệ nhỏ trong số đó chưa thật nhiệt tình, say mê nghiên cứu, vì thế, nhiều công trình nghiên cứu vẫn còn nghèo về chất lượng, hàm lượng khoa học thấp. Quy mô đào tạo phát triển nhanh, giờ giảng nhiều, giảng viên chưa dành thời gian cho hoạt động NCKH; có tình trạng đối phó trong NCKH.
Ông Tùng cho rằng cần sớm phải thay đổi chính sách trong hoạt động NCKH. Trong đó có việc thay đổi phương thức tổ chức các nhiệm vụ KHCN cấp Bộ trong các trường ĐH. Triển khai dự án đầu tư trọng điểm xây dựng một số tổ chức KHCN trọng điểm trong các trường ĐH. Triển khai dự án đầu tư tăng cường năng lực nghiên cứu cho hệ thống các phòng thí nghiệm thực hành, thực nghiệm tại các trường ĐH tương ứng với các ngành/chuyên ngành đào tạo... Đồng thời, xây dựng mối quan hệ thống nhất giữa cơ chế quản lý khoa học và cơ chế quản lý đào tạo, cố gắng từng bước tạo thế cân bằng giữa hoạt động NCKH và hoạt động đào tạo. Đặc biệt, để phát triển các trường ĐH, nơi tạo ra phần lớn nguồn nhân lực KHCN, cần đầu tư có trọng điểm, tránh dàn trải, hình thức trong lĩnh vực KHCN. Có như vậy, Việt Nam mới sớm bắt kịp được các nước trong khu vực về giáo dục ĐH.